Tại châu Âu, sau khi Anh phát hiện một biến thể mới VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng gốc, đến nay ngoài những trường hợp phát hiện ở Anh, Đan Mạch ghi nhận 9 ca, Italy 1 ca, Hà Lan 1 ca và Australia 2 ca mắc biến thể mới VUI-2020/12/01.
Trong bối cảnh biến thể thể mới VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2 diễn biến ngày càng phức tạp, hàng loạt các nước châu Âu, châu Á đồng loạt tuyên bố đóng cửa biên giới và cấm bay đến và từ nước Vương quốc Anh.
Ngày 21/12, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã thông qua vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển, mở đường cho Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm chủng mở rộng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn khối trong vài ngày tới.
Trước đó, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ấn định thời điểm bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 trên toàn châu Âu ngay sau lễ Giáng sinh, trong khoảng từ ngày 27-29/12.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc EMA Emer Cooke nói: "Tôi vui mừng thông báo rằng ủy ban khoa học của EMA đã họp trong ngày hôm nay và đề nghị cấp phép có điều kiện tại EU đối với vaccine Pfizer/BioNTech. Quan điểm khoa học này sẽ mở đường cho giấy phép đầu tiên tại EU (đối với vaccine phòng Covid-19)".
Trong khi đó, tại châu Á, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh liên quan tới biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện các nước chưa có kế hoạch gấp rút hủy các chuyến bay đến và đi từ "đảo quốc sương mù".
Trong thông báo ngày 21/12, Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét các biện pháp phòng ngừa đối với các chuyến bay đến từ Anh và sẽ tiến hành xét nghiệm hai lần đối với hành khách nhập cảnh từ Anh trước khi họ hoàn thành cách ly. Hiện Hàn Quốc áp dụng quy định bắt buộc cách ly 14 ngày đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ nước ngoài.
Ở Nhật Bản - vốn đã cấm hành khách đến từ Anh nhập cảnh, khẳng định sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với các quốc gia khác cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để theo dõi cách thức lây lan của virus biến thể này.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 671.778 ca nhiễm, tăng 6.848, trong đó 20.085 người chết, tăng 205. Tổng thống Joko Widodo thông báo ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Indonesia và toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với khoảng 270 triệu người, nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên gồm 1,2 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc hôm 6/12. Nước này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số là lao động từ 18 đến 59 tuổi, những người được coi là phải di chuyển nhiều nhất vì nghề nghiệp của họ.
Trung Quốc khuyến cáo công dân ở Mỹ
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ khuyến cáo công dân ở nước này chỉ đi lại khi cần thiết, trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt với làn sóng Covid-19 lây lan mạnh trong mùa Giánh sinh.
Trên trang web chính thức, đại sứ quán Trung Quốc thúc giục mọi người "làm điều thích hợp cho bản thân, cho những người khác, cho đất nước chúng ta và toàn thế giới".
Đại sứ quán cũng thông báo, từ 12/12, phái bộ này sẽ thắt chặt các quy định liên quan việc xét nghiệm Covid-19 trước khi bay cho những người muốn từ Mỹ đến Trung Quốc.
Thái Lan có hàng trăm ca mới
Thái Lan xác nhận thêm 382 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 360 ca là lao động nhập cư người Myanmar liên quan ổ dịch tại khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon gần Bangkok.
Như vậy, số bệnh nhân Covid-19 liên quan chợ hải sản này đã là 821 ca, hầu hết không có triệu chứng.
Theo Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiatiphum Wongrajit, danh sách người dương tính với virus corona chủng mới dự kiến sẽ tăng trong những ngày tới khi có kết quả xét nghiệm đối với các lao động tại chợ hải sản trên. Hiện nhà chức trách đang tiến hành xét nghiệm cho 10.000 lao động người Myanmar, và số lượng xét nghiệm sẽ tăng lên 40.000 nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch ở Samut Sakhon.
Tỉnh Samut Sakhon đang thực thi lệnh phong tỏa, giới nghiêm từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại được áp dụng từ ngày 19/12 đến 3/1 tới. Các trường học, sân vận động phải tạm đóng cửa, còn các cửa hàng tiện lợi tạm nghỉ trong thời gian giới nghiêm.
Ước tính, tỉnh Samut Sakhon sẽ chịu thiệt hại kinh tế khoảng 1 tỷ baht (khoảng 33,3 triệu USD) mỗi ngày vì lệnh phong tỏa.