Điểm sáng miền biên cương

 Trong chuyến đi mới đây của Báo PLVN về miền biên giới Việt Nam- Campuchia, chúng tôi có dịp ghé thăm làng Tân Định, xã Biên Giới (Châu Thành, Tây Ninh). Chứng kiến đường vào làng rộng rãi, không lầy lội như trước; Những ngôi nhà mới, những nụ cười tươi rói của người dân cho thấy sự đổi thay đáng ghi nhận nơi mảnh đất biên cương này…

Trong chuyến đi mới đây của Báo PLVN về miền biên giới Việt Nam- Campuchia, chúng tôi có dịp ghé thăm làng Tân Định, xã Biên Giới (Châu Thành, Tây Ninh). Chứng kiến đường vào làng rộng rãi, không lầy lội như trước; Những ngôi nhà mới, những nụ cười tươi rói của người dân cho thấy sự đổi thay đáng ghi nhận nơi mảnh đất biên cương này…

l Với 19 ngôi nhà khang trang như thế này đã làm cho ấp Tân Định trở thành điểm sáng vùng biên cương của Tây Ninh
Với 19 ngôi nhà khang trang như thế này đã làm cho ấp Tân Định trở thành điểm sáng vùng biên cương của Tây Ninh

Quá khứ buồn

Xã Biên Giới được xem là địa bàn phức tạp nhất trên toàn tuyến biên giới Tây Ninh với nước bạn Campuchia. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Theo thống kê, toàn xã có chưa đầy 1.000 hộ, nhưng có hơn 200 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó riêng ấp Tân Định là nghèo nhất. Ông Nguyễn Văn Rạng - Trưởng ấp Tân Định tâm sự: Hồi trước, bà con ai cũng có vườn, ruộng để sản xuất, nhưng vì nhiều lý do nên hàng chục hộ gia đình đã bán hết đi làm thuê làm mướn.     

Thấu hiểu được nỗi lòng của người dân Biên Giới, thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương cũng như Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh đã chọn ấp Tân Định làm mô hình điểm về phát triển kinh tế- văn hóa và các mặt đời sống cho nhân dân.

Trước cái khó, cái nghèo cả về vật chất lẫn dân trí nên các chiến sỹ đồn biên phòng trên địa bàn phải từng bước kiên trì tuyên truyền vận động bà con bỏ những hủ tục lạc hậu và tiếp thu nếp sống văn minh hơn. Chỉ cho bà con cách làm ăn hiệu quả, cách phòng bệnh, học chữ, khám chữa bệnh cho bà con… Việc thay đổi nếp sống đã ăn sâu không phải một sớm một chiều mà làm được, do đó anh em biên phòng thực hiện theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”.

Nói bà con vẫn chưa tin, BĐBP lại tiên phong trồng cây, chăn nuôi lẫn cách sinh hoạt hàng ngày để bà con làm theo. Cái hay cái đẹp dần được bà con tiếp thu, cái lạc hậu dần được từ bỏ. Chính vì thế đời sống của bà con nơi đây đã có sự thay da đổi thịt từng ngày. Toàn ấp đã có 19 hộ nghèo được BĐBP xây tặng nhà đại đoàn kết, góp phần tạo nơi ăn chốn ở ổn định cho biết bao gia cảnh nghèo.

Cuộc sống đổi thay

Gia đình bà Lâm Thị Bé vì hoàn cảnh khó khăn nên phải bán hết ruộng vườn và từ đó ngày ngày hai mẹ con thui thủi đi làm thuê, làm mướn kiếm từng đồng từng cắc để nuôi bố mẹ già trong căn lều dột nát. Ước mơ có căn nhà kiên cố với gia đình bà Bé đã trở thành hiện thực vì mới đây bà được xây tặng căn nhà đại đoàn kết.

Bà Bé xúc động: “Nếu không có sự quan tâm của các cấp chính quyền và dặc biệt là BĐBP thì không biết đến bao giờ gia đình tui mới có được căn nhà che mưa che nắng như thế này. Gia đình tui biết ơn Đảng, biết ơn Nhà nước và các anh bộ đội biên phòng nhiều lắm…”

Đôi vợ chồng trẻ Lưu Văn Tuấn sinh 1986 có một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Gia cảnh nghèo đến nỗi bố mẹ cũng không có một mảnh đất cắm dùi nên ngày ngày vợ chồng Tuấn phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời quần quật làm thuê làm mướn cho người ta mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Ngày chúng tôi đến thăm, vợ chồng Tuấn vẫn cửa đóng then cài không có ai ở nhà. Biết có khách, mẹ của Tuấn đang giữ lũ cháu gần đó chạy đến và khoe ngay: Đời mình nghèo túng quá nên làm cha làm mẹ mà chẳng có gì cho các con cả. May mà nhờ có sự giúp đỡ của mọi người mà con tui mới có căn nhà để ở. Ngày khánh thành, cán bộ, bà con làng xóm ai cũng đến chúc mừng cả chú à.

Không chỉ xây nhà cho bà con, mà việc chăm sóc sức khỏe cho bà con cũng được BĐBP đặc biệt quan tâm. Trạm quân dân y kết hợp được xây dựng và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, trung bình mỗi tháng có trên 500 người tới khám và được cấp thuốc miễn phí. Điều đáng chú ý là trạm y tế này không chỉ khám, cấp thuốc cho bà con người Việt Nam, mà con khám và cấp thuốc miễn phí cho bà con người Campuchia.

Ông Nguyễn Thanh Lam- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành phấn khởi: Địa phương chúng tôi đánh giá rất cao mô hình mà BĐBP triển khai ở ấp Tân Định xã Biên Giới, vì nó không chỉ đem lại đời sống vật chất cho bà con nơi biên giới, mà còn làm đổi mới đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Mong sao có nhiều mô hình về xây dựng điểm sáng văn hóa như thế này. Một điều quan trọng nữa là nó tạo nên sự gắn bó đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt.  

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hà- Đồn phó Đồn biên phòng nơi đây cho biết: Đồng bào Campuchia sang đây khám bệnh nhiều lắm. Một phần vì bên đó đời sống đồng bào vẫn còn rất khó khăn, hơn nữa do ở gần trạm này nên bà con sang thường xuyên. Họ sang đây mình khám rất tận tình và phát thuốc miễn phí giống như đồng bào mình, chứ không có sự phận biệt nào hết.

Ngọc Quý

Đọc thêm