Dịch Covid-19 sáng ngày 14/1: Biến thể của SARS-CoV-2 đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ

(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 00h ngày 13/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 92.268.019 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 1.976.988 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 66.020.429 người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Biến thể của SARS-CoV-2 đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ

Hungary là nước mới nhất phát hiện các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu ở Anh mới đây. Tổng Y sĩ Cecilia Muller ngày 13/1 cho biết rằng các bác sĩ đã tìm thấy biến thể của SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân Covid-19.

Trong ngày 13/1, Philippines và Sri Lanka cũng thông báo ghi nhận các ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Bộ Y tế và Trung tâm Gen Quốc gia Philippines chính thức xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể này là một người Philippines từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về nước hôm 7/1. Còn ca nhiễm được ghi nhận tại Sri Lanka là một người Anh mới nhập cảnh.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh hồi giữa tháng 12/2020, đến nay đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể tương tự được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 20 nước và vùng lãnh thổ. Cả hai biến thể này được xác định có khả năng lây nhiễm cao.

Trên thực tế, số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày tại Anh và Nam Phi tăng đột biến trong thời gian gần đây. WHO cũng lưu ý biến thể mới thứ 3 của SARS-CoV-2 phát hiện tại Nhật Bản có thể tác động đến khả năng lây lan và phản ứng miễn dịch. 

Theo WHO, virus SARS-CoV-2 càng lây lan càng có nhiều cơ hội biến đổi. Điều này có nghĩa là lây lan càng nhiều thì SARS-CoV-2 càng có khả năng có thêm nhiều biến thể. Do đó điều quan trọng hiện nay là tăng cường khả năng chẩn đoán và sắp xếp một cách hệ thống chủng virus này.

Nga triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V từ tuần sau

Ngày 13/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị giới chức nước này bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 từ tuần tới, đồng thời ca ngợi vaccine Sputnik V do nước này sản xuất là tốt nhất thế giới.

Phát biểu trước các quan chức trong cuộc họp chính phủ, Tổng thống Putin nêu rõ: "Tôi yêu cầu bắt đầu tiến hành tiêm chủng đại trà cho tất cả người dân từ tuần tới. Vaccine (Sputnik V) của Nga là tốt nhất trên thế giới".

Ông đặc biệt nhấn mạnh đến ưu điểm của vaccine Sputnik V đó là điều kiện bảo quản trong quá trình vận chuyển đơn giản mà hiệu quả. Ông cho rằng Nga nên chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng liên quan để thúc đẩy việc sản xuất vaccine này, vốn được Moscow quảng bá là có giá thành rẻ hơn và dễ dàng vận chuyển hơn các loại vaccine ngừa Covid-19 khác.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết nước này đã sẵn sàng triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V từ ngày 18/1 tới.

Nga đã bắt đầu triển khai tiêm chủng quy mô lớn vaccine Sputnik V hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó ưu tiên các bác sĩ và những nhân viên y tế ở tuyến đầu.

Các dữ liệu thử nghiệm sơ bộ được công bố vào tuần trước cho thấy vaccine Sputnik V, được nhà chức trách cấp phép sử dụng hồi tháng 8 năm ngoái, đạt hiệu quả phòng ngừa lên tới 91,4%. RDIF ngày 11/1 cho biết đã có trên 1,5 triệu người trên thế giới được chủng ngừa Covid-19 bằng vaccine Sputnik V.

Malaysia tái áp đặt lệnh phong tỏa

Ông Noor Hisham, một quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này buộc phải tái ban bố Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) từ ngày 13 - 26/1 tại nhiều địa phương do Lệnh hạn chế di chuyển có điều kiện (CMCO) không thể mang lại hiệu quả mong muốn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều 13/1, Tiến sỹ Noor Hisham cho biết Malaysia thực hiện CMCO từ ngày 14/10/2020 nhưng không mang lại hiệu quả, nên phải áp dụng biện pháp mạnh mẽ hơn. MCO sẽ được thực hiện trong 2 tuần (13 - 26/1) và dài nhất là trong 4 tuần.

Ông Noor Hisham cũng thẳng thắn thừa nhận trong 2 tuần đầu thực hiện MCO, Malaysia có thể sẽ không thể giảm được số ca nhiễm mới hằng ngày mà chỉ hi vọng tránh được khả năng số ca mắc mới trong ngày tiếp tục tăng cao. Sau 4 tuần thực hiện MCO, Malaysia hi vọng có thể giảm số ca nhiễm mới theo ngày xuống dưới 1.000 ca hoặc dưới 500 ca và tới tháng 5, nước này có thể một lần nữa làm phẳng đường cong trên biểu đồ chống dịch Covid-19.

Trong ngày 13/1, Malaysia ghi nhận 2.985 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh, còn lại là lây nhiễm cộng động, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 144.518 ca. 

Đọc thêm