Đức có thể phong tỏa toàn quốc vào tuần tới để ngăn chặn dịch Covid-19
Một ngày trước khi diễn ra cuộc thảo luận trực tuyến về đại dịch Covid-19 giữa Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang ở Đức, chính quyền trung ương và các địa phương tối 12/12 đã nhất trí sẽ thực triển khai lệnh phong tỏa toàn phần chậm nhất từ ngày 16/12 tới.
Tuy còn một số khác biệt, song chính quyền liên bang và các bang đã đạt nhất trí về biện pháp “khóa cứng” cho tới ngày 10/1/2021 nhằm kiềm chế tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2. Thông tin này được đưa ra sau cuộc trao đổi giữa Văn phòng Chính phủ liên bang và Văn phòng thủ hiến 16 bang của Đức. Tuy nhiên, Phủ Thủ tướng Đức mong muốn áp đặt lệnh phong tỏa ngay từ ngày 15/12, tiếp đó sẽ nhóm họp lại vào ngày 4/1/2021 để thảo luận về diễn biến của dịch bệnh để có thể nới lỏng hoặc tiếp tục kéo dài biện pháp này.
Trong thời gian phong tỏa, các cửa hàng bán lẻ (trừ các cửa hàng thực phẩm) sẽ phải đóng cửa.
Những hoạt động tụ họp sẽ hạn chế ở mức tối đa 5 người trong 2 hộ gia đình, không tính trẻ em dưới 14 tuổi. Riêng từ ngày 24-26/12, Đức sẽ cho phép gặp tối đa 10 người, có thể thuộc nhiều hơn 2 hộ gia đình nếu là họ hàng thân thích. Kế hoạch cụ thể sẽ được đưa ra sau cuộc thảo luận trực tuyến sáng 13/12 giữa Thủ tướng Merkel với những người đứng đầu 16 bang của Đức.
Trung Quốc siết chặt kiểm dịch ở biên giới
Các nhà chức trách Trung Quốc ngay lập tức siết chặt chiến dịch chống Covid-19 ở Đông Ninh và Tuy Phân Hà, sau khi cả hai thành phố giáp Nga này ghi nhận ca nhiễm mới liên quan tới lao động làm việc ở cảng và khu thương mại.
Với lệnh phong tỏa tại Đông Ninh, mọi dịch vụ xe buýt công cộng đều tạm dừng hoạt động và tất cả các trường học phải đóng cửa. Những ai muốn rời khỏi thành phố phải nộp giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng một ngày. Mỗi hộ gia đình chỉ được cử một người ra khỏi nhà 2 ngày một lần để mua nhu yếu phẩm, và mỗi lần rời khỏi nhà không quá hai tiếng.
Tại Tuy Phân Hà, ngoài siết chặt kiểm dịch, chính quyền thông báo tiến hành xét nghiệm trên toàn thành phố, dự kiến hoàn tất trong 3 ngày, sau khi một công nhân bốc dỡ hàng tại một khu thương mại nhiễm virus corona chủng mới.
Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới trên 3.000 ca/ngày
Ngày 12/12 (giờ địa phương), Nhật Bản đã phát hiện thêm 3.031 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020, số ca nhiễm mới vượt trên 3.000 người/ngày.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng trên khắp toàn quốc, hệ thống y tế ở nhiều khu vực tại Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Các số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy tính đến ngày 10/12, có ba trong số 47 tỉnh, thành ở nước này có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19/số giường bệnh ở các bệnh viện vượt quá 50%. Tỷ lệ này cao nhất ở tỉnh Hyogo (68,9%), tăng 3,9% so với tuần trước đó. Tiếp theo là Hokkaido (55,1%) và Kochi (53,5%). Các tỉnh, thành khác có tỷ lệ này cao gồm Tokyo (46,3%), Aichi (45,3%), Osaka (49,3%) và Okinawa (46,8%).
Nhằm khống chế dịch bệnh, Chính phủ Nhật Bản vừa đạt được thỏa thuận với hãng dược phẩm AstraZeneca PLC của Anh về việc mua 120 triệu liều vaccine, đủ để tiêm phòng cho 60 triệu người. Vaccine của AstraZeneca được cho là có hiệu quả tới 90%.
Indonesia chi 45 triệu đô mua vắc-xin
Bộ trưởng Indonesia Terawan Agus Putranto xác nhận nước này đã nhận được 1,2 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 trong đợt giao hàng đầu tiên từ phía Trung Quốc. Đợt tiếp theo gồm 1,8 triệu liều được giao trong tháng 1/2021.
Theo ông Putranto, cơ quan ngân sách thuộc Bộ Tài chính Indonedia đã đề nghị Tổng thủ quỹ Nhà nước chuẩn bị sẵn 3637,3 tỷ rupiah (45,4 triệu USD) để mua số vắc-xin trên.
Bộ trưởng cho biết thêm, nhân viên y tế sẽ là nhóm đầu tiên được tiêm phòng. Chiến dịch tiêm chủng ngừa dịch trên toàn quốc sẽ được thực hiện dần theo từng giai đoạn, căn cứ vào tình trạng sẵn có của vắc-xin.