Diễn biến mới trong nghi án “trả thù” người tố cáo cán bộ tòa

(PLO) -Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM xử giám đốc thẩm đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND cùng cấp, tuyên hủy hai bản án sơ và phúc thẩm hình sự đối với Mai Thị Ngọc Vân (SN1980, phường 2, quận Tân Bình). Quyết định Giám đốc thẩm đã chỉ ra nhiều sai sót của cấp sơ thẩm và phúc thẩm trong quá trình xét xử vụ án.
Bị cáo Vân bật khóc vì mức hình phạt quá cao
Bị cáo Vân bật khóc vì mức hình phạt quá cao

Hàng xóm xô xát

Diễn biến vụ án: Khoảng 16h ngày 01/6/2014, ông Trịnh Quang Hân quây bạt để che mưa trước cửa nhà nhưng để chiếc bạt đụng vào chậu cây cảnh của gia đình Vân. Do hai bên có mâu thuẫn từ trước nên Vân lớn tiếng cự cãi và dùng cây kìm sắt đánh vào tay hàng xóm. Ông Hân đi qua nhà định nói chuyện thì bị Vân giật mắt kính nắm cổ áo xô ra. 

Lúc này, anh Trịnh Quốc Việt (con trai ông Hân) chạy sang dùng tay kẹp cổ Vân ngăn lại nhưng bị chị này dùng răng cắn vào tay nên phải buông tay.

Cùng lúc này, Mai Khải Hoàn (em Vân) từ trong nhà chạy ra xông vào đấm đá anh Việt. Khi anh này bỏ chạy thì Hoàn cầm tấm ván gỗ đánh trúng gáy ông Hân làm ông này ngã xuống đất ngất đi. Sau đó Hoàn tiếp tục dùng chân đạp nhiều cái vào người nạn nhân. 

Chiều hôm sau, thấy anh Việt đang dắt xe máy vô nhà, Vân đã dùng 1 thanh gỗ dài đánh trúng vào lưng anh này. 

Thấy em bị đánh, anh Trịnh Quang Trung chạy đến định can ngăn thì bị Vân dùng thanh gỗ đánh nhiều cái vào người, dẫn đến chảy máu ở trán. 

Theo Quyết định Giám đốc thẩm, hồ sơ vụ án thể hiện, ngay sau khi xảy ra sự việc, bị cáo Vân đã xin bồi thường chi phí điều trị và xin lỗi nhưng phía bị hại không đồng ý và yêu cầu xử lý theo pháp luật, chứng tỏ bị cáo đã ăn năn hối cải.

Đồng thời, trong quá trình điều tra, xét xử, bị cáo Vân khai tương đối đầy đủ hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện. Tòa án phúc thẩm nhận định bị cáo không thành khẩn khai báo, từ đó không áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử bị cáo là thiếu khách quan.

Ngoài ra, thì khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định hình phạt nhẹ hơn, từ bị xử phạt đến 7 năm tù xuống còn 5 năm tù.  Tòa án cấp phúc thẩm không vận dụng tinh thần “có lợi” để giảm nhẹ hình phạt là áp dụng không đúng pháp luật hình sự, gây bất lợi cho bị cáo

Kết quả giám định pháp y xác định: tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với các bị hại Trung, Hân và Việt lần lượt là: 13%, 4%, 4%.

TAND quận Tân Bình đã tuyên phạt Mai Thị Ngọc Vân 9 tháng tù và bồi thường cho các nạn số tiền hơn 40 triệu đồng.

Sau đó, Vân kháng cáo xin được hưởng án treo, bị hại kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt đối với bị cáo.

Ngày 9/8/2016, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ án. HĐXX phúc thẩm nhận định: Thương tật của nạn nhân Trung đã là 13%, nhưng cấp sơ thẩm trừ đi 6% ở vùng lưng vì không xác định được có phải do Vân gây nên không là không phù hợp.

Theo HĐXX, trong quá trình điều tra, xét xử đã chứng minh chỉ có một mình bị cáo dùng hung khí tấn công anh Trung và nạn nhân không thể tự gây thương tích ở vùng lưng. Từ đó cấp phúc thẩm nhận định: Vân phải chịu toàn bộ trách nhiệm về tỷ lệ thương tật 13% của nạn nhân nên đủ cơ sở buộc tội bị cáo theo khoản 2 điều 104 BLHS (với mức hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù).

HĐXX cho rằng bị cáo phạm tội nhiều lần, với nhiều người, dùng hung khí nguy hiểm. Đồng thời việc cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải cũng bị tòa cấp phúc thẩm bác bỏ do nhận định bị cáo không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải.

Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên phạt tăng mức án đối với bị cáo Mai Thị Ngọc Vân từ 9 tháng lên 4 năm tù. 

Cũng tại phiên tòa, HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án đối với Mai Khải Hoàn do quá trình xét xử và lời khai của những người làm chứng cho thấy Hoàn có đánh nạn  hân gây thương tật 4% và nạn nhân có đơn yêu cầu khởi tố nên hành vi của Hoàn có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. 

Nhiều sai sót trong xét xử

Mới đây, Quyết định giám đốc thẩm của UBTP TAND Cấp cao nhận định: bản án sơ, phúc thẩm đã có kết luận không phù hợp với những tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Cụ thể:

Về tố tụng: Căn cứ vào đơn yêu cầu khởi tố hình sự của bị hại, Công an quận Tân Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi Cố ý gây thương tích. Sau đó, HĐXX TAND TP.HCM lại Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi Cố ý gây thương tích cho ông Trịnh Quang Hân là khởi tố vụ án hai lần đối với một sự việc phạm tội.

Về trách nhiệm hình sự: Mai Thị Ngọc Vân có hành vi giật mắt kính, nắm cổ áo xô ông Trịnh Quang Hân nhưng hành vi này không gây thương tích cho ông Hân nên không cấu thành tội phạm. 

Đối với bị hại Trịnh Quốc Việt, Vân có hành vi dùng răng cắn vào tay phải Việt gây thương tích 02% nhưng hành vi này là do bị hại Việt đã dùng tay kẹp cổ bị cáo, nên không cấu thành tội phạm.

Bị cáo Vân dùng cây gỗ vuông đánh vào lưng bị hại Việt, Trung tâm pháp y Sở y tế TP HCM giải thích thương tích của Trịnh Quốc Việt tại hông sườn trái có tỉ lệ 02%. Tòa án sơ và phúc thẩm kết luận bị cáo Vân gây thương tích cho bị hại Việt tại vùng lưng tỷ lệ thương tật 04% là không phù hợp kết quả giám định pháp y. 

Đối với bị hại Trung, trong quá trình điều tra và xét hỏi công khai tại các phiên tòa, Trung khẳng định bị Vân dùng thanh gỗ vuông đánh nhiều cái trúng các ngón tay phải và vùng trán gây chảy máu, không bị Vân đánh vào vùng lưng, 03 vết thương ở vùng lưng bị hại không biết do đâu mà có; Biên bản do Công an phường tại Bệnh viện Thống Nhất đã ghi nhận Trung bị: chấn thương não, vết thương phần mềm trán, gãy kín chỏm xương bàn ngón tay, xây sát da ngực, bụng; Biên bản hòa giải, Trung khai bị “vết thương ở trán và ngón trỏ bàn tay phải”. Lời khai của bị hại này phù hợp với tài liệu điều tra ban đầu xác định Trung không bị vết thương tại vùng lưng. Đồng thời phù hợp với lời khai của bị cáo Vân khẳng định không đánh Trung tại vùng lưng.

Từ đó, UBTP TAND Cấp cao cho rằng: chưa có chứng cứ kết luận bị cáo Vân gây ra 03 vết thương ở vùng lưng của bị hại Trung 06% nhưng Tòa án cấp phúc thẩm xác định bị cáo Vân gây thương tích cho bị hại Trung 13%, xét xử bị cáo là phiến diện, không có căn cứ, không phù hợp với chứng cứ khách quan của vụ án

Về trách nhiệm dân sự: Tòa án hai cấp buộc bị cáo Vân phải bồi thường cho người bị hại Trịnh Quang Trung số tiền thu nhập thực tế bị mất do không đi làm một tháng 3,1 triệu đồng, tổn thất tinh thần và mất sức khỏe 18,6 triệu đồng; Bồi thường cho người bị hại Trịnh Ọuốc Việt số tiền thu nhập thực tế bị mất do không đi làm một tháng 3,1 triệu đồng, tổn thất tinh thần và mất sức khỏe 12,4 triệu đồng là không có căn cứ, vi phạm Nghị quyết của HĐTP TAND Tối cao. 

Ngoài hành vi phạm tội của Mai Thị Ngọc Vân, kết quả điều tra và xét hỏi công khai tại các phiên tòa đã xác định hành vi của Mai Khải Hoàn có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Ông Hân đã có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với Hoàn nhưng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm không khởi tố, điều tra xử lý Hoàn theo quy định là bỏ lọt người phạm tội.

Từ những căn cứ trên, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy hai bản án sơ và phúc thẩm hình sự đối với Mai Thị Ngọc Vân về hành vi cố ý gây thương tích và hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại từ đầu.

Gia đình Mai Thị Ngọc Vân là gia đình được UBND phường xác nhận là hộ cận nghèo. Thời điểm xảy ra vụ án, Vân đang làm thủ tục ly hôn, một mình nuôi 3 con nhỏ (lớn nhất 13, nhỏ nhất 1 tuổi).

Khoảng 1 tháng trước ngày xử phúc thẩm, Vân tố cáo thư ký tòa án TAND TP.HCM đã liên lạc và gợi ý bị cáo chạy tiền để được hưởng án treo. Cụ thể, Vân khai từ tháng 6/2016 có một phụ nữ tự xưng là thư ký tòa hình sự TAND TP.HCM liên lạc nói sẽ lo cho giảm án giảm xuống án treo nếu chịu chung chi.

Sau nhiều lần gợi ý, Vân đồng ý sẽ “chạy” số tiền là 85 triệu đồng để được giảm án. Sáng ngày 14/7, người phụ nữ nói trên điện thoại yêu cầu Vân giao số tiền trên cho 1 người đàn ông. Vân báo công an. 

Buổi trưa cùng ngày, công an bắt quả tang người đàn ông nhận 85 triệu đồng từ người nhà Vân. Người này khai là chồng của một thư ký TAND TP.HCM, sáng 14/7 nhận được điện thoại của vợ yêu cầu đi nhận tiền nhưng không biết tiền gì.

Sau đó, cả thẩm phán và thư ký tòa án đều giải trình với cơ quan là không liên quan đến việc chạy án. Nữ thư ký tòa nói không yêu cầu chồng đi nhận tiền của ai, và không biết vì sao chồng mình khai như trên.

Sau bản án nhiều tranh cãi, lãnh đạo TAND TP.HCM đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí khẳng định: không có chuyện trả thù cũng như không có chuyện yêu ghét khi quyết định hình phạt.

Đọc thêm