Làm rõ dấu hiệu lừa đảo, trách nhiệm người liên quan
Ông Nguyễn Đình Tịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) cho biết, sự việc “1 tài sản, 3 lần mở thừa kế” xảy ra tại xã Tu Tra là hy hữu, hệ quả pháp lý phức tạp, khó khăn trong khắc phục hậu quả.
Ông Tịnh cho biết, từ khi tiếp nhận đơn thư công dân, UBND huyện đã rốt ráo chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác minh làm rõ, họp hội đồng tư vấn pháp luật tìm phương án xử lý. Qua đánh giá ban đầu cho thấy sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể là hành vi của ông Ya Tiến (SN 1985, con rể bà Ma Greo - người đứng tên “sổ đỏ” ban đầu).
Theo hồ sơ, ông Ya Tiến đã thực hiện thủ tục thừa kế hai lần, lập thủ tục cấp lại “sổ đỏ” nhưng lại lập văn bản thừa kế tại 2 nơi khác nhau, một lần tại Văn phòng Công chứng (VPCC), một lần tại UBND xã. Trong đó một lần ông này trực tiếp là người nhận thừa kế “Sổ đỏ” V162967 đứng tên mẹ vợ vào năm 2016, còn 1 lần nộp hồ sơ thừa kế cho bố vợ. Trong khi đó “Sổ đỏ” V162967 đã bị UBND huyện huỷ vào năm 2014 sau khi gia đình bà Ma Greo báo mất “sổ đỏ”, làm thủ tục thừa kế cấp thành 2 “sổ đỏ” cho 2 con gái bà Ma Greo. Ngoài ra, ông Ya Tiến là con rể, không thuộc đối tượng thừa kế trong trường hợp này.
“Vụ việc có dấu hiệu hành vi lừa đảo, ông Ya Tiến thực hiện công chứng, chứng thực văn bản thừa kế tại nhiều nơi khác nhau một cách có chủ đích. Trong khi đó, dữ liệu lưu trữ giữa UBND xã và hệ thống VPCC chưa tích hợp nên khó phát hiện”, ông Tịnh nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch huyện, trước mắt huyện chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để làm rõ dấu hiệu tội phạm. Tiếp đó sẽ làm rõ trách nhiệm cũng như có biện pháp xử lý với các tổ chức, cá nhân liên quan dẫn tới vi phạm. “Bước đầu, UBND huyện giao Phòng TN&MT chủ trì, làm việc với cơ quan chuyên môn và đã xác định trách nhiệm các đơn vị liên quan. Sau khi có kết quả điều tra, chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này hơn”, ông Tịnh cho hay.
Về định hướng giải quyết sự việc, theo ông Tịnh, trong 3 lần người nhà làm thủ tục thừa kế tài sản của bà Ma Greo thì lần thừa kế đầu tiên là đúng quy định, do đó địa phương đang xem xét chỉ công nhận 2 “sổ đỏ” được cấp đổi trong lần thừa kế này. Còn những “sổ đỏ” khác phát sinh từ những lần thừa kế về sau sẽ không có giá trị pháp lý. “Tổ chức, cá nhân nào làm sai thì xử lý trách nhiệm, xem xét cả trách nhiệm bồi thường nhà nước. Trong thời gian chờ kết luận chính thức, các “sổ đỏ” liên quan đều đã bị dừng mọi giao dịch cầm cố, thế chấp…”, ông Tịnh nói.
Khó khắc phục hậu quả
Như PLVN đã phản ánh, từ một “Sổ đỏ” V162967 đứng tên bà Ma Greo ban đầu, người nhà bà này nhiều lần thực hiện thủ tục thừa kế, cấp đổi thành 4 “sổ đỏ” mới. Hệ lụy càng phức tạp khi các “sổ đỏ” phần lớn đã được chuyển nhượng qua nhiều người, thực hiện thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng khác nhau.
Trong lần thừa kế đầu tiên, hai người con gái bà Ma Greo được cấp 2 “sổ đỏ” mới, hiện 1 “sổ đỏ” đang chế chấp tại ngân hàng vay 500 triệu đồng.
Trong lần đăng ký nhận thừa kế thứ hai, dù “Sổ đỏ” V162967 đã bị huỷ từ năm 2014 nhưng con rể bà Ma Greo là ông Ya Tiến vẫn thực hiện thủ tục thừa kế. Tháng 4/2018, vợ chồng ông Ya Tiến, bà Mi La thế chấp “Sổ đỏ” V162967 tại chi nhánh một ngân hàng ở huyện Đơn Dương vay 400 triệu đồng. Do vợ chồng ông Ya Tiến không thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi quá hạn cho ngân hàng nên tài sản bị bán đấu giá, ông Năng trúng giá với số tiền 982 triệu đồng.
Trong lần nhận thừa kế thứ ba, chồng bà Ma Greo là ông Ya Bọ được cấp 2 “sổ đỏ” mới. Hiện 1 “sổ đỏ” đang thế chấp tại ngân hàng vay 1 tỷ đồng, một “sổ đỏ” đã được ông Ya Bọ bán qua tay 3 người, đều có cập nhật trang IV trong “sổ đỏ”.
Được biết, trước khi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, UBND huyện đã nỗ lực để các bên liên quan tìm được tiếng nói chung, khắc phục hậu quả nhưng không đạt được mong muốn.
Cụ thể, UBND huyện đã giao Phòng TN&MT, UBND xã Tu Tra cùng các cơ quan, đơn vị mời hộ gia đình ông Ya Bọ, Ya Tiến, Mi La, Mơ Tui Ma Nêu đến làm việc, vận động khắc phục hậu quả tiền lãi và gốc gia đình đã vay tại các ngân hàng hiện nay chưa thanh toán và số tiền ông Nguyễn Văn Năng mua trúng đấu giá “Sổ đỏ” V162967 cấp sai quy định mà ông Ya Tiến đã thế chấp tại ngân hàng. Phía vợ chồng ông Ya Tiến trình bày có nguyện vọng lấy lại đất đã bị bán đấu giá, hứa khắc phục hơn 1,4 tỷ tiền nợ tại các ngân hàng trong vòng 6 tháng sau khi bán một mảnh đất ở xã Tu Tra, nhưng không chứng minh giấy tờ thuộc quyền sử dụng đất theo đúng quy định, vì vậy cam kết khắc phục hậu quả là không có cơ sở.
“Do sự việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và việc khắc phục hậu quả của gia đình ông Ya Tiến không có cơ sở nên UBND huyện chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an huyện để tiến hành điều tra và giải quyết theo quy định pháp luật”, ông Tịnh nói.