Có mặt tại phòng Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả của Sở Tư pháp Điện Biên những ngày tháng 4/2021, rất đông người ra vào. Nét mặt niềm nở, cử chỉ nhẹ nhàng là điều dễ nhận thấy của những cán bộ tư pháp đang tận tình hướng dẫn người dân cách điền thông tin để đăng ký hộ tịch. Không phải chờ đợi lâu, khoảng 15 – 20 phút người dân đến đây đã cầm trên tay tờ giấy cần thiết để ra về. Nhờ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nên khi người dân đến phòng một cửa của Sở chỉ cần điền đầy đủ thông tin và nộp các giấy tờ liên quan theo quy định. Mọi thủ tục sẽ được làm nhanh chóng, sớm có kết quả mà không phải chờ đợi lâu hay đi lại nhiều lần như trước đây.
Người dân đến bộ Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả của Sở Tư pháp Điện Biên làm thủ tục đăng ký hộ tịch. |
Theo ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên thông tin: Nhờ được trang bị cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nên việc đăng ký và quản lý hộ tịch đã trở nên thuận tiện, khoa học, hiệu quả, chính xác, hạn chế sai sót, tiết kiệm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần giảm tải công việc cho cán bộ chuyên môn, thuận tiện cho việc tra cứu, thống kê hộ tịch, nâng cao công tác cải cách hành chính. Để nâng cao hiệu quả công tác đăng ký quản lý hộ tịch, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan, các huyện, thành phố trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của Luật Hộ tịch, quyền và nghĩa vụ khi đăng ký hộ tịch.
Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện và UBND cấp xã cập nhật tên đơn vị trên hệ thống cổng thông tin điện tử của Sở; cập nhật, số hóa dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch, tạo ra hệ thống thông tin hộ tịch đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan; nhất là thực hiện Đề án liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, hưởng chi phí mai táng ở cấp xã… Cùng với đó, đội ngũ công chức tư pháp hộ tịch các cấp thường xuyên được củng cố kiện toàn, đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 238 công chức tư pháp hộ tịch thuộc 129 xã, phường, thị trấn.
Hàng năm, Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu về pháp luật hộ tịch, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về đăng ký, quản lý hộ tịch cho lãnh đạo, công chức tư pháp hộ tịch các cấp. Chú trọng bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, trình độ trong thực hiện nhiệm vụ. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đăng ký khai sinh trên 18.000 trường hợp, đăng ký khai tử cho hơn 2.400 trường hợp, đăng ký kết hôn hơn gần 5.000 trường hợp. Trong đó, đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 8 trường hợp.
Người dân nhận thức được quyền và nghĩa vụ khi đăng ký hộ tịch. |
Công tác kiểm tra việc đăng ký, quản lý hộ tịch cũng được thực hiện định kỳ. Qua kiểm tra về cơ bản các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện sắp xếp và lưu trữ sổ, hồ sơ đăng ký hộ tịch một cách khoa học, ghi chép rõ ràng, đầy đủ, thuận tiện cho công tác tra cứu. Tất cả các công việc liên quan đến đăng ký, quản lý hộ tịch đều được thực hiện thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, đúng trình tự, thời gian quy định. Công chức làm công tác đăng ký quản lý hộ tịch có ý thức trách nhiệm, có tinh thần học hỏi, chủ động nghiên cứu, mạnh dạn trao đổi và đề xuất cách giải quyết đối với những trường hợp đăng ký hộ tịch gặp khó khăn. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử lý những tồn tại, hạn chế, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ.
Ông Phạm Đình Quế chia sẻ: Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn ngày càng có chuyển biến tích cực. Đến nay, hầu hết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng phần mềm liên thông ở cả 3 cấp (xã, huyện, tỉnh). Nhờ đó, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch được giải quyết nhanh gọn, không gây phiền hà cho người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, khẳng định vai trò trong quản lý nhà nước và bảo đảm quyền của công dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập như nhận thức của một bộ phận nhân dân về vấn đề hộ tịch chưa đầy đủ, chưa thực hiện bảo đảm thời gian, nhất là khai sinh, khai tử; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ… Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp đẩy công tác mạnh tuyên truyền, phổ biến văn bản liên quan đến Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành để cán bộ và nhân dân hiểu rõ được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác hộ tịch.