Như PLVN đã phản ánh, ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Bí thư Bến Cát, Bình Dương) bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức cho hai cán bộ Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Do hồ sơ vụ án nhiều thiếu sót, mới đây HĐXX phiên sơ thẩm đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Ba lần xin bảo lãnh đều bị im lặng
Sau khi TAND tỉnh Bình Dương tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung năm vấn đề vào lúc 16h00 ngày 24/12/2019; ngay lập tức VKSND tỉnh Bình Dương cũng có quyết định trả hồ sơ cho CQĐT Công an Bình Dương. Khoảng 19h ngày 24/12/2019, CQĐT ra quyết định gia hạn tạm giam ông Khanh một tháng để thực hiện điều tra bổ sung.
Trước đó, sau khi có kết luận điều tra (KLĐT) vào tháng 3/2019, giữa tháng 4/2019 VKS trả hồ sơ điều tra bổ sung một số vấn đề. Ngày 21/6/2019 có KLĐT bổ sung. Đúng ba ngày sau, VKSND tỉnh Bình Dương ra cáo trạng và một ngày sau chuyển hồ sơ đến TAND tỉnh Bình Dương để xét xử. Điều bất thường là dù VKS yêu cầu điều tra bổ sung nhưng tình tiết bổ sung lại không được nhắc đến trong cáo trạng.
Ngày 27/12/2019, bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Khanh) và ông Nguyễn Thanh Sang (SN 1980, em ông Khanh, hiện đang là công chức nhà nước, công tác tại Bưu điện) có đơn xin bảo lãnh cho ông Khanh.
Bà Phương Anh kể: “Đây là lần thứ ba chúng tôi có đơn xin bảo lãnh. Hai lần trước, một lần gửi CQĐT và một lần gửi cho VKS. Tuy nhiên, CQĐT im lặng, không trả lời. Còn VKS có trả lời rằng “hồ sơ đã chuyển trả CQĐT” (thời điểm trả vào tháng 4/2019) nên yêu cầu chúng tôi liên hệ công an. Lần này, chúng tôi gửi hai nơi nhưng 10 ngày trôi qua chưa thấy hồi âm”.
Trong đơn, bà Phương Anh nêu ra các căn cứ pháp lý cho thấy việc cho chồng mình tại ngoại là có căn cứ. Thứ nhất, ông Khanh có địa chỉ cư trú và lý lịch rõ ràng, từ khi bị bắt tạm giam đến nay không vi phạm, khai báo rõ ràng.
Thứ hai, đến nay chưa có căn cứ chứng minh và CQĐT chưa nêu được việc ông Khanh phạm tội với vai trò đồng phạm, giúp sức là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay gì khác?
Thứ ba, sức khỏe ông Khanh hiện rất yếu. Tại phiên sơ thẩm bị trả hồ sơ mới đây, ông Khanh không thể đứng được, tai bị điếc nặng, có biểu hiện tai biến mạch máu não.
“Vì thế, để đảm bảo cho chồng, cho anh chúng tôi có thể đủ sức khỏe cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thì cần phải được chăm sóc hỗ trợ điều trị tại nhà”, đơn bảo lãnh nêu.
Vợ và em trai ông Khanh cam kết nếu được tại ngoại, ông Khanh sẽ chấp hành có mặt theo giấy triệu tập, không đi khỏi nơi cư trú, không thực hiện các hành vi làm ảnh hưởng đến vụ án.
“Tôi không hiểu tại sao họ im lặng? Phải chăng vụ án có nhiều khuất tất, nên họ không cho tại ngoại?”, vợ ông Khanh nói.
Tại sao cố giam người bệnh nặng?
Nhận định việc tiếp tục tạm giam ông Khanh, các luật sư (LS) cho rằng không cần thiết và có dấu hiệu vi phạm thời hạn. LS Lê Thị Minh Nhân (Đoàn LS TP HCM), nói: “Căn cứ Điều 119 quy định về tạm giam và Điều 121 quy định về bảo lãnh của Bộ luật TTHS năm 2015, tôi khẳng định có đủ cơ sở để cho ông Khanh tại ngoại, nhưng không hiểu vì lý do gì CQĐT lại im lặng? CQĐT Công an tỉnh Bình Dương không trả lời đơn của người thân ông Khanh là vi phạm. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng VKS Bình Dương cũng không hề thực hiện quyền kiểm sát”.
Theo LS Nhân, trước khi bị bắt, ông Khanh bị tai biến phải uống thuốc thường xuyên và bị viêm tai giữa nặng: “CQĐT Công an Bình Dương trong vụ này có dấu hiệu không hành xử đúng cả lý và tình. Trong thời gian bị tạm giam, ông Khanh tiếp tục bị tai biến và biến chứng là méo miệng. Tuy nhiên công an không báo với thân nhân để có biện pháp hoặc gửi thuốc vào. Đến khi luật sư dự cung, thấy sự việc thì người thân ông Khanh mới biết và gửi thuốc vào. Tai biến rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhưng CQĐT và VKS làm như vậy là thờ ơ, bỏ mặc”.
Vẫn lời LS Nhân, hiện cần thiết phải cho ông Khanh tại ngoại. Qua diễn biến phiên tòa bị trả hồ sơ, dấu hiệu oan sai của ông Khanh rất rõ ràng. “Để tránh hậu quả nghiêm trọng sau này, phải cho ông Khanh tại ngoại”, LS Nhân nói.
Ông Khanh bị tạm giam đã 17 tháng là quá thời gian tạm giam theo quy định về điều tra, truy tố, xét xử. “Ông Khanh không có dấu hiệu bỏ trốn. Bằng chứng là suốt hai năm điều tra (2016-2018), ông Khanh vẫn ở địa chỉ thường trú và nơi làm việc, có mặt đầy đủ khi bị triệu tập; không có dấu hiệu cản trở hoặc can thiệp vào quá trình điều tra, xét xử”, LS Nhân nói.
Ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị kiểm tra sự việc
Cùng quan điểm nên cho ông Khanh tại ngoại, LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM), nói: “Lý do nhân đạo là ông Khanh đang bệnh nặng. Có thể thấy đó là việc bị tai biến, tai điếc, chân đi lại khó khăn. Những chứng bệnh mà ông Khanh đang mắc phải, liên quan rất lớn đến trí não. Tôi thấy cần phải cho ông Khanh tại ngoại để chữa trị, để quá trình điều tra, truy tố, xét xử không bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
|
Ban Dân nguyện Quốc hội đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao kiểm tra lại vụ án |
Về việc CQĐT im lặng, không trả lời, LS Nghĩa đánh giá dấu hiệu vừa trái luật, vừa thiếu nhân đạo. “Tiếp tục tạm giam ông Khanh là không cần thiết. Nhất là với một vụ án mà ông Khanh chỉ bị cáo buộc là đồng phạm và có nhiều dấu hiệu bị oan sai. Sắp đến Tết, tôi mong rằng CQĐT Công an Bình Dương sẽ có một quyết định hợp tình, hợp lý chứ không phải im lặng bất thường như thời gian qua”, LS Nghĩa nói.
Vợ ông Khanh đã có hàng chục đơn gửi các cơ quan Trung ương kêu oan cho chồng. Mới đây, Ban Dân nguyện Quốc hội đã có Công văn số 01/BDN ngày 2/1/2020 gửi đến Viện trưởng VKSND Tối cao. Theo đó, Ban Dân nguyện nhận được đơn của bà Phương Anh về việc cơ quan tố tụng Bình Dương bắt giam và truy tố ông Khanh trong vụ án là không có căn cứ, làm oan người vô tội.
Ban Dân nguyện đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, chỉ đạo kiểm tra toàn bộ vụ việc, một cách khách quan và công bằng, đúng quy định pháp luật, tránh làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, trả lời công dân và thông báo đến Ban Dân nguyện để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.