Trước tình trạng diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 21/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đi kiểm tra công tác phòng chống sởi tại TP HCM.
Cần tiêm vắc xin cho người thuộc diện tiêm chủng
Theo Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM Lê Thị Hồng Nga, các quận có số ca cao nhất của TP HCM là các quận có khu công nghiệp như: Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức… Về độ tuổi, số ca bệnh chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi. Theo thống kê, có 4,8% số ca bệnh là trẻ dưới 9 tháng tuổi. Số trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh chiếm 60%.
Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, một trong những bệnh viện tiếp nhận nhiều ca mắc sởi tại TP HCM nhất, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận 1.025 ca khám ngoại trú bệnh sởi. Nhập viện nội trú là 645 trường hợp. Đáng lưu ý là có những ca người lớn mắc sởi trên bệnh nền, khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Thậm chí là có nhiều phụ nữ mang thai mắc sởi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.
Đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết, đây là năm đầu tiên bệnh viện tiếp số ca mắc sởi ở cả người lớn và trẻ em nhiều như vậy, với tỷ lệ người lớn và trẻ em đang tương đồng nhau 50 - 50. Trong số các ca điều trị tại bệnh viện này, có 66% bệnh nhân ngụ tại TP HCM, còn lại chủ yếu là Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
Số ca biến chứng phải thở máy, chiếm 27% các bệnh nhân được điều trị nội trú. Bệnh viện đã dành 2 khoa để tiếp nhận bệnh nhân mắc sởi, gồm người lớn và trẻ con tách biệt.
Tại buổi làm việc sáng 21/1, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết, thời điểm cao điểm nhất có 50 bệnh nhi mắc bệnh sởi nặng điều trị tại Khoa Nhiễm thần kinh. Hiện khoa đang có 30 ca, một số ca biến chứng viêm phổi.
Hầu hết các bé đều dưới 5 tuổi và có 60% ca là từ tuyến tỉnh chuyển lên. Theo các bác sĩ đánh giá, đa số các ca mắc sởi là không tiêm chủng. Nhiều trường hợp phường, trường học đã có thông báo cụ thể đến tận các phụ huynh nhưng một số người vẫn kiên quyết không cho con đi tiêm.
Hiện tại Hà Nội dịch sởi cũng đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trong những tháng đầu năm nay. Bệnh lây lan mạnh từ người sang người qua đường hô hấp, không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi mà có cả ở phụ nữ mang thai.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế), năm 2018 Hà Nội ghi nhận 553 ca sởi trong 862 bệnh nhân sốt phát ban. Trong số này có 162 trường hợp chưa đủ tuổi tiêm chủng, 84 bé đã tiêm ít nhất được một mũi vắcxin sởi.
Các bệnh nhân còn lại đều chưa được tiêm phòng hoặc người lớn không nhớ rõ tiền sử tiêm phòng. Báo cáo gần đây nhất của Sở Y tế TP Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 7 đến 13-1), trên địa bàn TP ghi nhận thêm 9 trường hợp mắc sởi đầu tiên trong năm 2019.
Không tích cực tiêm phòng dễ tái diễn dịch
Các bác sĩ nhìn nhận, do nhiều người chủ quan bệnh sởi đã được khống chế, tiêm phòng là thừa, không có tác dụng hoặc một số phụ huynh lo sợ các bé gặp phản ứng phụ khi tiêm nên không tiêm phòng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM khẳng định, vắc-xin sởi có tác dụng tăng cường miễn dịch. Đây là vắc-xin lành tính nên cha mẹ có thể yên tâm.
Năm nay, bệnh không chỉ ở trẻ em vẫn có người trên 16 tuổi cũng mắc bệnh sởi. Số trẻ 6 - 10 tháng tuổi mắc bệnh do kháng thể của mẹ trong thời điểm trẻ ở độ tuổi này đã giảm, miễn dịch sởi của mẹ không còn đủ để truyền cho con.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cảnh báo, diễn biến thời tiết như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sởi phát triển. Hơn nữa, do lo ngại các phản ứng sau tiêm chủng, nên không ít phụ huynh không cho con tiêm chủng đầy đủ.
Trước tình hình này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tập trung nguồn lực trong việc phòng, chống, điều trị bệnh sởi, đặc biệt phải phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo mức độ bệnh, tổ chức phân luồng, không để quá tải lên tuyến trên và không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bộ Y tế đánh giá nếu tiêm không đủ liều hoặc tiêm trong tình trạng cơ thể không đáp ứng miễn dịch thì vẫn có thể mắc bệnh. Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi cho những vùng có nguy cơ cao đang được triển khai mạnh.
Đồng thời, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ nhằm tránh nguy cơ mắc sởi. Tại các tỉnh phía Nam, chỉ trong tháng đầu năm, nhiều ca mắc sởi cũng gia tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày tại Đồng Nai có từ 3 - 5 trẻ mắc sởi. Đa số là có biến chứng viêm hô hấp.
Bên cạnh đó, nếu các địa phương không tăng cường kiểm soát dịch bệnh, nguy cơ dịch bùng phát trong thời gian tới đây, đặc biệt là tại các cửa khẩu và những khu vực có sự giao thương lớn. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân và các địa phương cần tiếp tục tăng cường tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ dưới 5 tuổi và những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dự báo dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm nay và đầu năm 2019. Đáng lo ngại là tình hình có thể trầm trọng vì đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong ở Hưng Yên.
Theo các chuyên gia tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng tại đây chỉ tiếp nhận khoảng 10 trường hợp điều trị sởi, thì gần đây có ngày đã tiếp nhận 3-4 ca mắc. Đặc biệt, các ca bệnh chủ yếu là người lớn.
Xét theo lứa tuổi sinh học, đây là giai đoạn con người có lỗ hổng miễn dịch khi kháng thể kháng bệnh yếu đi hoặc không còn. Thậm chí, nhiều bệnh nhân không nhớ rõ trước đây đã tiêm phòng hay chưa.
Hai yếu tố khiến các chuyên gia lo ngại dịch sởi bùng phát dịp Tết là mùa đông xuân có nhiều hoạt động giao lưu, du lịch. Cộng với tỷ lệ tiêm vắcxin chưa cao ở một số khu vực trong khi dịch sởi có chu kỳ quay lại sau 4-5 năm một lần. Điển hình như năm 2014 dịch sởi đã bùng phát và lan rộng ở các tỉnh phía Bắc.
Dấu hiệu của bệnh là sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Bệnh sởi khiến đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm nên trẻ dễ mắc các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, mù mắt do loét giác mạc, suy dinh dưỡng nặng... Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có nguy cơ sảy thai, đẻ non.
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine sởi, vệ sinh mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh.
Hạn chế tập trung đông người, ít tiếp xúc với người bệnh hay nghi bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hoặc phát ban.
Cha mẹ và người thân trong gia đình phải thực hiện rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi chưa cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, đối với gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần đưa trẻ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, phải đảm bảo trẻ được tiêm mũi vắc xin phòng ngừa sởi khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng.
Nếu phát hiện trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi an toàn và hiệu quả nhất. Đặc biệt, tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây có thể dùng Globulin miễn dịch để phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh.
Cần vệ sinh cá nhân và môi trường sinh hoạt thường ngày. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, cách ly trẻ bệnh với trẻ lành. Đảm bảo tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.
Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ bệnh sởi. Bên cạnh đó, tránh tối đa việc dụi mắt, mũi; vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày; lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.