Dịch vụ logistics góp 12 tỷ USD mỗi năm, vẫn bị chê

Dịch vụ logistics đóng góp từ 15-20% GDP Việt Nam, tương ứng khoảng 12 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của WB, logistics tại Việt Nam đang liên tục tụt bậc so với các quốc gia khác.

Dịch vụ logistics đóng góp từ 15-20% GDP Việt Nam, tương ứng khoảng 12 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của WB, logistics tại Việt Nam đang liên tục tụt bậc so với các quốc gia khác.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam bao gồm 26 sân bay (với 8 sân bay có đường băng dài 3.000m có khả năng đón nhận các máy bay lớn), 3.200 km đường sắt quốc gia, khoảng 17.300 km quốc lộ, 49 bến cảng với 217 cầu cảng.

Ở Việt Nam, dịch vụ logistics đóng góp từ 15-20% GDP, tương ứng khoảng 12 tỷ USD mỗi năm, trong đó, vận tải - khâu quan trọng nhất trong logistics, chiếm 40 - 60% chi phí. Theo Hiệp hội kho vận Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng 800 - 900 doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ logistics, trong đó khu vực TP.HCM chiếm đến 600-700 DN.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hội nhập lĩnh vực logistics ở tầm khu vực, Việt Nam đã bộc lộ hàng loạt yếu kém về cơ sở hạ tầng, cảng biển, kho tàng bến bãi, năng lực doanh nghiệp và đặc biệt là nhân lực.

“Mỏi mắt” không tìm được nhà cung cấp dịch vụ logistics nào có khả năng cung cấp dịch vụ vận chuyển xuyên suốt trên toàn lãnh thổ Việt Nam kết nối với thị trường quốc tế với chi phí cạnh tranh, mà phải qua các nhà cung cấp dịch vụ của từng chặng. Hoạt động logistics của các công ty Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 25% thị phần, nhu cầu trong nước. Tổng hợp những nguyên nhân trên khiến không ít DN Việt Nam chỉ có thể làm đại lý phân phối cho các hãng nước ngoài.

Tại Hội nghị  thượng đỉnh Cung ứng Hà Nội 2012 tổ chức mới đây, ông Phạm Minh Đức, cán bộ Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, theo đánh giá hoạt động logistics Việt Nam trên 3 lĩnh vực về cơ sở hạ tầng, quản lý biên giới (các thủ tục của luồng hàng hóa xuất nhập khẩu) và cách tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa ở Việt Nam thì hai lĩnh vực mà nước ta phải nỗ lực nhiều đó là hạ tầng cơ sở và hải quan.

Cụ thể, theo đánh giá của WB trong 3 năm so sánh 2007-2010-2012, các hoạt động liên quan đến logistics ở Việt Nam đã tụt 31 bậc so với các quốc gia khác (trong số 155 nước được khảo sát). Còn đánh giá về chỉ số thương mại của Diễn đàn Kinh tế quốc tế cho thấy chất lượng hoạt động của hải quan Việt Nam được xếp 117/118 nước, còn hạ tầng cơ sở xếp 108/118 nước...

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Đức cho rằng Việt Nam nên lập kế hoạch hướng đến nâng cao cạnh tranh thương mại và cạnh tranh quốc gia, phải đầu tư có chọn lọc và trọng điểm, nhằm nâng cao cạnh tranh thương mại, hỗ trợ xuất khẩu.

Đồng thời, nhanh chóng cải thiện hạ tầng cơ sở- giao thông (phần cứng), thủ tục hải quan, phối hợp với các cơ quan liên quan về quản lý biên giới và quản lý hàng xuất nhập khẩu (phần mềm) và cuối cùng là tổ chức các chuỗi cung ứng cũng như hoạt động của logistics.

Từ góc độ người trong cuộc, ông Đặng Tiến Thành, Giám đốc Công ty TNHH Tiếp vận Vinafco một mặt tự hào cho rằng logistics được ví là trái tim của nền kinh tế, một mặt kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn Nhà nước đào tạo thêm đội ngũ nguồn nhân lực dồi dào và chuyên nghiệp về dịch vụ logistics, mới có thể vận hành được công nghệ cao cũng như giúp khách hàng giải quyết nhanh thủ tục giấy tờ từ giao nhận hàng...”.

Mai Hoa

Đọc thêm