Điện ảnh Việt ì ạch ở lưng chừng dốc

(PLO) - Có thể nói, điện ảnh Việt Nam so với chính mình thì có sự phát triển, song là sự phát triển loanh quanh tìm chỗ đứng chứ chưa thực sự chủ động tìm cái mới. So với điện ảnh thế giới thì nền điện ảnh nước ta ở chân dốc của sự phát triển.

Điện ảnh Việt ì ạch ở lưng chừng dốc
Những bộ phim “bình mới, rượu cũ”
Cái thừa của điện ảnh Việt Nam là sản xuất quá nhiều phim “mì ăn liền”. Bộ phim na ná giống nhau về kịch bản, dàn diễn viên thì quá quen thuộc, làm cho người xem nhàm chán, chỉ xem vài phút là đoán được nội dung, biết được kết cục của tình huống.
Trước đây, khán giả truyền hình “ngán” nhất là bộ phim “Cảnh sát hình sự” tập nào cũng na ná nhau cả về cách thể hiện của diễn viên đến kịch bản. Sự nhàm chán không chỉ là phim giống nhau về “giải quyết tình huống” của công an “đứng lại, các anh đã bị bắt” mà cả cách diễn xuất “không ăn nhập” gì của diễn viên. Nếu so với phim hình sự của Trung Quốc thì phim hình sự Việt Nam chưa có tính nghệ thuật và quá đơn điệu. 
Gần đây, điện ảnh phía Nam chuyên cho “ra lò” các phim “mì ăn liền”, dựng một thời gian rất ngắn rồi xuất xưởng. Dàn diễn viên so với ngoài Bắc có trẻ, đẹp hơn nhưng lại kém về phong cách diễn xuất và cách thể hiện nội tâm nhân vật, đối thoại trong phim mà như đọc từ sách ra vậy. Hơn nữa, do kỹ thuật lồng tiếng không tốt nên miệng diễn viên đơn đớt mấp máy một đằng, tiếng nói một nẻo. 
Tháng 10 và 11/2006, Hãng phim Phước Sang TP Hồ Chí Minh trình chiếu bộ phim “Anh chỉ có mình em” của đạo diễn Lê Hữu Lương dài 30 tập bắt chước phim “Nỏi” của Thái Lan. Một cô sinh viên tên Tú (Minh Hằng đóng) nghèo rớt mồng tơi lại luôn ước mơ hão huyền làm chủ một shop thời trang lớn trong thành phố. 
Tiếp theo phim “Anh chỉ có mình em”, hai đạo diễn Xuân Phước và Quang Đại của Hãng phim Phước Sang lại cho xuất xưởng bộ phim “Ngã rẽ cuộc đời” phản ánh mối quan hệ yêu đương trong một gia đình có ông bố hai vợ “con anh, con tôi, con chúng ta”. 
Hay bộ phim “Chuyện tình yêu” dài 24 tập  của đạo diễn Xuân Phước nói về mối quan hệ yêu đương “nhí nhố” của những chàng trai, cô gái tuổi teen nơi đô thị. Phim chiếu ròng rã hơn tháng trời, rút cuộc chẳng đem lại điều gì bổ ích cho khán giả...
Cái thiếu của nền điện ảnh Việt Nam trong dòng chảy điện ảnh thế giới không chỉ về tầm nhìn của nhà đạo diễn, những nhà sản xuất phim mà thiếu cả về cái “tâm đức” nghề nghiệp của họ. Nếu nói về trình độ thì thiếu về kỹ xảo hiện đại. Nhiều đạo diễn học hành không căn bản, tức là không được học hành chính qui, hoặc học hành chính qui nhưng không phải là niềm đam mê, mà làm đạo điễn để lấy danh tiếng. 
Nam diễn viên QL học đạo diễn cấp tốc để cho “ra lò” bộ phim đầu tay “dở ẹc”, làm người xem “rợn tóc gáy” rồi lui vào hậu trường để chuyển qua nghề MC trong chương trình “Vượt lên chính mình”. Hãng phim Phước Sang, tiếng là xuất ngoại nhiều lần nhưng cũng chỉ mới có những bộ phim na ná giống nhau, thời cuộc, hài hước, thiếu sự cân đối giữa nghệ thuật trong phim và đời thường, không tạo cho khán giả xem phim nhớ lâu, nhớ sâu.
Một cảnh trong phim Việt
Một cảnh trong phim Việt 
Kịch bản một đường, hiện trường một nẻo
Thấy lợi nhuận cao, danh tiếng nổi, nên người người đi học đạo diễn, nhà nhà đua nhau làm phim. Các hãng phim tư nhân đua nhau sản xuất và tái sản xuất các bộ phim mì ăn liền mà không cần biết chất lượng ra sao? Không cần hiểu công chúng “đón nhận” như thế nào? Diễn viên đóng phim, thôi thì đủ loại: học sinh, sinh viên, người mẫu, ca sĩ, nông dân được đưa tuốt lên phim. 
Chính mớ “hổ lốn” này làm cho chất lượng phim ngày càng đi xuống. Có diễn viên lẽ ra đóng ở vai này mới hợp lại đóng ở vai kia, tạo nên sự kệch cỡm, không lột tả hết tính cách nhân vật, không phản ánh hết chiều sâu nội dung, như vai “Như” (Minh Hằng đóng) trong phim “Ngã rẽ cuộc đời” của đạo diễn Xuân Phước và Quang Đại làm đạo diễn.
Một nguyên nhân khiến cho nền điện ảnh nước nhà tụt hậu là công nghệ làm phim. Nếu trên thế giới, để hoàn thành một bộ phim phải mất cả năm, thậm chí 10 năm như phim “Titanic” điện ảnh Mỹ, còn ở Việt Nam thì chỉ cần vài tháng là có thể cho ra bộ phim “mì ăn liền” nên chất lượng “không giống ai”. 
Mặt khác, về khâu chuẩn bị kịch bản của phim nước ngoài cũng rất kỹ lưỡng, nghiền ngẫm, thậm chí “đập vụn” các bối cảnh trước khi quay. Phim càng dài tập càng săm soi kỹ, để khi quay ý tưởng của đạo diễn trùng khớp, hợp cảnh, hợp người răm rắp trong từng khung hình. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, mọi thứ đều đưa ra trường quay. 
Nhiều khi kịch bản một đường, hiện trường một nẻo. Và cái kiểu “vừa thiết kế, vừa thi công như thế” đã nảy sinh ra trường hợp, quay xong cả bộ phim, khi mang ra duyệt thì thiếu chỗ này một cận cảnh, chỗ kia một câu thoại. Cảnh này lẽ ra phải quay ở sông thì lại quay ở núi. Thế là tổ chức quay lại, vừa tốn kém vừa nhọc công.
Một nguyên nhân góp phần làm cho nền điện ảnh Việt Nam chất lượng chưa được nâng lên là tầm nhìn của các nhà đạo diễn. Chưa thấy được nền điện ảnh nước nhà giàu tính nhân dân, tức là điện ảnh phải phục vụ đông đảo nhân dân chứ không thể chạy đua để thỏa theo ý thích một số khán giả. Chưa đi sâu lột tả những nét đa dạng của con người Việt Nam ở vùng miền khác nhau mà chỉ tập trung phản ánh cái đã xảy ra, trong khi nền điện ảnh  đang cần hướng mạnh về nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. 
Các nhà đạo diễn còn làm phim theo kinh nghiệm chứ chưa làm phim điện ảnh đang “khát”, công chúng đang cần, nên nhiều bộ phim hay nhưng vẫn thiếu sinh động, phản ánh cuộc sống thực tế, thiếu sự gần gũi. Thậm chí có bộ phim khán giả chỉ nghe tên là không muốn xem như phim “Cảnh sát hình sự”. 
Các nhà đạo diễn chưa đặt nền điện ảnh Việt Nam trong sự phát triển như vũ bão của nền điện ảnh thế giới, mà cứ ì ạch, luẩn quẩn tư tưởng quan niệm “Người Việt Nam xem phim Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, theo kiểu “ấn định đầu người” càng làm cho nền điện ảnh nước ta tụt hậu, vừa thừa lại vừa thiếu, trong khi nền điện ảnh thế giới không ngừng phát triển.