Kinh tế Việt Nam bị tác động nhanh hơn dự kiến
Theo Báo cáo tình hình sản xuất (SX) công nghiệp và hoạt động thương mại 2 tháng đầu năm 2023 của Bộ Công Thương, mặc dù năng lực SX của nền kinh tế đã có dấu hiệu suy yếu ngay từ đầu năm với chỉ số SX công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 giảm 14,6% so với tháng trước đó và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 2/2023, do tổng cầu từ nước ngoài suy giảm tác động đến số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến SX công nghiệp. Mặc dù số ngày làm việc trong tháng 02/2023 nhiều hơn so với tháng trước đó nhưng chỉ số SX công nghiệp trong tháng này ước chỉ tăng khoảng 5,1% so với cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đầu năm 2023, chỉ số SX công nghiệp IIP giảm 6,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo ước giảm 6,9%; công nghiệp khai khoáng ước giảm 3,8%; SX và phân phối điện ước giảm 5,2%.
Tại cuộc họp giao ban Chính phủ tháng 3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, việc suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến SX và xuất khẩu (XK) của Việt Nam nhanh hơn dự kiến. Nguyên nhân chính của sự suy giảm đến từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài.
Các yếu tố bên ngoài tác động mạnh đến SX của Việt Nam như xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu (NK) giảm; Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng XK của Việt Nam.
Các yếu tố bên trong có thể kể đến như sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích SX, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm; Các doanh nghiệp (DN) còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Số lượng đơn hàng lần đầu tăng sau 3 tháng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự báo tình hình sẽ ngày càng khó khăn do các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm NK; Một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa NK như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng NK… Việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường XK của Việt Nam...
Ở trong nước sức mua vẫn hồi phục chậm, SX vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao; Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào XK như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến SX, XK của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới; Thị trường bất động sản suy giảm và nhu cầu thế giới giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành SX có liên quan như: ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…
Tuy nhiên, trong tình thế khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn có điểm sáng. Đó là theo công bố của S&P Global, sản lượng số lượng đơn đặt hàng mới của khu vực SX của Việt Nam tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm hơn; Số lượng đơn đặt hàng XK mới tăng lần đầu tiên trong 3 tháng…
Theo đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ngành SX Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm vào tháng 2/2023 (từ mức 47,4 điểm trong tháng 1/2023 lên mức 51,2 điểm). Điều này cho thấy ngành SX của Việt Nam trong tháng 2/2023 đã ghi nhận tăng trưởng trở lại khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại với sự hỗ trợ của tình trạng tăng sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng.
Đây được coi là tín hiệu tích cực để tiếp tục đẩy mạnh các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ DN của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động SX… Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển SX trong nước thông qua việc rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành; Bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... Xây dựng chương trình hỗ trợ, hợp tác đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp.