1 tài sản, 3 lần mở thừa kế, sổ đỏ "lọt cửa" nhiều cơ quan chuyên môn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), sau khi người đứng tên qua đời, người thân 3 lần thực hiện thủ tục thừa kế, cấp đổi thành 4 GCN mới và vẫn sử dụng GCN đã bị hủy bỏ để mang thế chấp ngân hàng. Các GCN tiếp tục “lọt cửa” nhiều cơ quan chuyên môn để đăng ký thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng khác. Sự việc chỉ vỡ lở khi một người dân mua trúng đấu giá đất, quá trình hoàn thiện thủ tục mới phát hiện, hệ quả pháp lý hết sức phức tạp.

Phát hiện sự việc sau khi mua trúng đấu giá đất

Sự việc được phát hiện khi ông Nguyễn Văn Năng (SN 1982, ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng) vào tháng 2/2022 trúng đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) 10.729m2 đất thuộcmột phần thửa 02 theo GCN số V162967 được UBND huyện Đơn Dương cấp ngày 21/8/2003 tại thôn K’Lót, xã Tu Tra, và tài sản trên đất là căn nhà cấp 4C rộng 24m2.

Tài sản đấu giá trên được vợ chồng ông Ya Tiến, bà Mi La (thôn K’Lót) thế chấp tại chi nhánh một ngân hàng tại địa phương vay 400 triệu đồng. Tài sản này sau đó bị bán đấu giá sau khi có quyết định của TAND huyện năm 2020. Sau đó Chi cục THADS huyện ban hành các quyết định thi hành án (THA), quyết định cưỡng chế kê biên QSDĐ và tài sản gắn liền với đất; được Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh bán đấu giá theo quy định.

Tháng 3/2022, Chi cục THADS huyện có Quyết định 04/QĐ-CCTHADS giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá. Nhưng bên đứng tên không tự nguyện THA nên ngày 12/4/2022 Chi cục THADS huyện ra quyết định cưỡng chế thi hành.

Ông Năng trình bày, thời điểm cơ quan chức năng cưỡng chế giao tài sản, do trên đất có hoa màu đang thu hoạch nên ông đồng ý chờ đợi để chủ đất cũ thu hoạch xong sẽ nhận bàn giao toàn bộ. Nhưng từ đó đến nay, chủ đất cũ vẫn không giao đất. “Đến nay chủ đất cũ vẫn canh tác trên đất tôi trúng đấu giá. Trong một lần xuống thăm đất, ông Ya Tiến ngăn cản tôi, nói rằng thửa đất có nhiều GCN khác rồi đưa một bản photocopy GCN ra”, ông Năng kể. Hơn năm nay, ông Năng vừa đề nghị cơ quan chức năng làm thủ tục giao tài sản trúng đấu giá và làm rõ chuyện có nhiều GCN trên 1 thửa đất.

Thửa đất có nhiều GCN.

Thửa đất có nhiều GCN.

Ngày 18/4/2023, UBND huyện giao Phòng TN&MT kiểm tra, xác minh sự việc. Ngày 22/5, Phòng TN&MT có Báo cáo số 50/BC-TNMT, nêu diễn biến sự việc.

Ngày 23/6/2003, UBND huyện cấp GCN V162967 gồm 2 thửa: Thửa 02 tờ bản đồ 66 diện tích 12.300m2 ; thửa 126, tờ bản đồ 50 diện tích 2.123m2 CLN; đứng tên bà Ma Greo (thôn K’Lót).

Sau khi bà Ma Greo qua đời năm 2013, GCN trên được người nhà 3 lần làm thực hiện thủ tục thừa kế vào các năm 2014, 2016, 2018, cụ thể:

Lần thứ nhất, năm 2014, người nhà báo mất GCN V162967 đồng thời làm thủ tục thừa kế cho 2 con gái Mi La và Mơ Tui Ma Nêu. Văn bản phân chia di sản thừa kế được UBND xã chứng thực. Ngày 27/12/2014, UBND huyện có Quyết định 1070/QĐ.UBND hủy GCN V162967 do thất lạc, đồng thời cấp lại cho bà Mi La GCN BY157311 GCN thửa 02, tờ bản đồ 66. GCN này đang được thế chấp tại chi nhánh một ngân hàng tại huyện Đức Trọng. Còn bà Ma Nêu được cấp GCN BY157312 thửa 126, tờ bản đồ 50. Quá trình thực hiện hồ sơ có chỉnh lý sổ cấp GCN lưu tại văn phòng.

Sự việc được phát hiện bởi ông Năng là người mua trúng đấu giá tài sản.
Sự việc được phát hiện bởi ông Năng là người mua trúng đấu giá tài sản.

Lần thứ hai, ngày 30/8/2016, con rể bà Ma Greo là ông Ya Tiến (SN 1985) nộp hồ sơ thừa kế, có văn bản phân chia di sản thừa kế với GCN V162967 (đã bị UBND huyện hủy - PV). Đến ngày 31/8/2016, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện xác nhận trang IV GCN, thừa kế cho ông Ya Tiến.

Lần thứ ba, ngày 16/7/2018, chồng bà Ma Greo là ông Ya Bọ làm thủ tục nhận thừa kế. Văn bản phân chia di sản thừa kế cũng được UBND xã chứng thực. Hồ sơ được Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện thẩm định, chuyển lên VPĐKĐĐ tỉnh thẩm tra, trình Sở TN&MT ký cấp 2 GCN cho ông Ya Bọ gồm CM290785 thửa số 126, tờ bản đồ 50 và GCN CM290786 thửa số 02, tờ bản đồ 66.

Hệ lụy pháp lý phức tạp

Như vậy, từ một GCN V162967 ban đầu, người nhà bà Ma Greo nhiều lần thực hiện thủ tục thừa kế, cấp đổi thành 4 GCN. Hệ luỵ sự việc càng phức tạp khi các GCN phần lớn đã được chuyển nhượng qua nhiều người, thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Trước tiên, trong lần thừa kế đầu tiên, từ GCNV162967, hai người con gái được cấp 2 GCN mới gồm GCN BY157311 với thửa 02 cho bà Mi La; GCN BY157312 với thửa 126 cho bà Mơ Tui Ma Nêu. Hiện GCN BY157311 đang thế chấp tại một ngân hàng vay 500 triệu đồng.

Tiếp đó, trong lần đăng ký nhận thừa kế thứ hai, dù GCN V162967 đã bị hủy từ năm 2014 nhưng con rể bà Ma Greo là ông Ya Tiến vẫn thực hiện thủ tục thừa kế. Tháng 4/2018, vợ chồng ông Ya Tiến, bà Mi La thế chấp GCN V162967 tại chi nhánh một ngân hàng ở huyện Đơn Dương vay 400 triệu đồng. Do vợ chồng ông Ya Tiến không thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi quá hạn nên tài sản bị bán đấu giá, và ông Năng trúng đấu giá với số tiền 982 triệu đồng.

Tiếp nữa, trong lần nhận thừa kế thứ ba, từ GCN V162967, chồng bà Ma Greo là ông Ya Bọ được cấp 2 GCN mới CM290785 và CM290786, cả hai GCN được thế chấp tại một ngân hàng, sau đó ông Ya Bọ rút GCN CM290785 (thửa 126) bán cho một người đàn ông ngụ Ninh Thuận, được Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện xác nhận trang IV ngày 17/8/2020. Thửa đất này hiện đã được chuyển nhượng tiếp cho 2 người khác, đều được xác nhận trang IV. Còn GCN CM290786 đang thế chấp tại một ngân hàng cho khoản vay 1 tỷ đồng.

Như vậy, các GCN bị cấp trùng trên các thửa đất số 02 và số 126 được thế chấp tại 3 ngân hàng khác nhau để vay tổng số tiền 1,9 tỷ đồng. Trong đó 1 GCN đã hoàn thành bán đấu giá xử lý nợ xấu (nhưng người trúng đấu giá vẫn chưa được bàn giao tài sản - PV), 1 GCN khác đã qua 3 giao dịch chuyển nhượng và đều được Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện xác nhận chuyển nhượng tại trang IV (cập nhật trang IV).

Câu hỏi đặt ra là tại sao những người mở thừa kế, thực hiện thế chấp tài sản vay vốn lại “lọt” qua nhiều cửa như vậy? Trách nhiệm các đơn vị liên quan ra sao? PLVN sẽ tiếp tục làm rõ trong các số báo sau.

Đọc thêm