Dịch COVID-19: Cứ 50 người Mỹ có một người nhiễm; BioNTech có tác dụng chống lại biến thể của virus SAR-CoV-2?

(PLVN) - Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 8 giờ 15 ngày 9/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 89.321.122 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.920.726 ca tử vong.

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 8 giờ 15 ngày 9/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 89.321.122 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.920.726 ca tử vong. Hơn 63,9 triệu bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới đã phục hồi.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 378.057 ca tử vong trong tổng số  22.443.286 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 150.835 ca tử vong trong số 10.432.525 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 201.542 ca tử vong trong số 8.015.920 bệnh nhân.

Cứ 50 người có một người nhiễm COVID-19 tại Mỹ

Ngày 8/1 nước Mỹ ghi nhận kỷ lục mới với hơn hơn 4.000 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người tử vong vì đại dịch của nước Mỹ lên hơn 365.000 ca và 21,7 triệu người nhiễm bệnh.

Giới chuyên gia ngày 8/1 đưa ra đánh giá với trang báo tên tuổi Newsweek rằng ở nhiều vùng trên nước Mỹ cứ 50 người có một người nhiễm virus SARS-CoV-2. Tình trạng trên diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang phải vật lộn với đại dịch và chủng virus mới đã lan ra tám bang gồm Colorado, Texas, Pennsylvania, Connecticut, California, Florida, New York, và Georgia.

Tiến sỹ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về các bệnh truyền nhiễm thậm chí còn cho rằng số bang có chủng virus mới xuất hiện trên thực tế còn nhiều hơn. Ông đề xuất người Mỹ cần phải đeo khẩu trang ít nhất thêm 100 ngày sau khi Tổng thống mới Joe Biden chính thức nhậm chức.

Tiến sỹ Fauci nhận định xu hướng tồi tệ này sẽ tiếp diễn trong những tuần tới do nước Mỹ vừa trải qua kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới với rất nhiều hoạt động người thân, gia đình gặp gỡ nhau.

Nam Phi nghiên cứu khả năng kháng vắcxin của biến thể virus SARS-CoV-2

Các nhà khoa học Nam Phi bắt đầu tiến hành nghiên cứu xem liệu các loại vắcxins ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lưu hành có bị giảm hiệu quả đối với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa tìm thấy ở nước này hay không. Dự kiến kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trong vòng hai tuần tới.

Học viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD) hôm 8/1 thông báo các chuyên gia tại học viện đang thu thập mẫu bệnh phẩm từ các tình nguyện viên đã được tiêm thử nghiệm vắcxins ngừa COVID-19 để kiểm tra xem các kháng thể có bị giảm động lực đối với 501Y.V2 - biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Nam Phi hồi cuối tháng 12 vừa rồi.

Trong một thông báo cùng ngày, Giáo sư Penny Moore, chuyên gia hàng đầu về di truyền học tại NICD, cho biết học viện đang tiếp tục thu thập bệnh phẩm từ các tình nguyện viên đã được tiêm nhiều loại vắcxin ngừa COVID-19 do các hãng dược phẩm khác nhau sản xuất như Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson và Oxford University-AstraZeneca.

BioNTech có tác dụng chống lại biến thể của virus SAR-CoV-2?

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 8/1, công ty BioNTech của Đức tuyên bố một nghiên cứu sơ bộ cho thấy vắcxin của hãng này có tác dụng chống lại đột biến quan trọng trong các biến thể của virus SAR-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phát hiện ở Anh và Nam Phi mà các chuyên gia cho rằng dễ lây lan hơn so với các chủng virus corona thông thường.

Theo BioNTech, các thử nghiệm về vắcxin ngừa COVID-19 mà hãng này phối hợp với Pfizer (của Mỹ) sản xuất cho thấy "kháng thể từ những người đã được tiêm vắcxin của Pfizer-BioNTech vô hiệu hóa hiệu quả virus SARS-CoV-2 mang đột biến then chốt mà cũng được tìm thấy ở hai biến thể có khả năng lây nhiễm cao."

BioNTech cho biết nghiên cứu do Pfizer và Chi nhánh Y tế Đại học Texas thực hiện "cho thấy đột biến N501Y quan trọng, được tìm thấy trong các biến thể mới xuất hiện ở Anh và Nam Phi, không tạo ra đề kháng đối với các phản ứng miễn dịch mà vắcxin của Pfizer-BioNTech mang lại."

Ai Cập huy động quân đội tham gia chống dịch COVID-19

Quân đội Ai Cập đã triển khai lực lượng đặc biệt để tiến hành phun khử trùng nhiều khu vực thường xuyên tập trung đông người ở thủ đô. Đây là một phần trong kế hoạch nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Bộ Y tế Ai Cập thông báo các bệnh nhân mắc COVID-19 không nhập viện ở nước này vẫn sẽ được theo dõi tại nhà, ngay cả khi họ không nằm trong hệ thống giám sát của cơ quan y tế.

Kể từ tuần cuối tháng 12 năm ngoái, Ai Cập phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai. Theo số liệu thống kê mới nhất, quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhận hơn 146.800 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hơn 8.000 ca tử vong.

Nhật Bản tiếp tục siết chặt quy định nhập cảnh

Nhật Bản tuyên bố sẽ siết chặt hơn các quy định kiểm soát biên giới kể từ ngày 9/1 bằng cách yêu cầu tất cả những người nhập cảnh trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành đến Nhật Bản trong giai đoạn áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp mới nhất. Bên cạnh đó, khách nhập cảnh sẽ được xét nghiệm ngay khi đến Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết biện pháp trên sẽ được áp dụng đối với những người nhập cảnh vào nước này từ ngày 13/1 và sẽ có hiệu lực cho tới khi lệnh tình trạng khẩn cấp thứ 2, được công bố hôm 7/1, được dỡ bỏ.

Theo tuyên bố của Chính phủ Nhật Bản, lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực đến ngày 7/2.

EU kêu gọi hỗ trợ 6 nước phía Đông tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19

Tại châu Âu, ngoại trưởng của 13 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa gửi thư ngỏ tới Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi hỗ trợ 6 nước đối tác phía Đông gồm Ukraine, Gruzia, Belarus, Moldova, Azerbaijan và Armenia để đảm bảo tiếp cận với vắcxin ngừa COVID-19.

Litva cho biết đã khởi xướng việc viết thư gửi EC và nhận được sự đồng thuận của các ngoại trưởng của Bulgaria, Croatia, Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hungary, Latvia, Ba Lan, Romania, Slovakia và Thụy Điển. Bức thư nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng biên giới của EU sẽ không an toàn nếu không mở rộng hỗ trợ cho các nước láng giềng gần kề của chúng tôi. Các đối tác phía Đông của chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ sự đánh giá cao đối với sự hỗ trợ liên quan đến COVID-19 của EU và đã đề nghị được tiếp cận với vắcxin một cách thuận lợi.”

Theo các bộ trưởng, các nước đối tác phía Đông sẽ nhận được sự hỗ trợ như đã cam kết với các nước Tây Balkan. Trước đó ngày 28/12/2020, EC đã thông báo rằng 6 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Tây Balkan gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia sẽ được tiếp cận sớm với vắcxin ngừa COVID-19 nhờ gói viện trợ trị giá 70 triệu euro.

Đọc thêm