Điện ảnh ngôn tình “tấn công” màn ảnh Việt

(PLO) - Thực tế cho thấy, độc giả đam mê tiểu thuyết ngôn tình nhiều bao nhiêu thì khán giả yêu thích điện ảnh ngôn tình nhiều bấy nhiêu. Đó là lí do vì sao điện ảnh Việt Nam đang cho ra ồ ạt những tác phẩm “đậm chất ngôn tình”. Nhưng, nhiều quá có phải hay?
Cảnh trong phim “Taxi, em tên gì?” - một trong những phim có yếu tố “ngôn tình”.
Cảnh trong phim “Taxi, em tên gì?” - một trong những phim có yếu tố “ngôn tình”.

Xu thế thời thượng?

Chuyển thể hay sáng tạo những tác phẩm điện ảnh ngôn tình là câu chuyện mà màn ảnh Hàn – Nhật đã làm từ trước đấy rất lâu. “Bên nhau trọn đời”, “Hãy nhắm mắt khi anh đến”, “Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa”, “Sam Sam đến rồi” khi xuất hiện trên thị trường Việt Nam đã khiến các “mọt” phim điên đảo. Hay thậm chí, phim không hoàn toàn về “ngôn tình” nhưng pha trộn thêm một chút yếu tố này cũng được khán giả đón nhận nhiệt tình. Điển hình, phim “Hậu duệ của mặt trời” gây sốt khán giả châu Á của Hàn Quốc có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố “ngôn tình”. Từ “tấm gương” này các nhà sản xuất phim Việt Nam bắt đầu hành trình chinh phục khán giả bằng “con đường ngôn tình”.

Ở Việt Nam, “trào lưu ngôn tình” cũng xuất hiện trong nhiều phim điện ảnh: “Yêu”, “12 Chòm Sao: Vẽ đường cho yêu chạy” hoặc pha trộn cùng yếu tố khác như: “Taxi, em tên gì?”, “Gái già lắm chiêu”, “Bệnh viện ma”... Phim truyền hình “Tuổi thanh xuân” do Nhã Phương và Kang Tae-oh đóng vai chính, vừa đoạt Cánh Diều Vàng 2015 của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đậm đặc yếu tố “ngôn tình”. Một số dự án phim khác ra mắt sắp tới của nhiều đạo diễn Việt Nam cũng chạy theo yếu tố này. 

Sở dĩ ngôn tình chiếm ưu thế về tốc độ sản xuất và tầm phủ sóng trên màn ảnh Việt hiện nay là do các nhà sản xuất đã biết đáp ứng được nhu cầu của phần đông khán giả. Giống như nhà sản xuất kiêm đạo diễn Lý Minh Thắng đã từng trả lời báo chí rằng, ngôn tình xuất hiện nhiều là do cuộc sống hiện đại hối hả, thời gian trôi nhanh, mọi thứ theo guồng xoáy, người ta lại càng khao khát tình cảm lãng mạn, những khoảnh khắc mơ mộng. Khi bắt gặp chúng trong tác phẩm văn học hoặc qua phim, họ thích thú vì nó chạm đến phần sâu kín trong tâm hồn mỗi người, đánh thức những giấc mơ lãng mạn về một tình yêu đẹp. 

Và dường như, mỗi thể loại phim đều có một thời của riêng nó. Giống như trước kia người ta gần như “bội thực” bởi phim hài pha hành động hoặc hài đơn thuần, thì bây giờ, sau khi có những tin hiệu tốt từ phía khán giả, phim ngôn tình lập tức đứng ở vị trí ưu thế. Hơn nữa, số lượng người đến xem phim rạp chủ yếu là giới trẻ, vậy thì ngôn tình chả phải là hợp lý quá rồi sao?

Nhiều quá sẽ nhàm

Thẳng thắn một điều rằng điện ảnh Việt Nam không thể vì điện ảnh nước bạn làm tốt thể loại nào đó, hoặc thể loại đó được yêu thích ở Việt Nam thì có thể bắt chước và chạy theo được. Bởi khả năng của chúng ta vẫn còn có hạn, có hạn về cảm xúc lẫn kinh nghiệm sản xuất. Điện ảnh ngôn tình khác với tiểu thuyết ngôn tình là khán giả nghe bằng tai, nhìn bằng mắt và dễ dàng cảm nhận. Nên nếu phim dở, khán giả sẽ dễ dàng đổ lỗi tại kịch bản, tại diễn viên chứ không phải do cảm nhận của mình. Ấy thế mới nói, điện ảnh ngôn tình phát đạt đến đỉnh cao, chạm vào xúc cảm người xem, thế mới thành công được. Nhưng làm được đâu có dễ và cũng có mấy ai đã làm nên “sóng gió” ngôn tình bằng chính phim Việt chứ không phải một tác phẩm nước ngoài nào đó du nhập về?

Hơn nữa, thời điểm nở rộ, dòng văn học “ngôn tình” từng bị chỉ trích dữ dội với lo ngại sẽ gây nghiện rồi lôi kéo người đọc khỏi cuộc sống thực tế, suốt ngày ảo tưởng hình ảnh “soái ca” hoàn hảo. Các nhà tâm lý lo ngại giới trẻ sẽ thất vọng, buồn bã khi đối diện hiện thực cuộc sống không như thế giới mình từng mộng mơ. Các nhà xã hội học cũng cho rằng khó khăn của cuộc sống thực tế dễ khiến hôn nhân của những đôi vợ chồng mộng mơ trong thế giới ngôn tình sẽ sớm đổ vỡ. Vì thế, khi “ngôn tình” bắt đầu có nhiều trong phim, những lo ngại này càng tăng lên.

Chính bởi vậy, để không đi lên vết xe đổ của những thể loại điện ảnh trước đó do sản xuất ồ ạt mà mất đi “phẩm giá” của mình, điện ảnh ngôn tình cần rút ra bài học tiết chế sản phẩm ra mắt, hay nói cách khác đầu tư kĩ lưỡng sẽ có hiệu quả hơn là sản xuất ồ ạt vì sợ ra sau sẽ lỗi thời.

Đọc thêm