Câu chuyện bắt đầu từ đầu năm nay, khi người đứng đầu cơ quan công an thành phố bất ngờ nhận được tin nhắn của một doanh nghiệp phản ánh bị cán bộ TTGT Cần Thơ cấu kết với các đối tượng bên ngoài xã hội “làm luật” bắt đóng tiền hàng tháng nếu muốn yên ổn làm ăn.
Vụ việc không nhỏ tí nào. Theo đó, công an đã làm việc với trên 250 người có liên quan, đại diện cho 120 tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đã đưa hối lộ từ Đồng Nai, TP HCM và một số tỉnh miền Tây. Công an cũng phát hiện có 24 tài khoản khác nhau đã thực hiện hàng nghìn giao dịch liên quan đến việc nhận hối lộ với số tiền trên 3,6 tỷ đồng.
Đây là một “nhóm lợi ích”, tất nhiên loại “ăn chặn” này dễ phát hiện, dễ làm, bởi các đối tượng nằm trong nhóm thuộc loại “tép riu”.
Xem ra “nhóm lợi ích”, từ giản đơn như “bao thầu” bến bãi của một số bác xe ôm ngoài xã hội rất dễ nhận diện, đã manh nha xâm nhập trong tổ chức. Tuy nhiên cũng có ý kiến, vì có “nhóm” trong tổ chức nên bên ngoài xã hội mới phát “nhóm lợi ích”. Câu chuyện nguyên nhân/hệ quả giống như “con gà, quả trứng”.
Thời kinh tế thị trường, phát triển thêm “nhóm thân hữu”, thực chất là manh nha, khởi đầu của hoạt động theo phương thức “xã hội đen”, tội phạm có tổ chức; nên một số doanh nhân, cán bộ câu kết với nhau trong “mâm cỗ” thị phần.
Đã qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, đã có thể hiểu thêm một thực tế rằng: Tham nhũng có tính “lợi ích nhóm” đã xuất hiện trong một số lĩnh vực. Bây giờ “lợi ích nhóm” không chỉ trong kinh tế mà đã phát triển sang lĩnh vực hết sức nguy hiểm là tổ chức cán bộ. Như câu chuyện “ông vụ phó vài chục ngày” và những ông vụ phó “siêu tốc” khác, phải chăng cũng nằm trong đó?.