Dịch tả lợn châu Phi: Hỗ trợ nông dân cần sát giá thị trường

(PLVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái, lợn đực giống buộc phải tiêu hủy trong điều kiện dịch đã lây lan đến 7 tỉnh. 
Tăng cường giám sát nguồn heo đưa vào nơi giết mổ để phòng dịch tả lợn châu Phi
Tăng cường giám sát nguồn heo đưa vào nơi giết mổ để phòng dịch tả lợn châu Phi

Hôm qua (4/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Dịch hiện có nguy cơ lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường.

Ba nguyên nhân khiến dịch lây lan 

Bộ NN&PTNT cho hay, từ ngày 1/2 - 3/3/2019, bệnh xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của bảy tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Cục Thú y đã giải trình tự gen của virus DTLCP gây bệnh trên lợn tại Việt Nam giống 100% chủng virus gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc. Bộ này đánh giá, nguy cơ bệnh DTLCP lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường là rất lớn. Một lý do khác được đưa ra, đó là giá lợn hơi các tháng cuối năm 2018 cao nên một số đối tượng đã không khai báo khi có dịch bệnh, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.

Nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch đã chỉ ra rằng ba nguyên nhân chính làm bệnh DTLCP lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa; và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Bộ NN&PTNN đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường  đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy; bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi. Được biết, năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% sản phẩm thịt các loại, tăng 2,2% so với năm 2017. Hiện cả nước có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn là 13,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 49% tổng đàn. Số trang trại chăn nuôi lợn là 10.167 trang trại (năm 2017) với tổng số là 14,4 triệu con lợn, chiếm tỷ lệ 51% tổng đàn.

Đền bù phải sát giá thị trường  

Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt hàng loạt câu hỏi cho cơ quan chức năng và các địa phương: Tại sao dịch bùng phát từ một tỉnh, hai tỉnh đến bảy tỉnh? Do vận chuyển, tiêu thụ, hay phát tán trong không khí hay do có người chăn nuôi che giấu dịch? Biện pháp xử lý, hỗ trợ cho dân đã hợp lý chưa?...

Trên thực tế, đặc điểm nuôi lợn ở Việt Nam khác các nước, Việt Nam có đến 10 triệu hộ chăn nuôi, 10.000 trang trại sản lượng rất lớn, chiếm 70% sản lượng thịt cung cấp trong nước và xuất khẩu. “Tôi đã nói tại một hội nghị là phải đền bù cho nông dân với giá cao hơn, ít nhất phải sát với thị trường. Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT xử lý vấn đề này. Tôi đồng ý với đề xuất của Hải Phòng (về bổ sung lợn nái vào nhóm đối tượng được hỗ trợ tiêu hủy, và nâng mức hỗ trợ đối với loại vật nuôi này - NV). Trung Quốc kiểm soát đến hơn 90% dịch bệnh rồi, nước ta thì sao? Tôi đặt câu hỏi này với các bộ, ngành, địa phương. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu thực hiện ngay Chỉ thị 04. Tôi đề nghị giao kinh phí cho địa phương thực hiện việc chống dịch. Các đồng chí lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm vấn đề này”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu cần công khai minh bạch tài chính. Việc giám sát, thực hiện, không gây thất thoát, không chi nhầm đối tượng. Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính kịp thời giúp đỡ các địa phương trong khâu thanh toán; Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động công tác thông tin tới người dân, giúp dân nhận thức, nắm rõ tình hình. 

“Hiện mới có 7/63 tỉnh có dịch, tình hình chưa phải nghiêm trọng. Song với trách nhiệm với quốc dân đồng bào, chúng ta công bố dịch. Bộ TT&TT lưu ý tuyên truyền để người dân hiểu đây không phải là chuyện ảnh hưởng lớn, mới chỉ có vài nghìn con lợn bị tiêu huỷ. Bộ NN&PTNT cung cấp đủ hoá chất. Cục Thú y phải có giải pháp sát thực cho từng địa phương.”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp “chung tay” chống dịch

Hiện nay, các đơn vị chăn nuôi của Công ty CP Chăn nuôi  C.P Việt Nam chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuy nhiên có nguy cơ. Để hạn chế nguy cơ dịch bệnh, C.P Việt Nam  đã thực hiện nhiều biện pháp an toàn, trong đó biện pháp chủ yếu là thực hiện an toàn sinh học. 

Công ty tuyệt đối không cho những vật có nguy cơ mang mầm bệnh tiếp xúc vào trang trại. Ngay từ khi xây dựng chuồng trại, đã chọn vị trí chuồng trại ở vị trí xa dân cư, cách biệt so với bên ngoài. Khi chăm sóc, nuôi dưỡng, thực hiện nghiêm các quy định về hạn chế tiếp xúc với trang trại; không cho người ngoài vào thăm trang trại; công nhân, kỹ sư trang trại không ra bên ngoài; phương tiện vận chuyển thức ăn được sát trùng kỹ;… Với C.P, để ngăn chặn dịch lây lan đến các trang trại của mình, công ty ngoài việc tự bảo vệ các trang trại của mình thông qua các thực hiện an toàn sinh học, còn thường xuyên tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi hộ. 

Đại diện C.P Việt Nam cho biết, các hộ liên kết với C.P thì doanh nghiệp tài  trợ cả giống, cám; người dân chỉ bỏ công ra nuôi. Do đó, nếu có dịch xảy ra, thiệt hại sẽ do công ty chịu hết; tất nhiên người nông dân sẽ không được C.P trả công vì không có sản phẩm.

Doanh nghiệp hỗ trợ nhiều tỷ đồng mua hóa chất 

Để bảo vệ đàn lợn tại các địa phương, nhất là các địa phương đang có bệnh DTLCP, những ngày qua, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi trong nước đã và đang tích cực hỗ trợ hóa chất sát trùng cho các địa phương phòng, chống bệnh DTLCP.

Cụ thể, Công ty Navetco đã hỗ trợ hóa chất trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng, Công ty GreenFeed Việt Nam hỗ trợ hóa chất khoảng 2,2 tỷ đồng, Công ty Vetvaco hỗ trợ hóa chất khoảng 0,5 tỷ đồng, Công ty AMAVET, Công ty HANVET, Công ty Tập đoàn Thực phẩm Nam Hà Nội, Công ty TNHH SX thương mại Trại Việt...

Co.opmart vẫn bán ra gần 100 tấn thịt lợn/ngày

Ông Nguyễn Tấn Thanh, đại diện Co.opmart cho hay, hàng ngày hệ thống siêu thị này vẫn nhập thịt lợn từ đầu mối Vissan nên chất lượng vẫn đảm bảo cũng như chưa bị tác động bởi dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời người dân cũng nắm bắt được thông tin về việc dịch tả lợn châu Phi không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng nên không có tâm lý “tẩy chay” loại thực phẩm này ở người tiêu dùng. Điều này thể hiện qua số lượng thịt lợn hơi bán ra thị trường của hệ thống siêu thị này cũng vẫn giữ ổn định như các tháng trước chưa có dịp, ở mức khoảng 60 tấn vào ngày trong tuần, cuối tuần tăng lên khoảng 70-80 tấn. 

Giá cả thu mua cũng như giá bán đến người tiêu dùng không có sự thay đổi do Co.op mart luôn làm việc với các đầu mối cung cấp thực phẩm với tinh thần “giữ bình ổn giá” trong mọi trường hợp để vừa đảm bảo quyền lợi của người nông dân cũng như người tiêu dùng. Với trách nhiệm và cam kết đưa các sản phẩm nông sản sạch, an toàn đến người tiêu dùng, Co.op mart  chắc chắn đảm bảo chất lượng đầu vào của các loại nông sản thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng.

Nhóm PV Kinh tế

Đọc thêm