Dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chia sẻ tại Hội nghị tăng cường phòng, chống dịch năm 2023 diễn ra tại Bình Định hôm qua (14/4), TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, tháng 3 cả nước ghi nhận 384 ca mắc COVID-19, giảm 8,6% so với tháng 2. Tuy nhiên, dịch có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.
TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

Cụ thể, từ 6 - 12/4, cả nước ghi nhận 849 ca mắc mới, trung bình có 120 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 4,2 lần so với 7 ngày trước đó. Nhóm tuổi từ 50 trở lên ghi nhận 262 ca (chiếm 30,9% số ca mắc mới). Đáng chú ý, trong ngày 13/4, số mắc tăng vọt lên gần 500 ca.

Theo TS Tâm, số mắc COVID-19 lúc tăng, lúc giảm không chỉ xảy ra ở nước ta mà nhiều nước trên thế giới. “Sau khi nghe thông tin về tình trạng mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng, một số người có thể lo lắng. Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh, thực hiện tốt 2K, tiêm vaccine. Các tỉnh chưa tiêm đạt tỷ lệ thì cần tiếp tục triển khai”, TS Tâm nói.

Cục Y tế dự phòng đang phối hợp các viện chức năng để theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên cả nước. Trong đó, theo dõi sự xuất hiện của các biến thể mới virus SARS- CoV-2, nhất là khi có trường hợp tử vong bất thường xảy ra.

Theo TS Tâm, tại nước ta, dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn. Một số bệnh lưu hành như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết..., bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine cũng có nguy cơ gia tăng số mắc.

Trong khi đó, giao thương, du lịch tăng cao, thời tiết thay đổi bất thường, mùa mưa đến sớm, lượng mưa tăng cao. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn, số chưa tiêm chủng cao, khả năng miễn dịch giảm.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 25.000 ca sốt xuất huyết, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 3 ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc cao là TP HCM, Bình Thuận, An Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa...

Ông Tâm cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng thời gian qua là do tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hóa. Bên cạnh đó là tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu chủ động, quyết liệt xảy ra tại một số nơi, một số thời điểm. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành chưa đồng bộ, nhất quán.

Mặt khác, tỷ lệ tiêm chủng của một số nơi còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đạt mong muốn.

TS Tâm nhận định tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn diễn biến khó lường. Dịch COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan (Marburg, cúm A(H5N1)). Các tác nhân gây bệnh, các chủng virus cúm liên tục biến đổi làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

TS Nguyễn Trọng Khoa, Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng chia sẻ, cúm H3N8 từ Trung Quốc chưa biết lúc nào xâm nhập vào nước ta. Xu hướng mở cửa, áp lực môi trường khiến tần suất xuất hiện bệnh dịch mới nổi dày hơn.

“Trước giới khoa học ước tính cứ 7 - 10 năm có dịch bệnh mới thì giờ có thể nhanh hơn. Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn tồn tại nên chúng ta phải có tinh thần chuẩn bị”, TS Khoa nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá hiện ca mắc COVID-19 tăng nhưng không có tử vong, tỷ lệ chuyển nặng tăng hơn so tháng trước 5 ca. Dù vậy, chúng ta vẫn cần cảnh giác để có biện pháp đáp ứng kịp thời với COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết. Các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp cho phù hợp, bố trí kinh phí.

Về vaccine phòng COVID-19, bà Hương cho biết ngành Y tế mua và tiếp nhận vaccine viện trợ căn cứ vào đề xuất của địa phương. Số lượng vaccine do địa phương đề xuất, kể cả tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, có thực tế là vaccine chuyển về nhưng tỉnh không nhận.

Bà Hương đề nghị các địa phương rút kinh nghiệm, đề xuất bao nhiêu vaccine thì nhận bằng đấy. Một số tỉnh còn tỷ lệ tiêm mũi 3, tiêm mũi 2 cho trẻ thấp cần cố gắng để đạt tỷ lệ đề ra.

Tại TP HCM, nhằm chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hạn chế nguy cơ dịch chồng dịch, Sở Y tế đã ban hành công văn chỉ đạo HCDC và tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trong đó yêu cầu HCDC tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch COVID-19, chùm ca mắc bệnh COVID-19, chùm ca viêm hô hấp.

Yêu cầu tất cả các BV trên địa bàn TP sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo thường trực 24/24h để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và cấp cứu của người dân. Các BV đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP sẵn sàng bố trí khu vực cách ly, thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 tại khoa/đơn vị COVID-19. BV Bệnh Nhiệt đới TP là bệnh viện tuyến cuối điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch.

Các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các trường hợp người bệnh có bệnh lý đi kèm hoặc bệnh lý nền nặng có nhiễm COVID-19 theo chuyên khoa do BV tuyến dưới chuyển đến. BV Dã chiến số 13 sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 tiếng đồng hồ khi tình hình dịch bệnh có diễn tiến xấu.

Đọc thêm