Dịch Covid-19 sáng ngày 10/12: Dị ứng sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, Seoul áp đặt hạn chế chưa từng có tiền lệ

(PLVN) - Trong 1 ngày qua, thế giới ghi nhận 593.252 trường hợp mắc Covid-19 và 11.178 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 69,1 triệu người.
Người dân Pháp đeo khẩu trang khi ra ngoài. Ảnh: France24.

Số người tử vong tại Đức cao kỷ lục

Cơ quan y tế Đức cho biết, trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 20.815 ca nhiễm mới và gần 600 ca tử vong do Covid-19, con số tử vong cao nhất theo ngày kể từ đầu dịch. Hiện Đức có hơn 1,2 triệu ca nhiễm và 20.259 ca tử vong.

Thủ tướng Angela Merkel yêu cầu Đức áp đặt biện pháp cứng rắn hơn. Bà kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc trong dịp Giáng sinh, đề nghị quốc hội xem xét phong tỏa diện rộng sau lễ, ủng hộ đóng cửa trường học và cửa hàng đến hết 10/1/2021.

"Tôi thực sự xin lỗi nhưng nếu chúng ta phải trả giá bằng 590 ca tử vong trong một ngày, tôi thấy điều đó là không thể chấp nhận được", bà tuyên bố. "Chúng ta đang ở trong giai đoạn quyết định để chống lại đại dịch. Các số liệu ở mức quá cao".

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Anil Vij nhiễm Covid-19

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Anil Vij ngày 5/12 thông báo nhiễm Covid-19 và đã nhập viện để theo dõi điều trị. Vij đã tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc-xin Covaxin giai đoạn ba hồi cuối tháng trước và được dùng một liều thử nghiệm. Tuy nhiên, không rõ ông được tiêm vắc-xin hay giả dược.

Theo truyền thông Ấn Độ, Viện Huyết thanh Ấn Độ đã yêu cầu cơ quan quản lý dược phẩm cho phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Anil Vij ngày 5/12 thông báo nhiễm Covid-19. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 10 ông cho biết chính phủ sẵn sàng tiêm chủng cho từng người dân ngay khi vắc-xin sẵn sàng. Tuy nhiên, Rajesh Bhushan, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ, giải thích thêm rằng họ chỉ cần tiêm cho một số lượng người nhất định để phá vỡ chuỗi lây truyền, thay vì tiêm chủng toàn quốc.

Dị ứng sau khi tiêm vắc-xin

Cơ quan chức năng Anh khuyến nghị người có tiền sử dị ứng không nên tiêm vắc-xin Covid-19 ở thời điểm hiện nay, sau khi phát hiện hai ca bị dị ứng trong ngày đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin Pfizer/BioNTech.

Giám đốc Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế của Anh (MHRA), bà June Raine khuyến cáo những người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 nên đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra ngay lập tức, nếu như có biểu hiện bất thường.

Anh đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên trên thế giới phê duyệt lưu hành vắc-xin phòng ngừa dịch Covid-19, sau khi MHRA cấp phép sử dụng loại vắc-xin do hãng Pfizer của Mỹ và hãng BioNTech của Đức đồng phát triển.

Seoul áp đặt hạn chế chưa từng có tiền lệ

Từ 5/12, thủ đô Seoul áp đặt hạn chế chưa từng có tiền lệ, đóng cửa hầu hết các cơ sở và cửa hàng lúc 21h. Thủ tướng Chung Sye-kyun cảnh báo nếu tình trạng virus lây lan không được kiểm soát, số ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 1.000, dẫn đến nguy cơ thiếu giường bệnh.

Chính phủ Hàn Quốc hôm 6/12 quyết định áp đặt các quy tắc cách biệt cộng đồng nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Seoul và những khu vực lân cận. Theo đó, mọi hoạt động tụ tập trên 50 người đều bị cấm. Giới hạn về số người tham dự được thắt chặt hơn đối với các lớp học và sự kiện tôn giáo. Các cơ sở kinh doanh như phòng gym hay quán karaoke cũng đối mặt những hạn chế mới. Những quy định bổ sung này sẽ có hiệu lực trong ít nhất ba tuần, tới cuối tháng 12.

Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in đã ra lệnh mở rộng xét nghiệm, huy động quân đội và nhiều người hơn từ lĩnh vực công cùng tham gia chống dịch.

Người tiêm vắc-xin cần kiêng rượu

Theo khuyến nghị của Phó thủ tướng Nga Tatyana Golikova, những người tiêm vắc-xin nên kiêng uống rượu và thuốc ức chế miễn dịch trong 42 ngày, vì khoảng cách tiêm hai liều vắc-xin Sputnik V để đạt được hiệu quả là 21 ngày.

Anna Popova, lãnh đạo tổ chức Rospotrebnadzor, cho rằng "nếu chúng ta muốn khỏe mạnh và có phản ứng miễn dịch mạnh, không được uống rượu". Theo bà, "phải ngừng uống rượu ít nhất 2 tuần trước khi tiêm. Người tiêm phải tránh uống rượu trong 42 ngày sau mũi tiêm đầu tiên".

Nga hiện là một trong những nước tiêu thụ đồ uống có cồn nhiều nhất thế giới.

Đọc thêm