Để nhận được lời hứa đền bù 1,3 tỉ đồng sau vụ cưỡng chế đất oan sai, hai gia đình ông Huỳnh Hữu Đức (SN 1963) và ông Lâm Ương (SN 1958, cùng ngụ Tp Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đã chịu biết bao cay đắng, sống những cuộc đời tan nát. Đường đến công lý của họ phải mất gần 20 năm theo đuổi kêu oan, số đơn từ kêu cứu nhét đầy hàng bao tải.
Vụ án con dâu địa chủ đòi đất
Năm 1954, cha mẹ của hai ông thuê của một địa chủ trong vùng hơn 5.000m2 đất để canh tác, hàng năm trả tiền và thóc cho địa chủ theo thoả thuận. Sau giải phóng 1975, đất nước không còn địa chủ, gia đình hai ông tiếp tục canh tác đất này ổn định lâu dài, đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước theo luật định.
Cả bốn anh em nhà ông Đức đều trở nên thê thảm sau ngày oan khuất |
Ai ngờ đến năm 1994, biến cố xảy ra khi người con dâu của địa chủ ngày xưa đâm đơn đòi lại đất.
Dù người đòi đất không có giấy tờ gì chứng minh, yêu cầu này trái ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước, UBND thị xã Sóc Trăng (nay là Tp Sóc Trăng) vẫn… chấp nhận đơn, yêu cầu hai gia đình sử dụng đất ổn định lâu dài di dời chỗ khác, trả đất cho người đòi.
Không chấp nhận yêu cầu trái pháp luật, hai gia đình làm đơn khiếu nại, nhưng mọi kêu cứu đều vô vọng.
Từ năm 1995 - 1997, chính quyền địa phương 3 lần thực hiện cưỡng chế nhà cửa, hoa màu, buộc hai gia đình chuyển đến nơi khác. Sau khi thắng kiện, cô con dâu địa chủ tắp lự chuyển nhượng toàn bộ khu đất cho người khác để nhận cục tiền mặt. Hiện khu đất này được xây khán đài xem đua ghe ngo thuộc phường 8.
Những người oan sai rưng rưng nước mắt nhớ lại quãng đời cơ cực, sống trong cảnh màn trời chiếu đất, sống dở chết dở. Ông Đức trầm ngâm: “Nhà cửa bị tháo dỡ hết, phải mắc võng ngủ ở gốc tre, nằm trong chuồng lợn. Khi đó thương mẹ già, tôi dựng tạm bạt để che mưa nắng, cũng bị chính quyền tháo đi. Đến đợt cưỡng chế lần 3, gia đình phải bốc cả mộ cha đi nơi khác, người xách nồi niêu, người bưng tiểu đựng hài cốt cha”.
Người vợ ông Lâm Ương nay còn uất ức: “Không có nhà ở, dựng mái tôn trên mấy cái cọc, nắng thì oi bức, mưa thì ướt sũng”.
Khổ nhất là chị dâu thứ 3 của ông Đức, không chỉ oan khuất mà còn bị bắt đi tù. Đi làm đồng về gặp đoàn cưỡng chế đang dỡ nhà cửa, người phụ nữ xót của lao vào can ngăn, bị công an thị xã lập biên bản bắt giam, bị truy tố tội “Chống người thi hành công vụ”, khi ra toà bị xử bốn tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Những cuộc đời tan nát
Dù không giàu có, nhưng trước vụ oan khuất, hai gia đình này sống êm đềm hạnh phúc, công việc đầy đủ, sum vầy hạnh phúc. Sau oan án, gia đình ly tán, người lớn tối ngày đi kêu oan, ăn còn chẳng đủ nói gì học, những đứa trẻ trở thành thất học.
Diện tích đất bị cưỡng chế sai luật nay đã bị sang nhượng |
Gia đình ông Đức có bốn anh em trai, sau cưỡng chế được chính quyền phân cho mấy nền nhà ở cách nơi ở cũ hơn 1km, nhưng vì nơi ở mới không quen, việc làm lại chưa có nên đói mờ mắt, buộc phải bán đi lấy tiền ăn. Từ đó bốn anh em mỗi người phiêu dạt một nơi kiếm sống.
Anh Hai dắt díu vợ con lên Tp.HCM làm thuê, bảy con người thuê một nhà trọ nhỏ chui rúc vất vưởng sống qua ngày. Anh Ba mượn đất một người quen dựng tạm căn nhà, đi làm thời vụ nuôi 3 đứa con, rồi sống không nổi, dạt đến tận Cà Mau mới có việc làm.Đứa con gái út khi đó đang học lớp sáu phải nghỉ giữa chừng theo mẹ, được trả công 80 - 100 ngàn/tháng kèm nuôi ăn.
Người em út cũng theo anh Hai dắt vợ con lên Sài Thành kiếm ăn. Đứa con khi đó mới được hơn bốn tuổi, đến nay chưa một lần được cắp sách tới trường do cha mẹ nghèo khổ.
Luật Đất đai: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. |
Mấy năm trước, người này bỏ vợ con ở thành phố, một mình ra đảo vào tu ở một ngôi chùa. “Không còn lối thoát, không còn nơi trú thân, chú ấy chọn nhà chùa lánh sự đời bất công”, ông Đức rưng rưng.
Bản thân ông Đức sau thời gian cưỡng chế, không có nơi ở, được cha mẹ vợ thương tình chia cho mảnh đất dựng nhà trong con hẻm thuộc phường 2. Vợ chồng ông công tác trong một trường tiểu học ở huyện Châu Thành, dù đồng lương ít ỏi nhưng so với các anh em, đã là “đại gia” nhất, nên được anh em uỷ quyền theo đuổi vụ kiện suốt gần 20 năm qua.
Gia đình người hàng xóm Lâm Ương sau ngày bị cưỡng chế oan sai, gia cảnh bi đát chẳng kém. Vợ chồng trước đó không có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống phụ thuộc vào diện tích đất hơn 1.000 m2, vừa là nơi dựng nhà ở, vừa là nơi trồng tre lấy măng và một số cây trái khác, ngày ngày mang ra chợ bán đổi gạo nuôi 3 đứa con.
Mất đất, mất cả nguồn thu, đàn con khi đó đang học cấp một đều phải bỏ học, theo cha mẹ về nương náu nhà ông bà ngoại. “Từ đó vợ chồng tôi đi làm thuê khắp nơi kiếm tiền nuôi con”, người vợ cho biết.
Mỏi mòn chờ 1,3 tỷ tiền đền bù
Hai mươi năm nay, uất ức nỗi oan khiên bị con dâu địa chủ “cướp” đất oan, hai gia đình này biết bao lần thảo đơn thư, gõ cửa khắp chính quyền từ địa phương lên đến Trung ương. Suốt một thời gian dài, những gì họ nhận được chỉ là… im lặng.
“Đã có lúc này chúng tôi chán nản lắm, định bỏ cuộc, nhưng đêm nằm nghĩ đến anh em, các cháu, vợ con thất học nghèo đói vì nỗi oan này; hổ thẹn với tổ tiên dưới suối vàng, những người có công gây dựng mảnh đất; nên lại gượng dậy tiếp tục gửi đơn”, ông Đức nhớ lại.
Đường dài, nhưng cứ đi, sẽ tới đích. Cuối cùng sự việc đã được Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ vào cuộc điều tra, kết luận thị xã Sóc Trăng đã ra quyết định cưỡng chế là trái luật.
Gia đình hai ông được cơ quan chức năng mời lên đối thoại, bàn phương án bồi thường thiệt hại do oan sai. Đầu tháng 5/2013 vừa qua, sau nhiều lần bàn bạc, UBND Tp Sóc Trăng thống nhất bồi thường cho gia đình ông Đức 770 triệu đồng, gia đình ông Ương 605 triệu đồng.
Nụ cười hiếm hoi chợt nở trên môi ông Đức, nhưng cười mà miệng… méo xẹo. Ông Đức cho hay, mấy anh em ông dự định đến khi nhận được tiền, sẽ chia đều trả nợ, trang trải cuộc sống.
Nhưng số tiền đền bù lấy từ đâu và khi nào trả thì vẫn chưa biết. Hỏi chính quyền, ông được trả lời “số tiền này được tỉnh trợ cấp, trong khi tỉnh vẫn chưa phân về cho thành phố”. Khoản tiền phải “đánh đổi” bằng những cuộc đời tan nát trong đại gia đình ông vậy là vẫn còn xa lắm.
Theo Xa lộ pháp luật