Truyền thông Chính sách

Diễn đàn 'Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí'

(PLVN) - Ngày 29/9, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), trong khuôn khổ Gala báo chí lần thứ 5 năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Truyền thông chính sách- Góc nhìn từ các cơ quan báo chí”.
Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Thời gian qua, từ chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương đã ngày càng đặt truyền thông chính sách ở vị trí trung tâm trong công tác chỉ đạo điều hành.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế, cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ, ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.

Làm thế nào để truyền thông chính sách thực sự là nguồn lực cho sự phát triển; làm thế nào để báo chí thực sự phát huy hết vai trò của mình trong công tác truyền thông chính sách?. Từ mong muốn đi tìm lời giải cho những vấn đề này, Hội Nhà báo Việt Nam giao Báo Nhà báo & Công luận tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí”.

Tại diễn đàn, một trong những chủ đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận đó là làm thế nào để báo chí phát huy sức mạnh, thực sự là kênh chủ lực của truyền thông chính sách?

Phát biểu tại diễn đàn, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc cho rằng: Một chính sách ban hành phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xa rời thực tiễn thì chính sách sẽ không có đất sống. Để có chính sách phù hợp với thực tiễn và khả thi thì quá trình xây dựng chính sách từ ý tưởng, hình thành chính sách, lấy ý kiến, ban hành chính sách và đánh giá hiệu quả chính sách, rất cần sự vào cuộc của báo chí.

Thời gian qua, nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua diễn đàn báo chí là tiếng nói xây dựng, phản biện, giám sát, có vai trò quan trọng. Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của báo chí có vai trò quyết định, khi mà dự thảo chính sách không có sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân và xã hội; hoặc khi mà báo chí truyền tải mạnh mẽ sự đồng thuận cao của người dân và xã hội ủng hộ cho chính sách.

Theo một số ý kiến của các đại biểu tham dự diễn đàn, qua tiếng nói của báo chí, các cơ quan xây dựng chính sách có được nhiều chiều thông tin hữu ích, cả trong khâu xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Đơn cử, vừa qua, đã có hàng ngàn ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Đất đai được báo chí phản ánh; hay việc truyền thông lực lượng chức năng quyết liệt trong việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông uống bia, rượu góp phần giúp việc triển khai việc xử phạt hiệu quả, được dư luận ủng hộ.

Cũng theo các ý kiến tại Diễn đàn, ở chiều ngược lại, rất cần ở báo chí sự phản biện chính sách một cách chuyên nghiệp, khoa học, trên tinh thần xây dựng, tránh hiện tượng lợi dụng phản biện để “đánh đấm”, bảo vệ cho lợi ích nhóm. Mặt khác, cần hơn nhiều tiếng nói của báo chí để phản biện, định hướng dư luận, phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt, kích động trên không gian mạng như đang xảy ra hiện nay.

Thời gian tới, những thách thức đặt ra cho báo chí trong công tác truyền thông chính sách đó là việc báo chí phải đối mặt với các luồng thông tin trái chiều trên truyền thông xã hội, nơi mà giới trẻ và số lượng người dùng ngày càng gia tăng. Cùng với đó, nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động trong cung cấp thông tin cho báo chí; chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng thời, phóng viên cần trở thành những chuyên gia giỏi, có kiến thức, hiểu biết rộng.

Có thể khẳng định, lực lượng báo chí là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Báo chí đã làm tốt nhiệm vụ này. Nhưng trong bối cảnh mới, báo chí đang bị truyền thông xã hội giành giật người xem, người nghe, mất thị phần quảng cáo, đồng nghĩa với việc báo chí đang giảm sức lan tỏa chính sách tới công chúng; Báo chí cũng không còn là cầu nối duy nhất từ Chính phủ đến người dân.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách.

Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Để khắc phục những hạn chế này và phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách, các ý kiến tại diễn đàn cho rằng, trước hết báo chí tự thân phải đổi mới. Chuyển đổi số báo chí là con đường nhanh nhất để báo chí tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với công chúng báo chí, hướng tới mục tiêu là có trải nghiệm nội dung tốt hơn, từ đó truyền thông chính sách sẽ hiệu quả hơn. Nội dung truyền thông tốt nhưng phải được lan toả trên các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường tương tác.

Tại Diễn đàn các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi, thống nhất một số giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thực hiện truyền thông chính sách của báo chí, để truyền thông thực sự là nguồn lực quan trọng, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách, tạo đồng thuận trong xã hội, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ giá trị quốc gia, dân tộc từ những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đọc thêm