Điểm lại hoạt động của Bầu Kiên trước khi bị bắt

Tin bầu Kiên - Nguyễn Đức Kiên- bị bắt sáng nay, 21.8 đang là tâm điểm dư luận. Lý do cụ thể khiến Bầu Kiên rơi vào vòng lao lý đang là dấu hỏi bởi cơ quan chức năng chỉ tiết lộ vắn tắt: sai phạm về kinh tế. PLVN Online đã điểm lại một số nét về “đại gia tóc bạc” này, nó có thể hé lộ phần nào về con đường dẫn ông vào vòng dẫn giải của cảnh sát điều tra. 
[links()]Tin bầu Kiên - Nguyễn Đức Kiên- bị bắt sáng nay, 21.8 đang là tâm điểm dư luận. Lý do cụ thể khiến Bầu Kiên rơi vào vòng lao lý đang là dấu hỏi bởi cơ quan chức năng chỉ tiết lộ vắn tắt: sai phạm về kinh tế. PLVN Online đã điểm lại một số nét về “đại gia tóc bạc” này, nó có thể hé lộ phần nào về con đường dẫn ông vào vòng dẫn giải của cảnh sát điều tra.
 
Quá khứ bình dị
Bầu Kiên sinh năm 1964,trong một gia đình cực kỳ cơ bản, có nền tảng đạo đức và văn hóa. Bố mẹ ông là những giáo viên cực kỳ nổi tiếng ở trường Cao Bá Quát: thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Lung và cô Nga dạy văn. 
Có bố mẹ là giáo viên giỏi và nổi tiếng cả miền Bắc khi đó, nhưng ông Nguyễn Đức Kiên không theo nghề sư phạm, mà vào…quân đội. 
Thời trai trẻ bầu Kiên theo học tại Đại học kỹ thuật quân sự-Bộ Quốc phòng (từ 1980-1981) và sau đó học tại Trường kỹ thuật quân sự Zalkamatê, Hunggary (1981-1985).  
Nhưng dường như ma lực của đồng tiền đã khiến Nguyễn Đức Kiên không bền lòng theo sự nghiệp của người lính, vì thế, ông đã sớm lao vào thương trường, thử sức ở nhiều vai trò. 
Doanh nhân đa ngành
Bầu Kiên hiện đang sở hữu một biệt thự vào loại đắt và đẹp nhất Hà Nội hiện nay, biệt thự ấy tọa lạc cạnh Hồ Tây, thuộc mảnh đất “kim cương” ở Hà Nội. Chiếc siêu xe Bentley biển siêu đẹp, là bạn đồng hành cùng ông mỗi khi ông đi xem bóng đá.
Sự nghiệp người lính hay một nhà giáo chắc chắn sẽ không thể mang đến cho Nguyễn Đức Kiên khối tài sản khổng lồ ông đang sở hữu mà nhà lầu, xe hơi chỉ là một mảng nhỏ của phần nổi. 
 
Ít ai có thể ngờ được, “Kiên đầu bạc” cũng đã là cán bộ của Tổng công ty Dệt - May, cũng đã từng là Chủ tịch của Liên doanh dầu nhờn Caltex và Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam.
Trong lĩnh vực du lịch, bầu Kiên có “ghế” trong hội đồng quản trị của CTCP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn (cùng với ông Phạm Trung Cang) và CTCP Du lịch Thiên Minh. Công ty Thiên Minh đã từng được biết đến nhiều với thương vụ chi 45 triệu USD mua lại chuỗi khách sạn Victoria
Tuy nhiên, để lại dấu ấn nhiều nhất trong lịch sử thương trường của "đại gia đầu bạc" là khi ông dấn thân vào lĩnh vực ngân hàng. Năm 1994, ông Kiên cùng với các ông Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang… sáng lập ra ngân hàng TMCP Á châu – ACB. Hiện nay, ACB là ngân hàng dẫn đầu trong nhóm các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh.
Từ năm 1994-2008, ông Kiên giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT của ACB và có một thời gian giữ chức vụ Tổng giám đốc của ngân hàng này. Năm 2008, ông Kiên cùng một số sáng lập viên khác của ACB rút ra khỏi các vị trí trong HĐQT và hình thành nên “Hội đồng sáng lập” gồm 6 thành viên. Ông Trần Mộng Hùng là Chủ tịch và ông Kiên là Phó Chủ tịch.
Mặc dù không trực tiếp đứng trong HĐQT nhưng Hội đồng sáng lập vẫn có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của ACB. Ngoài ra, ông Kiên còn giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng Á châu. 
Giá trị tài sản tính theo số cổ phiếu ACB ông Kiên nắm giữ năm 2011 vào khoảng 759,6 tỉ đồng (đứng thứ 14 trong top 100 nhà đầu tư giàu nhất trên sàn chứng khoán), trong khi năm 2010 là gần 805,9 tỉ đồng.
Có tin cho biết bầu Kiên còn sở hữu cổ phầncủa Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). 
Trong lễ tổng kết của VFF, ông cho biết mình là “cổ đông chính của Eximbank”. Thậm chí, lại xuất hiện tin đồn trong giới đầu tư rằng bầu Kiên là nhân vật chính đã đứng ra dàn xếp việc một số cổ đông nước ngoài lẫn trong nước mua được hơn 45% cổ phần của Ngân hàng Sacombank.
Tâm điểm của sân cỏ Việt Nam năm 2011
Với bóng đá, Bầu Kiên là một trong những doanh nhân tiên phong đầu tư vào lĩnh vực này. 
Cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội với cả tá ngôi sao, “đánh” VFF tơi bời, lập ra VPF, đấu tay đôi với AVG về bản quyền truyền hình, bầu Kiên trở thành tâm điểm của bóng đá Việt Nam trong năm qua.
Là doanh nhân đầu tiên nhảy vào làm bóng đá, nhưng tên tuổi của bầu Kiên khá “chìm” so với bầu Thắng hay bầu Đức. Sở dĩ có điều trên là bởi ông trùm ngân hàng này có đặc tính không thích lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng và làm bóng đá một cách khá căn cơ chứ không vung tiền quảng bá thương hiệu rầm rộ.
Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi kể từ sau buổi hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của VFF. Trong buổi hội nghị ấy, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ quyết định “cấm cửa” giới truyền thông, thế nhưng bất ngờ bầu Kiên thông qua chánh văn phòng VFF Lê Hoài Anh đã gửi cho ông Hỷ một mẩu giấy với nội dung bằng mọi giá phải cho giới truyền thông vào tác nghiệp. 
 
Khi giới truyền thông được tham dự hội nghị, bầu Kiên bất ngờ “cướp diễn đàn”, nói sa sả về những điều tồi tệ của bộ máy VFF, của BTC V-League, của đội ngũ trọng tài. Vụ “tung bom” trên đã giúp ông chủ của CLB Hà Nội ACB nổi danh như cồn, trở thành tâm điểm của các trang báo thể thao.
Sau cú ra đòn bất ngờ trên, bầu Kiên tiếp tục tấn công dồn dập, đẩy VFF rơi vào cảnh thất thế. Bầu Kiên đòi phải thành lập một công ty cổ phần bóng đá để thay VFF điều hành các giải đấu trong nước. Nói là làm, bầu Kiên bắt tay cùng các đối tác hùng mạnh khác như bầu Thắng, bầu Đức, bầu Trường…, buộc VFF phải xuống nước, cho ra đời công ty VPF.
Sự ra đời của VFP thực sự đã mở ra một bước ngoặt mới cho bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, trong công ty này bầu Thắng là người giữ ghế CT HĐQT nhưng thực tế quyền lực của bầu Kiên mới là nhất. Kể từ ngày thành lập cho tới nay, đa phần các phát ngôn hay công văn của VPF đều xuất phát từ ông bầu tóc bạc này.
VPF được thành lập chưa lâu, bầu Kiên tiếp tục gây xôn xao dư luận khi lao vào cuộc chiến bản quyền truyền hình. PCT HĐQT VPF bất ngờ bỏ qua AVG – đơn vị đã ký hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm với VFF – để bắt tay hợp tác với VTV và VTC. "Ác liệt" hơn, ông còn làm công văn gửi lên các Bộ và thủ tướng, đề nghị xem xét lại tính hợp pháp của bản hợp đồng mà VFF và AVG đã ký.
Tuy nhiên, cho tới trước khi bị bắt, bầu Kiên vẫn còn lên báo chia sẻ nỗi niềm về một “thương vụ còn dang dở” của ông trên sân cỏ. 
***
Nhiều nhận định cho rằng "Ông Kiên ít khi thất bại một khi đã theo đuổi một mục tiêu nào đó. Hoặc những thất bại của ông thường bị vầng hào quang thành công của ông che khuất. Tuy nhiên, đây chính là điểm yếu của bầu Kiên"
Quá tự tin có thể dẫn đến thất bại. Đó là một chân lý. Nhưng chắc chắn, việc Bầu Kiên bị bắt hôm nay không chỉ vì “quá tự tin”, mà còn bởi một nguyên nhân kinh khủng hơn đang dần dần hé lộ. 
Nhật Thanh (tổng hợp)

Đọc thêm