Câu chuyện Việt Nam không ngừng mơ ước…
Xuyên suốt 2 phiên thảo luận của Diễn đàn về "Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập" và "Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình (TNTB)", các câu hỏi được đưa ra là: “Phải lựa chọn những ưu tiên gì để thực hiện? Và cần hành động thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra?”.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng đã hoan nghênh và trân trọng những ý kiến tham luận, phát biểu hết sức ý nghĩa, tâm huyết, xây dựng của các đại biểu. Không nhắc lại những con số, Thủ tướng bất ngờ chia sẻ câu chuyện về “một Việt Nam không ngừng mơ ước”. Thủ tướng cho biết, vào những thập niên đầu sau chiến tranh, Việt Nam khi đó còn muôn vàn khó khăn, tỷ lệ nghèo đói rất cao, những gia đình chỉ mơ ước có được bữa cơm no, có áo mặc ấm, con em được đến trường học hành tử tế, một cuộc sống không còn đói rét và vất vả.
Từ năm 1986, công cuộc đổi mới lan tỏa sâu rộng, đã chắp cánh cho bao giấc mơ được hiện thực hóa. Để rồi hơn 70 triệu người trong những thập niên sau đó đã vươn lên vượt qua cái đói, cái nghèo, muôn nhà ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như chính mong ước bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo ở mức rất cao là 53% năm 1992 (tính theo mức 1,9 USD/ngày và theo tỷ giá PPP năm 2011), giảm 10 lần còn 5,23% năm 2018, theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời tầng lớp trung lưu cũng tăng lên hơn 15% dân số và đang tăng nhanh. “Xét về quy mô dân số, có thể nói rằng đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước. Những trẻ em sinh ra từ thập niên đầu đổi mới nay đã trưởng thành.
“Có những ước mơ trong họ nay đã thành hiện thực, nhiều người có thể đã là thầy cô giáo, bác sỹ, kỹ sư, luật sư, ca sỹ, vận động viên… song có thể vẫn còn đó nhiều ước mơ dang dở với nhiều day dứt. Những con trẻ ngày nay đang lớn lên trong điều kiện cuộc sống tốt đẹp hơn trước và có những ước mơ tiếp nối mơ ước của các bậc cha mẹ, thế hệ đi trước với những khát vọng bay cao hơn, vươn xa hơn. Chúng ta có vinh dự, trách nhiệm để nuôi dưỡng, tiếp sức cho những ước mơ đó trở thành hiện thực…”- Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời nêu rõ những vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt, buộc phải vượt qua.
Đó là những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro như các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy TNTB và tụt hậu còn cao. Năm 2018, dân số nước ta đứng thứ 3 trong ASEAN, nhưng quy mô kinh tế là thứ 6…
“Những hạn chế yếu kém đó không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, ước mơ mà phải hành động, phải vươn lên mạnh mẽ và trong tiến trình còn nhiều gian khó thách thức này rất mong có sự hợp tác, đồng hành của quý vị và cộng đồng quốc tế!”- Thủ tướng bày tỏ.
Tăng cường tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Bày tỏ tâm huyết với ý kiến của các diễn giả tại Diễn đàn, Thủ tướng chia sẻ: Thời gian qua, tăng trưởng thương mại, GDP có phần do Việt Nam đã nỗ lực hợp tác FDI, tham gia các Hiệp định FTA quy mô lớn. Song Thủ tướng cho rằng DN nước ta chỉ mới thu được “tiền lẻ” khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu bởi chỉ mới có 21% DN Việt Nam tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33%, bởi vậy mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp.
“Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều DN đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhìn rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng DN và cả nền kinh tế...”, Thủ tướng khẳng định.
Ngay tại Diễn đàn, Thủ tướng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có TNTB cao vào năm 2030 và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng XHCN vào năm 2045.
Với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động”, VRDF 2019 chính thức diễn ra vào hôm qua, 19/9. VRDF 2019 diễn ra trong bối cảnh nước ta chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm lần thứ ba của mình cho thời kỳ 2011-2020 để bước sang một thập kỷ, kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội phát triển mới đi liền với nhiều thách thức lớn.
Do đó, VRDF 2019 được tổ chức sớm hơn VRDF 2018 nhằm mục đích thu nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín cho nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 2021-2020, phương hướng và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025) dự kiến trình Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng lần thứ 11 (Khóa XII) vào tháng 10 tới.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
“Việt Nam vẫn cần có những cải cách táo bạo…”
“Khi chúng ta đang hướng tới thập kỷ tới, tôi nhìn thấy nhiều cơ hội, nhưng tôi cũng thấy các rủi ro. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy biến động, khi các biên giới đang đóng lại và căng thẳng thương mại đang gia tăng. Đồng thời, những thay đổi công nghệ đang diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy – ví dụ như robot và in 3D. Những phát triển này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, vốn đã từng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại toàn cầu như một động lực tăng trưởng. Vào thời điểm, mô hình kinh tế của Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hoá nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất,…
Vì vậy, mặc dù Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của mình, vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro được nêu ở trên...”.