Trong vòng 1 ngày qua, thế giới ghi nhận thêm 241.051 ca mắc COVID-19 và 5.496 ca tử vong, với tổng số người chết đã lên tới gần 860.000 ca. Các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (78.169 ca), Brazil (40.030 ca) và Mỹ (39.484 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.101 ca), tiếp theo là Brazil (1.081 ca) và Ấn Độ (1.025 ca).
Indonesia công bố thời điểm tiêm vắc-xin Covid đại trà
Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cho biết hàng triệu người dân nước này có thể được tiêm vắc-xin vào tháng 1/2021. Ông cũng tuyên bố sẽ cần một năm để hoàn tất chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đại trà hoàn toàn do chính phủ tài trợ.
Chương trình này sẽ được triển khai tại các trung tâm y tế và bệnh viện công lập trên cả nước.
Theo tờ Straits Times, Tổng thống Joko Widodo ngày 1/9 cho biết nhiều khả năng dịch Covid-19 sẽ lên tới đỉnh điểm tại nước này vào giữa tháng 9. Ông cũng "rất tự tin" về việc được tiếp cận một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả vào cuối năm 2020 này.
Mỹ không tham gia sáng kiến vắc-xin của WHO
Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ không tham gia một sáng kiến toàn cầu nhằm phát triển, sản xuất và phân phối công bằng vắc-xin do WHO dẫn đầu.
Hơn 170 quốc gia đang đàm phán để tham gia Cơ sở Tiếp cận Toàn cầu vắc-xin Covid-19 (Covax) nhằm tăng tốc độ phát triển vắc-xin, đảm bảo liều lượng cho tất cả quốc gia và phân phối chúng đến những nhóm dân số có nguy cơ cao nhất.
Kế hoạch do WHO, Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Sẵn sàng Đối phó Dịch bệnh và liên minh vắc-xin Gavi đồng dẫn đầu, được các đồng minh truyền thống của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Đức và Ủy ban châu Âu ủng hộ.
|
Một loại vắc-xin Covid-19 tiềm năng tại phòng thí nghiệm Novavax ở Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, Mỹ sẽ không tham gia, một phần vì Nhà Trắng không muốn làm việc với WHO. "Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để đảm bảo chúng ta sẽ đánh bại loại virus này, nhưng không bị hạn chế bởi các tổ chức đa phương chịu ảnh hưởng bởi WHO mục ruỗng và Trung Quốc", phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere nói tại Washington ngày 1/9.
Theo Washington Post, một nguồn tin chính phủ giấu tên cho biết một số quan chức gồm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar và Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun đã bày tỏ quan tâm đến Covax nhưng cuối cùng bị bác bỏ ý kiến. Các quan chức khác tin rằng Mỹ đủ có đủ vắc-xin tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng để họ có thể "đi một mình".
"Mỹ đang đánh một canh bạc lớn khi thực hiện chiến lược đi một mình", Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói.
Hồi tháng 4/2020, Mỹ tuyên bố ngừng cấp ngân sách cho WHO. Donald Trump hôm 7 tháng 7 khởi động quá trình rút Mỹ khỏi WHO và quyết định này sẽ có hiệu lực sau đó một năm.
Thái Lan sẵn sàng cho tình huống làn sóng lây nhiễm thứ hai
Cùng ngày 1/9, Bộ Y tế Thái Lan đã đảm bảo với người dân rằng cơ quan này hoàn toàn sẵn sàng cho tình huống nếu Thái Lan phải đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ hai trong bối cảnh các ca bệnh xuất hiện trở lại ở một số quốc gia.
Phó Tổng thư ký Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm, Tiến sĩ Surachoke Tangwiwat xác nhận Thái Lan có đầy đủ thuốc, dược phẩm, đồ bảo hộ cá nhân (PPE) và khẩu trang N95 cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc.