Tổng thống Mỹ tin sẽ phân phối khoảng 100 triệu liều vắc-xin vào cuối năm nay
Tổng thống Mỹ Dolald Trump bày tỏ tin tưởng sẽ có vắc-xin phòng Covid-19 phục vụ người dân trong tháng 10 tới.
Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng thống Trump nói: "Ngay sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận vaccine... chúng ta sẽ có thể phân phối 100 triệu liều vào cuối năm 2020 và một số lượng lớn sớm hơn thế rất nhiều".
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cùng Bộ Quốc phòng (DoD) của Mỹ đã công bố 2 tài liệu vạch chiến lược chi tiết về kế hoạch của Chính phủ Mỹ phân phối vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân nước này.
Tài liệu do hai bộ HHS và DoD phối hợp cùng CDC, đã đưa ra một chiến lược tổng quan cùng hướng dẫn các chương trình y tế cộng đồng, từ địa phương đến các bang và các đối tác về cách lập kế hoạch và vận hành một loại vắc-xin phòng Covid-19.
Trung Quốc mở rộng đối tượng thử vắc-xin
Một hồ sơ được công bố ngày 16/9 cho biết, có tổng cộng 552 người khỏe mạnh tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), từ 3-17 tuổi, sẽ tham gia dùng hai liều vắc-xin CoronaVac của tập đoàn Sinovac Biotech hoặc giả dược, trong cuộc thử nghiệm kết hợp giai đoạn một và hai dự kiến bắt đầu vào ngày 28/9.
Theo Reuters, Trung Quốc đã tiến hành tiêm cho ít nhất hàng nghìn công dân trong quá trình thử nghiệm vắc-xin, thu hút sự quan tâm của quốc tế đối với việc phát triển vắc-xin ở nước này, bất chấp những lo ngại của nhiều chuyên gia y tế về độ an toàn của các loại thuốc chưa hoàn thành tiêu chuẩn thử nghiệm.
Dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, dịch Covid-19 thường gây bệnh nhẹ hơn ở trẻ em so với người lớn, nhưng cũng có một số trẻ em cần chăm sóc đặc biệt.
Hồi đầu tháng, tập đoàn Sinovac thông báo vắc-xin CoronaVac dường như an toàn và có thể tạo ra kháng thể cho đối tượng người lớn tuổi, trong khi mức độ kháng thể do vắc-xin tạo ra thấp hơn một chút ở những trường hợp người trẻ tuổi, trích dẫn kết quả sơ bộ từ một thử nghiệm giai đoạn đầu đến giai đoạn giữa.
WHO cảnh báo không giảm thời gian cách ly
Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge, ngày 17-9 cảnh báo các nước không nên rút ngắn thời gian cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm ngay cả khi phải chịu áp lực từ dư luận.
Ông Kluge nhấn mạnh các nước chỉ nên giảm thời gian cách ly tiêu chuẩn hai tuần nếu nó được chứng minh về mặt khoa học. Ông đề nghị triệu tập các cuộc thảo luận khoa học về vấn đề này, nếu cần.
|
Ông Hans Kluge. |
"Chỉ cần giảm một chút thời gian cách ly cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự lây lan của virus, vốn đang trở lại tỉ lệ lây nhiễm đáng báo động ở châu Âu trong tháng này", giám đốc WHO châu Âu cảnh báo.
Cộng hòa Séc đã bắt đầu áp lệnh đeo khẩu trang bắt buộc với tất cả học sinh và đóng cửa các quán bar, câu lạc bộ giải trí sau nửa đêm trong nỗ lực ứng phó Covid-19. Các hoạt động tập trung trên 10 người cũng bị cấm.
Tại Bỉ, số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày là trên 800 ca khiến nhiều chuyên gia lo lắng. Pháp, nước láng giềng của Bỉ, hồi tuần trước đã giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày và miễn phí xét nghiệm Covid-19.