Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp

(PLVN) - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục diễn biễn phức tạp, phát sinh thêm các ổ dịch tại nhiều địa phương. Tính đến chiều 9/7, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố, số lợn phải tiêu hủy là hơn 2,9 triệu con.
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu độc, khử trùng và tiêu hủy đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu độc, khử trùng và tiêu hủy đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

Cụ thể, sáng 9/7, UBND huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) công bố thêm một ổ dịch tả lợn châu Phi mới tại một hộ ở ấp 8, xã Tân Lợi Thạnh, với tổng đàn 209 con. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy lợn theo quy định.

Một huyện khác của tỉnh Bến Tre là Mỏ Cày Bắc cũng công bố dịch tả lợn châu Phi ở ấp Thủ Sở, xã Thạnh Ngãi, với tổng đàn 87 con. Mỏ Cày Bắc là một trong 3 huyện có đàn lợn lớn nhất tỉnh Bến Tre, với tổng đàn khoảng 166.000 con, riêng xã Thạnh Ngãi hơn 15.000 con. Như vậy, tính đến ngày 9/7, tỉnh Bến Tre đã xuất hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi, có 350 con lợn bị tiêu hủy.

Cùng ngày, ông Võ Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) thông tin, ngành chức năng của huyện vừa tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 20 con của một hộ gia đình ở thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây sau khi có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Đây là ổ dịch bùng phát đầu tiên tại huyện miền núi này.

Để chủ động ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố có dịch tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do bệnh dịch gây ra; chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác thực hiện phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.

Trong khi đó, ở tỉnh Tây Ninh cũng phát hiện thêm 2 hộ chăn nuôi tại 2 xã biên giới Phước Vinh và Hòa Thạnh có lợn bị chết, nghi mắc dịch tả lợn châu Phi. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi của tỉnh đã họp khẩn cấp, chỉ đạo Sở NN&PTNT thường xuyên trao đổi thông tin giữa các trạm chăn nuôi và thú y, chốt kiểm dịch động vật. UBND các huyện, thành phố nắm diễn biến dịch bệnh để xử lý kịp thời; thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, ngăn dịch lây lan rộng…

Đọc thêm