Dịch sốt xuất huyết tăng báo động, nhiều bệnh viện tại Hà Nội quá tải

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong tuần vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội liên tục gia tăng mạnh. Số lượng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến khiến nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đã bị quá tải.
Người dân Hà Nội tiến hành diệt loăng quăng, bọ gậy ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng.
Người dân Hà Nội tiến hành diệt loăng quăng, bọ gậy ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 14/11, trong tuần vừa qua (từ ngày 4 đến 11/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó. Bệnh nhân tập trung nhiều ở Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca)…

Đồng thời, trong tuần cũng ghi nhận thêm 83 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 12 quận, huyện. Trong đó, nơi có nhiều ổ dịch nhất là quận Hoàng Mai (24 ổ dịch), tiếp đến là Đống Đa (12 ổ dịch), Hà Đông (9 ổ dịch), Thanh Oai (8 ổ dịch), Thanh Trì (7 ổ dịch), Bắc Từ Liêm (6 ổ dịch), Hai Bà Trưng (5 ổ dịch), Thanh Xuân (4 ổ dịch)…

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Số ổ dịch cộng dồn từ đầu năm đến nay là 994 ổ dịch.

Với số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng đột biến nên thời gian gần đây, nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Đáng lưu ý, rất nhiều ca nhập viện muộn, có biến chứng nguy hiểm chủ yếu do chủ quan, lơ là với dịch.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang có từ 40 - 50 trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú (tăng gấp 2 lần so với tuần trước), trong đó có nhiều ca bệnh nặng.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện có khoảng 90 - 100 ca mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú, trong đó có từ 10 - 20 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày. Đặc biệt, có ngày, hơn một nửa bệnh nhân điều trị ở Khoa Cấp cứu là ca mắc sốt xuất huyết.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, số lượng bệnh nhân nặng mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Với những bệnh nhân được đưa đến viện sớm thì tiến triển ổn, bình phục nhanh. Còn đối với những bệnh nhân đến bệnh viện muộn thì việc điều trị rất khó khăn.

Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số ca mắc sốt xuất huyết chiếm khoảng 60% số bệnh nhân đến khám mỗi ngày khiến tất cả khoa điều trị, giường bệnh luôn kín chỗ. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận gần 1.500 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó khoảng 30 - 40% trường hợp nặng như suy thận, tiểu cầu giảm rất sâu, men gan tăng rất cao…

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, TS Nguyễn Đăng Mạnh - Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/loăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng... Các địa phương phát động người dân thực hiện tổng vệ sinh môi trường, không cho muỗi sinh sản và phát triển.

Mặt khác, các chuyên gia y tế lưu ý, người bệnh cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu như: Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay, chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì và trên 6 giờ không tiểu tiện.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành chỉ thị yêu cầu UBND các quận/huyện/thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống sốt xuất huyết dengue trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng chống sốt xuất huyết dengue.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã có Công văn số 4953/SYT-NVY gửi các cơ sở khám chữa bệnh; CDC Hà Nội; trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Cụ thể, các đơn vị theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Các bệnh viện sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong…

Đọc thêm