Vì nhân dân quên mình
Tình cờ trong một buổi chiều cuối tháng tư, khi cả nước đang sống trong không khí hân hoan đón mừng những chiến thắng vẻ vang của dân tộc thì tôi gặp được cụ Trần Khôi (90 tuổi, phố Ngô Văn Sở, phường Ba Đình, TP Thanh Hoá), cụ Khôi từng là Chính trị viên Đại đội C101 - Đại đội xe đạp thồ của thị xã Thanh Hoá.
Dù đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng giọng cụ Khôi vẫn đầy khí chất hiên ngang, hào hùng khi kể cho tôi nghe những câu chuyện về đoàn xe tải lương, những ngày “nằm gai, nếm mật”, những trận đánh giáp la cà với địch: “Tôi còn nhớ mãi cái ngày làm Lễ xuất quân tại phố Bôn, thuộc xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn. Bà con ra đưa tiễn đông lắm. Ban đầu đại đội của tôi mỗi người chỉ “đi” có 50kg nhưng về sau do tính cấp thiết của kháng chiến, anh em nâng lên 70kg, rồi 1tạ, tạ hai rồi tạ ba và cao nhất là 1tạ 7. Vì trọng tải nặng nên cách xếp gạo hồi đó dựa vào thiết kế của xe, trong đoàn chủ yếu là xe đạp nam nên cho một bao lên ghi đông xe, một bao luồn xuống khung xe.
Trong chặng đường tải lương đó có những đoạn hiểm trở bên vực sâu, bên vách núi. Những con đường mòn vừa mở, đất chưa phẳng, đá tai mèo nhô lên như những ngọn chông khiến đôi chân của anh em dân công bị xé chảy máu. Nhưng khó khăn không làm anh em dân công lung lay ý chí hướng về Điện Biên Phủ, chúng tôi vẫn giữ vững tay thồ”.
Qua cụ Khôi, tôi liên lạc được với ông Lê Văn Thảng (sinh năm 1934, quê huyện Nông Cống, Thanh Hóa) là chiến sĩ công binh ở Đại đội 72, Tiểu đoàn 417, Trung đoàn 151, Đại đoàn 351. Kể cho tôi nghe về ngày lên đường đến với Điện Biên Phủ, ông Thảng không giấu nổi sự xúc động khi ký ức những ngày mở đường gian khó dần hiện về nguyên vẹn trong tâm trí ông: “Khi đường lên Điện Biên được mở cũng là lúc các đội quân của ta hướng về lòng chảo Mường Thanh. Ngày ấy, việc hành quân lên Điện Biên Phủ hết sức bí mật”.
Sau thời gian học nhiệm vụ “Trần Đình” (mật danh ám chỉ Điện Biên), đơn vị của ông Thảng từ Thanh Hóa chúng tôi được lệnh lên đường. Không ai biết đi đâu, đến đâu nhưng ai cũng háo hức chờ đợi ngày ra trận... “Hôm ấy đã là 30 Tết Giáp Ngọ (đầu năm 1954), sau khi nhận thêm mỗi người một túi lương khô, cả đơn vị tập hợp chỉnh tề dưới tán lá nứa nghe đại đội trưởng phổ biến mệnh lệnh, nghe chính trị viên chúc Tết, chúc hoàn thành nhiệm vụ rồi lên đường. Tôi xung phong đọc bài thơ “Dậy mà đi” của Tố Hữu đã học thuộc từ ngày còn đi học. Mọi người hát vang bài hát “Vì nhân dân quên mình” rồi cất bước, nhiều đồng chí mắt rưng rưng ngấn lệ vì xúc động”, ông Diệm kể. Ròng rã hàng tháng trời, đêm đi ngày nghỉ, trên lưng mỗi người cõng khoảng 30kg bao gồm ba lô quần áo, gạo, súng đạn...
Ấn tượng mà ông Thản nhớ mãi là khi vừa qua suối Rút (Hòa Bình), mỗi người được phát một đôi giày vải, một bát sắt tráng men, ca Việt - Trung - Xô (hàng viện trợ của Trung Quốc). Dọc đường hành quân, niềm vui như được nhân lên khi gặp những đoàn xe vận tải Monotoba (Liên Xô) nối đuôi nhau chở hàng ra chiến dịch, rồi dân công hỏa tuyến từ mọi miền đất nước hướng lên Điện Biên... “Tất cả ra tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, lòng chúng tôi thêm hào hứng, phấn khởi hướng lên Điện Biên Phủ”, ông Thản nói.
Niềm vui thắng trận
Với những người lính Điện Biên, những nắm cơm muối, bát canh rau rừng chia vội trong ngày nắng như thiêu như đốt hoặc trong đêm mưa tầm tã... đã trở thành kỷ niệm khó quên. Nhưng sâu đậm nhất vẫn là những trận chiến ác liệt “máu trộn bùn non”. Nhưng vượt qua tất cả, bằng sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người lính cụ Hồ năm ấy kiên cường, bất khuất đã làm nên những trận đánh khiến quân thù kinh hồn, bạt vía.
Sau nhiều trận đánh vào các cứ điểm ở Điện Biên Phủ, ngày 6/5/1954, quân ta tiêu diệt cứ điểm 316 phía Tây sở chỉ huy của tướng Đờ-cát. Tấn bộc phá TNT đã nổ tung đồi A1 trong đêm hôm đó càng làm quân địch thêm hoang mang. Chiều 7/5, tướng Đờ-cát dẫn đầu quân địch ra hàng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sụp đổ hoàn toàn.
Nhớ lại những năm tháng hào hùng cùng đồng đội giành giật với địch từng tấc đất, từng đoạn chiến hào diễn ra trên cánh đồng Mường Thanh, Đại tá Phạm Trung Đôi, là chiến sỹ của Đại đội 25, Tiểu đoàn 322 (thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308) cho biết: “Xác định Him Lam là “cửa ngõ” đi vào tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Ðiện Biên Phủ, do vậy Pháp đã bố trí ở đây Tiểu đoàn lính Lê dương - tiểu đoàn mạnh nhất của Pháp ở Ðông Dương lúc bấy giờ và rất nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, công sự trận địa vững chắc.
Tiểu đoàn Lê dương gồm 4 đại đội với gần 500 tên địch đóng tại 3 cứ điểm, hình thành cụm cứ điểm Him Lam. 12 giờ trưa ngày 13/3/1954, Pháp đưa xe tăng, bộ binh ra phá chiến hào của ta; được lệnh của trên, các mũi tiến công của ta đồng loạt xung phong, nã súng dồn dập vào các cứ điểm của địch. Địch bị bất ngờ, hoang mang, gần như tê liệt hoàn toàn, ta dùng pháo binh, súng cối bắn chặn, buộc địch rút chạy. 2 giờ đêm ngày 14/3, quân ta làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm Him Lam”.
Nhớ về buổi chiều lịch sử 7/5/1954, Đại tá Phạm Trung Đôi không kìm nén được sự xúc động, ông nói trong ánh mắt tự hào về giây phút nhìn thấy lá cờ Tổ quốc trên nóc hầm tướng Đờ-Cát báo hiệu chiến thắng toàn diện: “Chiều 7/5, từ trong lòng đất, từng mảnh dù trắng dần trồi lên đi về chân cầu Mường Thanh ngày càng nhiều. Từ dưới các chiến hào, mọi người nhảy lên mặt đất reo hò mừng thắng lợi. Bất chợt nghĩ đến những đồng đội thân yêu đã ngã xuống, không thấy ngày toàn thắng mà rưng rưng nước mắt... Ngay sau đó, Bác Hồ gửi thư khen chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Thật không gì sung sướng hơn”!
Những giây phút bi tráng
Nhớ về Điện Biên không chỉ nhớ những chiến thắng oanh liệt, mà còn nhớ cả những mất mát hy sinh. Biết bao người đã nằm xuống để viết nên một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Sau những hào sảng với ký ức hào hùng, Đại tá Phạm Trung Đôi bỗng trầm ngâm và nói: “Đánh thắng trận Him Lam, Trung đoàn 88 của tôi nhận nhiệm vụ tiếp tục tiến công đồi Độc Lập và nhiều trận địa khác. Trận đánh đồi Độc Lập là trận đánh lịch sử và cũng là trận đánh có nhiều mất mát, hy sinh nhất, sau trận đánh cả trung đội của tôi chỉ còn 5 người”.
Ông Võ Đức Thi (85 tuổi) - khi ấy là y tá phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại: “Chiến trường ác liệt nên mọi việc cứu chữa thương binh phải diễn ra ngay trong hầm, dưới anh đèn măng-sông, hoặc “đèn điện” mà máy phát là một bình điện xe đạp quay bằng tay...”. Vì thế, dù được cứu chữa tận tụy nhưng thiếu dụng cụ y tế nên các bác sĩ đành phải thắt mạch máu để cầm máu. Máu không lưu thông được nên phần chân phía dưới bị hoại tử, phải cưa cẳng chân...” - ông Thi ngậm ngùi kể.
Nhớ về Điện Biên, ông Vũ Quang Lộc, nguyên chiến sĩ thông tin Tiểu đoàn 531, Đại đoàn 312 không quên những đồng đội đã nằm lại ở chiến trường. “Có đồng chí ở tiểu đội chúng tôi vừa nhận lệnh điều sang bộ binh hôm trước, hôm sau đã hy sinh”. Không ít lần chứng kiến cảnh đồng đội hôm trước còn ngủ cạnh nhau, đến khi hết trận thì đã không còn...
Ông Lê Đình Niêm thuộc Đại đội 13, Trung đoàn 176, Đại đoàn 316 người từng chiến đấu bị thương rồi chuyển sang làm công tác thương binh, tử sĩ cho biết, những ngày đánh đồi A1, quân ta hy sinh và bị thương rất nhiều. “Hồi ấy, ai ra trận trong túi cũng có mảnh giấy ghi lại tên tuổi, quê quán, đơn vị và địa chỉ cần báo tin. Tôi đi lục túi anh em chiến sĩ đã hy sinh mà lòng quặn thắt, bởi nhiều người còn quá trẻ, nhiều người thân thể không còn nguyên vẹn...”, ông Niệm nhớ lại.
Hơn 63 năm đã trôi qua kể từ khi chiến thắng Điện Biên Phủ vang vọng khắp thế giới, đạp tan chủ nghĩa thực dân của Pháp, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa luôn bộc lộ lý tưởng sống, chiến đấu rất cao đẹp. Được gặp lại các chiến sĩ Điện Biên Phủ năm ấy đối với những người trẻ như tôi là một sự may mắn. Được trò chuyện, được chia sẻ những ký ức bi tráng, hào hùng của những những người lính Điện Biên Phủ cuối cùng còn sót lại càng thấy trân quý hơn những giá trị mà thế hệ cha ông gây dựng.
Chợt nhớ đến câu nói của Pavel Coocsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” (N.A.Ostrovsky): “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận...”. Chính những con người bình dị mà anh dũng ấy đã làm nên những trang sử chói lòa, mà như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ/Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi”. Tự hào thay Điện Biên, tự hào thay Việt Nam!