Sáng nay (28/2), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp khẩn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng 5 tỉnh có dịch tả lợn châu Phi.
Tại 5 tỉnh là Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình và Hà Nam, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên cả lợn rừng. Hiện đã có hơn 2.300 con lợn phải tiêu hủy với trọng lượng hơn 172.500 kg.
Trên thế giới hiện đã có hơn 20 nước có dich, nhưng theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) gần như các nước xung quanh Việt Nam có dich nhưng chưa chính thức công bố, trừ Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng rất nguy hiểm vì lây lan rất nhanh, đồng thời không có vắc xin phòng bệnh. Nếu không quyết liệt ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi. Quan trọng nhất hiện nay là áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp, với phương châm "phòng là chính".
Hiện chính sách hỗ trợ tiêu hủy đang ở mức 27.000 - 38.000 đồng/kg, nhưng thủ tuc hành chính lại rất phức tạp khiến người chăn nuôi chậm nhận được tiền. Tỉnh Hưng Yên kiến nghị cần nâng mức hỗ trợ theo giá thị trường mới có thể ngăn chặn tình trạng người dân bán chạy lợn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bên liên quan cần làm rõ chính sách hỗ trợ để việc chống dịch được thông suốt. Những tỉnh có dịch và các tỉnh giáp ranh chưa có dịch cần lên phương án phòng chống theo các cấp độ khác nhau. Bên cạnh đó, ông cũng cho hay, diễn biến dịch hiện nay phức tạp, có xu hướng lan rộng tại nhiều địa phương, bởi vậy cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ dịch bệnh và cùng vào cuộc.
Đồng thời, tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả mà Bộ NN&PTNT đã đề ra. Chủ động có biện pháp hỗ trợ phòng chống dịch; hỗ trợ người chăn nuôi trong phạm vi của địa phương. Thông tin tuyên truyền tích cực, không để gây ảnh hưởng tới việc tiêu thụ, chăn nuôi. Đảm bảo cho thị trường hoạt động bình thường.
Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, dự kiến vào đầu tuần tới, Chính phủ sẽ có hội nghị trực tuyến để rút kinh nghiệm từ đợt chống dịch vừa qua và thống nhất giải pháp ngăn chặn trong thời gian tới.