Mỹ thông qua gói 1.900 tỷ USD cứu trợ Covid-19
Ngày 5/2, Thượng viện Mỹ đã chính thức phê chuẩn dự thảo ngân sách cho phép đảng Dân chủ thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden.
Trước đó, sau khoảng 15 giờ tranh luận và bỏ phiếu về hàng chục sửa đổi, Thượng viện Mỹ rơi vào bế tắc trong việc thông qua gói cứu trợ Covid-19 với tỷ lệ 50 phiếu ủng hộ và 50 phiếu chống. Tuy nhiên, thế cân bằng đã bị phá vỡ sau khi Phó Tổng thống Kamala Harris đã bỏ phiếu thuận, mang lại chiến thắng cho phe Dân chủ. Với lá phiếu mang tính bước ngoặt của bà Harris - người cũng là Chủ tịch Thượng viện, gói ngân sách trị giá 1.900 tỷ USD sẽ được gửi trở lại Hạ viện Mỹ xem xét.
Trước đó, ngày 3/2, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua kế hoạch ngân sách, mở đường cho việc phê chuẩn gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất mà không cần sự ủng hộ của một số thành viên đảng Cộng hòa.
Ngày 14/1, ông Biden đã công bố gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD, bao gồm 415 tỷ USD để cải thiện khả năng ứng phó dịch bệnh và triển khai vaccine Covid-91, 1.000 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp các gia đình và khoảng 440 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhờ và cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.Mỗi người dân Mỹ dự kiến nhận được 1.400 USD theo gói cứu trợ.
Tuy nhiên, gói cứu trợ này đã vấp phải sự phản đối từ các thành viên đảng Cộng hòa khi đảng này chỉ muốn tìm kiếm một thỏa thuận nhỏ hơn nhiều, khoảng 600 tỷ USD, trong đó có các khoản thanh toán trực tiếp 1.000 USD, do lo ngại gói cứu trợ của đảng Dân chủ sẽ làm gia tăng nợ công của Mỹ.
Anh hợp tác với hãng CureVac phát triển vắc-xin ngừa biến thể mới
Trong thông báo ngày 5/2, Chính phủ Anh cho biết hầu hết tất cả các loại vắc-xin mà nước này phối hợp phát triển với CureVac sẽ có cùng gốc với loại vắc-xin mà hãng này đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là một trong những rủi ro lớn nhất đối với chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở nước này.
Hiện cả hai loại vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Oxford/AstraZeneca đang được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng ở nước này dường như có hiệu quả chống lại các biến thể đang lây lan nhanh ở Anh.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nhấn mạnh cần phải chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra và nâng cao năng lực sản xuất để có thể phát triển vắc-xin ngăn ngừa các biến thể mới.