“Điểm nóng” nhà trái phép trên đất ruộng tại TP Hồ Chí Minh

(PLVN) - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn cán bộ UBND TP vừa có cuộc kiểm tra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Bình Chánh. Ông Nhân cho biết, vấn nạn xây trái phép trên đất nông nghiệp đã tồn tại quá lâu ở huyện Bình Chánh, cần xử lý dứt điểm.
Đoàn lãnh đạo thành phố đi thị sát thực tế tình trạng xây dựng nhà không phép ở huyện Bình Chánh
Đoàn lãnh đạo thành phố đi thị sát thực tế tình trạng xây dựng nhà không phép ở huyện Bình Chánh

“Nếu không có sự tiếp tay thì sao tồn tại được như thế?” 

Đoàn công tác với sự có mặt của nhiều lãnh đạo cơ quan, sở, ngành đã thực địa tại xã Vĩnh Lộc A. Tại đường Võ Thị Dung thuộc tổ 7, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, con đường rộng chưa tới 3m, trải đá dăm gồ ghề nhưng là nơi có rất nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Trên khu đất còn chen lẫn cỏ, nhiều công trình được quây tôn kín. Một số căn đã xây gạch bên trong, trùm tôn xung quanh. Một số khác đã xây dựng kiên cố, người dân vào ở cả chục năm trước. Nhiều người dân cho biết mua đất bằng giấy viết tay, không có giấy tờ hợp pháp.

“Tình trạng này huyện biết cả nhưng vấn đề có quyết tâm xử lý hay không?. Chúng ta có thực sự huy động lực lượng để chấm dứt tình trạng này không? Nhận thức của huyện, xã có muốn chấm dứt không hay làm rồi để đó, sống chung với nó”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cho biết, cuộc làm việc này với Bình Chánh không nằm trong kế hoạch, chỉ được tiến hành sau khi một số bài báo đăng về tình trạng xây dựng sai phép nhức nhối ở Bình Chánh trong thời gian cả TP tập trung chống Covid-19.

“Đọc những bài báo khiến tôi rất đau lòng, cảm giác như hệ thống chính trị bị tê liệt. Trụ sở ấp cách có mấy chục mét mà để họ xây trái phép, còn dựng cả nhà mẫu, dán giấy giới thiệu nơi giao dịch nhà đất luôn. Đất đâu mà giao dịch? Sai phạm biểu hiện công khai như vậy mà hệ thống chính trị ở đâu?”, ông Nhân nói và cho rằng, nếu để tình trạng này kéo dài, “chính quyền mất cán bộ, người dân mất tiền”.

Ông Nhân cho biết, theo thống kê sơ bộ của UBND xã Vĩnh Lộc A, hiện có 38 người trên địa bàn chuyên môi giới cho người dân mua nhà xây không phép. “Báo chí đăng tổ trưởng ấp nói “hỗ trợ làm thủ tục”, như vậy sự tiếp tay của một số người trong bộ máy chính quyền như thế nào? Nếu không có sự tiếp tay thì sao tồn tại được như thế?”, ông Nhân đặt câu hỏi.

Bí thư Thành ủy TP yêu cầu xã Vĩnh Lộc A phải nói không với chia lô đất nông nghiệp, xây nhà không phép, chuyển nhượng nhà trái phép. Việc này chính quyền hoàn toàn có thể làm được bằng cách ngăn chặn ngay từ khi các đối tượng làm đường chia lô, dựng tôn; chứ không đợi đến khi xây nhà to mới xử lý.

Theo ông Nhân, cán bộ được người dân bầu lên, nếu thấy không làm được thì xin thôi. Dẫn chứng trong nhiệm kỳ này Vĩnh Lộc A đã thay hai Chủ tịch xã, cả hai đều bị kỷ luật, ông Nhân đề nghị tổ trưởng nhân dân, đảng viên nào đã tham gia vào việc môi giới mua bán, xây dựng sai phép thì hãy từ chức.

Ông Nhân cũng yêu cầu PGĐ Công an TP, Đại tá Đinh Thanh Nhàn, người có mặt trong đoàn kiểm tra phối hợp huyện Bình Chánh trước mắt xử lý các “đầu nậu” cùng những người hăm dọa lực lượng chức năng. “Làm sao có thể để cả hệ thống chính trị rối loạn như thế này được, đây là đất có chủ, có chính quyền quản lý mà”, ông Nhân yêu cầu.

Theo ông Nhân, huyện Bình Chánh cần xác định xây sai phép là một vấn đề đặc thù, phải có giải pháp xử lý sự việc ở Vĩnh Lộc A. Đồng thời, huyện cần phải cam kết từ ngày 1/6, Vĩnh Lộc A không có nhà không phép. Huyện cũng được yêu cầu có phương án đảm bảo lực lượng từ UBND xã, thanh tra viên xã đủ sức đương đầu với việc quản lý diện tích lớn, dân cư đông như Vĩnh Lộc A.

Một căn nhà xây không phép, bên ngoài được quây tôn ở xã Vĩnh Lộc A
Một căn nhà xây không phép, bên ngoài được quây tôn ở xã Vĩnh Lộc A 

“Các sai phạm này có tính tổ chức”

Ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho rằng, địa phương hiện có 15 ấp với dân số khoảng 120.000 người. Xã hiện có 3 công chức địa chính, tính ra mỗi người quản lý 400ha và 40.000 dân. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư tăng nhưng diện tích đất ở còn thiếu. Hiện xã có 1.200ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp chiếm đến 2/3.

Cũng theo ông Duy, hiện xã chưa có xe chuyên dụng để cưỡng chế “nóng”, khi phát hiện công trình trái phép muốn phá dỡ phải phụ thuộc vào bên cho thuê xe. Ngoài ra, những “đầu nậu” đầu cơ đất nông nghiệp, phân chia đất và xây dựng sai phép bán cho người dân chưa bị xử lý hình sự.

Từ khó khăn trên, ông Duy cho rằng, cần phải xây dựng thêm các khu dân cư mới đáp ứng nhu cầu của người dân. Mặt khác, cần có chủ trương áp dụng cơ chế đặc thù theo hướng để lực lượng công chức cũng có thẩm quyền như công an xã.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói rằng về nguyên tắc đất nông nghiệp không được phép xây dựng, không được xâm phạm. Tình trạng xây dựng sai phép ở Vĩnh Lộc A diễn ra đã lâu, khi chính quyền làm mạnh thì chững lại và chờ cơ hội để bùng phát.

“Các sai phạm này có tính tổ chức, thể hiện ở chỗ có sự tham gia của môi giới, “đầu nậu”, có đối sách ứng phó với chính quyền và đe dọa cán bộ. Đây là vấn đề lớn, có sự tham gia của một số cán bộ ở ấp và không loại trừ có một bộ phận cán bộ khác”, ông Hoan nói và cho rằng việc các cán bộ làm ngơ, không xử lý cũng là gián tiếp giúp “đầu nậu”.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho rằng đã báo cáo Sở Xây dựng việc đang rà soát các công trình vi phạm qua các thời kỳ mà chưa được lập hồ sơ xử lý, theo phân loại do Sở đề xuất. Cái khó hiện nay là các công trình làm trước đây còn rất lớn, tới hơn 4.000 công trình. 

“Gần như hồ sơ cũng không đầy đủ, hoặc có nhưng lúc đó lập không đúng quy trình thủ tục đầy đủ nên không xử lý được. Huyện đang rà soát các xã lớn như Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B...”, ông Lữ nói và cho biết để đẩy nhanh tiến độ rà soát, huyện cũng kiến nghị lập lại bản đồ địa chính của các xã này.

Bình Chánh là một trong những địa phương xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng và chuyển mục đích sử dụng đất nghiêm trọng. Có công trình xin phép xây nhà hai tầng, rộng 168m2 nhưng sau đó tự thay đổi kiến trúc chia thành 125 căn với tổng diện tích hơn 1.180m2. Một trường hợp khác xin giấy phép xây ba căn nhưng hai năm sau thành 19 căn. Thậm chí, một công ty thương mại hợp khối công trình nhà ở thành chung cư hơn 200 hộ dân với 645 nhân khẩu đang ở. 

Tháng 8/2020, một loạt cán bộ huyện Bình Chánh bị kỷ luật. Trong đó, bà Nguyễn Thanh Phương (Đội trưởng Đội Thanh tra địa bàn huyện) bị cảnh cáo, ba người bị khiển trách là Phạm Văn Hùng (Trưởng phòng TN&MT), Phan Thanh Nhã (Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A), Huỳnh Văn Thanh (Trưởng phòng Quản lý đô thị). Ba cán bộ khác bị phê bình rút kinh nghiệm, một người bị cách hết chức vụ trong Đảng.

Ngoài ra, 15 trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo và khiển trách gồm Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A và các cán bộ, chuyên viên... Công an huyện Bình Chánh đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đọc thêm