Tương tự, bệnh sởi có số ca mắc cũng ở mức cao: Nếu như 2 tháng đầu năm 2018, toàn TP chỉ có 2 ca bệnh, cùng kỳ năm nay lên đến 1.206 ca. Còn bệnh tay - chân - miệng, từ đầu năm đến nay có 368 trường hợp nhập viện, cao hơn 43% so với cùng kỳ năm 2018.
Trả lời báo chí, Giám đốc TTYTDP TP HCM cho biết, mặc dù các dịch bệnh giảm chậm, nhưng đáng mừng là những ngày cuối tháng 2, số lượng bệnh nhân mắc bệnh đã giảm rõ rệt. Chẳng hạn như bệnh sốt xuất huyết, trung bình 4 tuần trước có đến 880 ca bệnh/tuần, thì đến cuối tháng 2 chỉ còn 570 ca bệnh/tuần; số ca bệnh sởi cũng từ gần 200 ca/tuần xuống còn khoảng 130 ca bệnh/tuần.
Hiện nay, bệnh sởi được xem là mối nguy tiềm ẩn, vì tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh trong cộng đồng vẫn còn thấp. Khảo sát của TTYTDP TP HCM cho thấy, 95% bệnh nhân mắc sởi chưa tiêm chủng, 50% bệnh nhân mắc sởi trong độ tuổi từ 18 tháng đến 10 tuổi. Đặc biệt, 14% bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi (độ tuổi chưa đến lịch tiêm chủng vaccine sởi) mắc sởi là do không nhận được kháng thể từ mẹ.
Ngoài ra, bệnh sởi không chỉ xuất hiện ở trẻ em, mà còn ghi nhận cả ở người lớn, chứng tỏ, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine sởi và có miễn dịch với bệnh sởi trong cộng đồng rất thấp, nguy cơ lây lan bệnh càng cao.
TTYTDP TP HCM khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh sởi, người dân, kể cả người lớn và trẻ em, cần chủ động tiêm phòng vaccine sởi. Đối với bệnh sốt xuất huyết, cần diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt. Còn để phòng bệnh tay - chân - miệng, người dân cần giữ vệ sinh, rửa tay sạch bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh.
Cả 3 bệnh này đều có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên khi có dấu hiệu bệnh trở nặng cần đưa đến các cơ sở y tế nhằm tránh biến chứng nguy hiểm.