Xung lực của nền kinh tế
Trước khoảng 2.500 DN dự Diễn đàn KTTN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cùng với các tập đoàn kinh tế nhà nước, các DN đầu tư nước ngoài, các loại hình hợp tác xã và kinh tế hộ, KTTN nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế khi khu vực này đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.
“Nhiều DN tư nhân đã khẳng định giá trị thương hiệu của mình trên thị trường và được người dân trong nước tin tưởng. Nhất là, sau khi có Nghị quyết TƯ 5, Khóa XII về phát triển KTTN, mặc dù chưa có sự đánh giá tổng kết đầy đủ những kết quả đạt được, nhưng 2 năm qua chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân…”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, những kết quả này vẫn còn thấp so với tiềm năng. “Đúc kết thực tiễn ở các nước đã thành công trong cải cách kinh tế cũng cho thấy khu vực KTTN trong nước có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển. Các ngành, các cấp cần phải tìm cách kích hoạt vai trò này tốt hơn nữa….”- Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển, kiến tạo các lĩnh vực dựa trên động viên nguồn lực từ các DN tư nhân trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau (từ Sâm ngọc linh, tôm công nghệ cao, ngành gỗ, ngành lúa gạo, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô,…). “Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những DN có năng lực cạnh tranh toàn cầu...”- Thủ tướng quả quyết.
Thủ tướng cho rằng, những câu chuyện về KTTN, những tấm gương khởi nghiệp thành đạt chính là những xung lực rất lớn, làm nên quyết tâm hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm khơi dậy mọi tiềm năng khởi nghiệp của khu vực KTTN Việt Nam nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung trên con đường hiện thực hóa khát vọng và những mục tiêu chiến lược về một nước Việt Nam Độc Lập-Tự Cường và thịnh vượng vào năm 2045.
Hai vấn đề Thủ tướng gợi mở
Hai nhóm vấn đề của khu vực KTTN đã được Thủ tướng gợi mở tại diễn đàn. Thứ nhất, làm thế nào để các DN Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình DN nhằm phát huy lợi thế tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho cả xã hội? Thứ hai, làm sao có được đột phá thực sự ở các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh?
Ở nhóm vấn đề thứ nhất, Thủ tướng cho rằng đây là những vấn đề khó nhưng nếu có khát vọng, có sự đồng lòng, và có quyết tâm cao sẽ thành công. Thủ tướng nhấn mạnh đổi mới sáng tạo không phải chỉ liên quan đến công nghệ, mà liên quan đến tất các lĩnh vực khác như tư duy, suy nghĩ, cách thức chúng ta vận động và sản xuất.
Ở nhóm vấn đề thứ hai, Thủ tướng trăn trở khi cho rằng thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy đã có nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp, chưa thực sự kiến tạo cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ… “Vậy đâu thực sự là điểm nghẽn, giải pháp đột phá sắp tới là gì? Nhà nước, DN cần làm gì? Với lộ trình ra sao?”- Thủ tướng gợi mở và cho rằng còn nhiều câu hỏi quan trọng nữa mà các doanh nhân ngồi đây biết rõ hơn: “Chúng tôi ở đây để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quý vị…”- Thủ tướng bày tỏ.
Trước phiên toàn thể, trong buổi sáng đã diễn ra 6 Hội thảo chuyên đề và 1 Tọa đàm về những vấn đề nóng của nền kinh tế gồm Du lịch, Kinh tế số, CPTPP, Vốn - Tài chính, Nông nghiệp, Khởi nghiệp. Tại các hội thảo chuyên đề này, nhiều vấn đề được nêu lên nhằm kêu gọi sự đóng góp, hiến kế giải pháp của các chuyên gia, đại biểu...
Thông điệp 10 từ khóa …
Trong phiên đối thoại, người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra thông điệp 10 chữ đối với khu vực KTTN, đó là “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.
Về tạo bình đẳng, Thủ tướng cho rằng, trước hết KTTN bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực. Về từ khóa được “bảo vệ”, Thủ tướng nêu rõ là được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho KTTN.
Được “khích lệ” là được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các DN làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, cần lên án, đấu tranh đối với các DN làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật. Còn “Trao cơ hội” là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Thủ tướng đề cập đến việc đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho DN tư nhân phát triển bình đẳng.
Trước đề xuất của khu vực KTTN về việc Chính phủ cần có độ mở, cả về niềm tin, hỗ trợ để khuyến khích tiềm năng rất lớn trong việc thích ứng và nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Chúng ta có nhiều cơ hội cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp thành công”. Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế của chúng ta đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh và việc Chính phủ phải làm là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong đó, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với những cơ chế thông thoáng nhất. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia để tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công…
Diễn đàn đối thoại chính sách
Với chủ đề “Phát triển KTTN Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ” Diễn đàn KTTN 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế TW đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức diễn ra trong 2 ngày 2 và 3/5. Ngoài Phiên toàn thể, Diễn đàn gồm 6 Hội thảo chuyên đề và 1 Tọa đàm, hoạt động triển lãm và kết nối DN.
Điểm nổi bật của Diễn đàn lần này là Diễn đàn dành hầu hết thời gian cho đối thoại chính sách giữa đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khu vực KTTN nhằm tạo điều kiện cho đại diện các DN, hiệp hội ngành nghề phản ánh những khó khăn, vướng mắc và hiến kế, đề xuất các chính sách, giải pháp trong phát triển KTTN.
Tham gia đối thoại, trao đổi trực tiếp với các đại diện của khu vực KTTN tại Diễn đàn không chỉ có các Bộ trưởng, trưởng ngành, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và các cơ quan quản lý mà còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường.