Hệ thống y tế quá tải, 4,5 triệu người ở vùng England chờ được nhập viện
Cơ quan Y tế (NHS) của vùng England (Vương quốc Anh) cho biết, trong tháng 11, có tới 4,46 triệu bệnh nhân phải chờ được điều trị - một con số cao chưa từng thấy. Trong số những người đang chờ được khám bệnh có tới 192.169 bệnh nhân đã phải chờ đợi hơn 52 tuần. Con số này chỉ là 1.400 người cách đây một năm.
Người phụ trách y tế của NHS Stephen Powis cho biết: "Những con số này là sự nhắc nhở mạnh mẽ rằng NHS đang đối mặt với thách thức đặc biệt khắc nghiệt. Chúng ta còn hàng triệu người đang chờ được chăm sóc điều trị vì những căn bệnh không liên quan đến Covid-19."
Ông cũng nhấn mạnh rằng "chắc chắn các cơ sở y tế sẽ tiếp tục chịu sức ép lớn hơn nếu chưa thể kiểm soát được virus SARS-CoV-2."
Số bệnh nhân tại Nhật Bản tử vong ở nhà cao hơn tại cơ sở y tế
Tại Nhật Bản, theo số liệu của Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA), số ca nhiễm mới đã bắt đầu vượt quá khả năng của các bệnh viện, cũng như các khách sạn được chỉ định là nơi cách ly cho những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Số bệnh nhân tử vong tự nhà đã bắt đầu cao hơn số tử vong tại các cơ sở y tế khi tình trạng sức khỏe của họ đột ngột xấu đi.
Từ ngày 14/1, tất cả người nước ngoài không thể nhập cảnh Nhật Bản, kể cả vì lý do công việc, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp.
Cũng nhằm đối phó dịch bệnh, Chính phủ Nhật Bản đã mở rộng tình trạng khẩn cấp tới thêm 7 vùng, trong đó có Osaka và Kyoto. Quyết định có hiệu lực từ ngày 14/1 đến ngày 7/2.
Như vậy 11 trong số 47 vùng của Nhật Bản hiện trong tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Covid-19. Theo quy định này, tất cả nhà hàng, quán bar phải đóng cửa trước 20 giờ, đồng thời người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài.
Indonesia bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 quy mô lớn
Ngày 14/1, Indonesia bắt đầu tiến hành chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 quy mô lớn, trong đó các nhân viên y tế là nhóm ưu tiên chính. Chương trình này được triển khai một ngày sau khi Tổng thống Joko Widodo được tiêm mũi đầu tiên loại vaccine do công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển.
Tại bệnh viện công Cipto Mangunkusumo ở trung tâm Jakarta sáng 14/1, có ít nhất 25 nhân viên y tế tại bệnh viện này đã được tiêm vaccine Sinovac. Dự kiến, khoảng 6.000 nhân viên y tế và các bệnh nhân không nhiễm Covid-19 tại bệnh viện này sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 lần lượt theo nhóm.
Thứ trưởng Y tế Dante Saksono, người cũng được tiêm vaccine ngày 14/1, cho biết khoảng 1,4 triệu nhân viên y tế trên cả nước sẽ dần được tiêm chủng, sau đó đến giới công chức. Theo ông Saksono, vaccine sẽ tạo miễn dịch sau 2-6 tuần kể từ khi tiêm mũi thứ 2. Hiện tại Indonesia đặt mục tiêu tiêm củng cho khoảng 180 triệu người, tương đương 2/3 dân số, trong vòng 15 tháng.
Giáo hoàng tiêm vaccine Covid-19
Cả Giáo hoàng Francis và cựu Giáo hoàng Benedict XVI đều được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNtech theo chương trình tiêm chủng của Vatican.
"Liều đầu tiên của vaccine Covid-19 đã được tiêm cho Giáo hoàng Francis và Giáo hoàng Biển Đức (cựu giáo hoàng)", phát ngôn viên Tòa thánh Vatican Matteo Bruni hôm nay cho hay.
Có thông tin cho rằng Giáo hoàng 84 tuổi đã được tiêm vaccine từ hôm 13/1, nhưng giới chức từ chối xác nhận. Theo cổng thông tin Vatican News, cựu Giáo hoàng Benedict, 93 tuổi, được tiêm vaccine sáng nay. Cựu Giáo hoàng hiện sống trong tu viện đã được chuyển đổi trong khu vườn của Vatican.
Truyền thông cho biết Giáo hoàng đã được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNtech. Loại vaccine này đã được Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia cấp phép sử dụng.
Thủ đô Paris thay đổi lệnh giới nghiêm ban đêm
Theo Thủ tướng Jean Castex, Pháp sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm mới trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 16/11, để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 8 giờ tối đến 6 giờ, và kéo dài trong 15 ngày.
Thủ tướng Jean Castex cũng nói trong một cuộc họp báo hôm 14/1 rằng không cần thiết phải có một đợt đóng cửa toàn quốc vào lúc này, nhưng nếu đại dịch vượt khỏi tầm kiểm soát, Pháp sẽ đóng cửa một lần nữa.
Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 69.000 người ở Pháp, con số tử vong cao thứ bảy trên thế giới.
WHO cảnh báo tính nghiêm trọng của làn sóng dịch bệnh mới tại châu Phi
Ngày 14/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước châu Phi cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại châu lục này liên tục gia tăng trong thời gian gần đây.
Phát biểu trước báo giới hôm 14/1, Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết, các quốc gia trong châu lục hiện đang trải qua làn sóng bùng phát thứ hai, với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất.
Tính đến ngày 14/1, toàn Lục địa Đen ghi nhận 3.1 triệu ca nhiễm COVID-19, bao gồm 74,500 trường hợp tử vong.
Đề cập tới biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tìm thấy tại Nam Phi hồi tháng 12/2021, bà Moeti cho biết các phân tích xác định đây là biến thể 501Y.V2 có khả năng lây lan nhanh. Do đó, đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến không chỉ tại Nam Phi mà còn cả khu miền Nam châu Phi. Hiện biến thể này đã được tìm thấy ở Botswana, Zambia và Gambia.
Hiện WHO đang tiếp tục mở rộng việc tìm hiểu sự lây lan của chủng 501Y.V2 tại các nước khác trong khu vực.