Điện ảnh đang phát triển 'lệch' về công nghệ

(PLVN) - Phát triển lệch là thực trạng của điện ảnh trong nước. Điều đáng buồn là sự “lệch” ấy đang nghiêng về phía... lạc hậu hơn là tiến bộ.
“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” được khen ngợi với nhiều kỹ xảo hoành tráng
“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” được khen ngợi với nhiều kỹ xảo hoành tráng

Thời gian qua, đã có một số tín hiệu vui cho điện ảnh Việt khi mà những sản phẩm phim Việt đã bắt đầu cập nhật những cách làm phim, công nghệ, kĩ xảo tiên tiến hàng đầu quốc tế để cho ra mắt những bộ phim chất lượng.

Tuy nhiên, tiếc là con số đó còn khá ít ỏi so với phần còn lại của điện ảnh trong nước. Trong khi điện ảnh đã đi đến những bước tiến với các ứng dụng tự động hóa, thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo, thì do thiếu kinh phí hay nhiều lý do khác, nhiều bộ phim vẫn sử dụng những công nghệ quay, dựng thô sơ của... thập kỉ trước. Kết quả là sản phẩm ra mắt không còn hợp “gu” của khán giả hiện đại và thành ra “đem tiền ném xuống biển”.

Thế nhưng, nếu đổ hết cho thiếu kinh phí thì có lẽ cũng chưa hoàn toàn chính xác. Tư duy làm phim mới là điều quyết định để dẫn đến sự đổi mới trong cách làm phim. Nếu người làm phim vẫn khư khư giữ cho mình cách làm truyền thống, không chịu thay đổi thì làm sao có thể có được sản phẩm điện ảnh đổi mới.

Một khía cạnh có thể nhận thấy, đó là chưa nhiều phim điện ảnh nhà nước ứng dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất phim. Trong khi đó, kinh phí phim do nhà nước cấp 100%, nhiều bộ phim có kinh phí khủng, vài chục tỉ đồng, nhưng trình độ làm phim vẫn như thời sơ khai của điện ảnh, từ nội dung cho đến ứng dụng kĩ xảo. Thế nên mới có chuyện, hàng loạt phim nhà nước đầu tư vài chục tỉ, ra rạp không có khán giả đến coi, dù chiếu miễn phí, sau đó... “đắp chiếu”.

Thực tế dẫn đến điều này là từ cơ chế. Đầu tư sai chỗ, đầu tư vô tội vạ, thiếu kế hoạch phát triển bài bản, cộng với cơ chế bao cấp, thiếu tầm nhìn quản lý, cách làm manh mún... đã dẫn đến hàng loạt bộ phim ra đời trong sai lầm, là “sản phẩm lỗi” của điện ảnh bao cấp.

Một nghịch lý khác là nhiều đơn vị nhà nước làm phim, được đầu tư máy móc thiết bị “khủng”, nhưng tư duy con người chưa theo kịp, và nhân lực cũng không được đào tạo để biết cách sử dụng trang thiết bị kĩ thuật, ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả nhất và thế là lại càng lãng phí.

Một nghịch lý khác đang tồn tại trong điện ảnh Việt, đó là nhiều đạo diễn, nhiều nhà làm phim trẻ đang mang trong mình nhiệt huyết và giấc mơ đem phim Việt vươn xa, có tài năng, có khát vọng nhưng... không có tiền và không được hỗ trợ. Nếu những nhà làm phim trẻ với tư duy mới, nội lực mạnh mẽ có được cơ hội, thì chắc hẳn đã có những sản phẩm hay ra đời và cạnh đó là doanh thu chục tỉ, trăm tỉ từ rạp, đem lại lợi nhuận không ít cho ngân sách.

Trong khi, một số cá nhân chưa có thành tích xuất sắc, làm phim “tầm tầm bậc trung lại được giao những dự án làm phim nhà nước kinh phí cao. Kết quả, đồng tiền ấy không hề “sinh lợi” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Có lẽ, đã đến lúc các cơ quan quản lý bỏ đi những cơ chế bao cấp với dòng “phim nhà nước” đầy ngán ngẩm để nghĩ đến những dự án đầu tư bài bản, đường dài, đúng người, đúng chỗ cho điện ảnh Việt. Điện ảnh Việt khát vốn, khát công nghệ.

Điểm đúng huyệt thì sẽ không còn cảnh “cầm vàng mà để vàng rơi” như cách làm vô lý nhiều năm nay nữa. Điện ảnh Việt mới có thể hy vọng có được sức bật, có thể vươn xa, quốc tế hóa như đúng với năng lực của mình.