Điện gió ngoài khơi: Động lực mới cho ngành Dầu khí Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024, cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là phát triển các dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK).
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC. (Nguồn: PVN)
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC. (Nguồn: PVN)

Thế mạnh điện gió ngoài khơi của PVN

Trước những yêu cầu cấp bách về chống biến đổi khí hậu và cam kết đạt Net-zero của các quốc gia và các tập đoàn lớn, thế giới đang ghi nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển NLTT để thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch.

PVN cũng đang dịch chuyển mạnh theo xu thế này. ĐGNK nổi lên như một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn nhất. “Chuyển dịch năng lượng, trong đó ĐGNK đóng vai trò then chốt, là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược trên toàn cầu”, lãnh đạo PVN khẳng định.

Theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, đến năm 2030, công suất ĐGNK phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050, tổng công suất ĐGNK đạt 70.000 - 91.500MW.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, những kinh nghiệm trong hoạt động thăm dò, khai thác, thiết kế, thi công chế tạo các công trình biển, dịch vụ ngoài khơi, cơ sở vật chất, nguồn lực con người… là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí tham gia vào lĩnh vực ĐGNK. Việc này cũng góp phần tối ưu đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực quốc gia, gia tăng hiệu quả, giảm giá thành sản xuất.

Theo PVN, với sứ mệnh tiên phong trong lĩnh vực năng lượng, ngay từ năm 2019, PVN và một số đơn vị thành viên đã tập trung đánh giá, nghiên cứu vấn đề dịch chuyển năng lượng để điều chỉnh, bắt kịp các xu hướng, tận dụng tối đa thế mạnh. Trong đó, định hướng xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh, sạch thông qua nâng cao tỷ trọng khí, sản xuất H2 và phát triển ĐGNK.

Thời gian qua, các đơn vị của PVN như Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)... đã ký các biên bản ghi nhớ, biên bản bảo mật, hợp tác song phương, hợp đồng khảo sát, cung cấp dịch vụ với các chủ đầu tư ĐGNK trên thế giới. PVN đã nhận được rất nhiều đề xuất từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Equinor, Orsted, CIP, Macquarie… để liên kết phát triển các dự án ĐGNK tại Việt Nam.

Không gian phát triển mới cho ngành Dầu khí

Năng lực của PVN trong lĩnh vực ĐGNK đã được chứng minh trong những năm gần đây, khi PTSC - đơn vị thành viên của Tập đoàn, đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ điện gió, ĐGNK cho nhiều nhà thầu trong và ngoài nước và đã đạt được những thành công hiện hữu.

Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho biết, đơn vị có hơn 30 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các dự án dầu khí lớn trong nước và quốc tế. Trong đó, với lĩnh vực cơ khí dầu khí đã có hơn 100 dự án được thực hiện thành công ở trong và ngoài nước; đặc biệt, các dự án PTSC trúng thầu quốc tế là những dự án đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, tiến độ.

Đến nay, PTSC đã trúng thầu hơn 10 dự án ĐGNK với tổng công suất phát điện là 5,2GW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD, với việc cung cấp hầu hết các công đoạn dịch vụ cho các dự án ĐGNK, bao gồm công tác khảo sát, thiết kế, mua sắm, thi công chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa. 100% là các dự án xuất khẩu, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hơn 4.000 người lao động.

Với hơn 3.200km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, lên tới 599GW. Khi nguồn năng lượng mới này được khai thác hiệu quả, Việt Nam có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

PVN đánh giá, Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 24/4/2024 đã mở ra con đường lớn giúp PVN có thể chủ động xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển ngành công nghiệp ĐGNK, góp phần đưa Việt Nam vươn lên phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Theo Chủ tịch PVN Lê Mạnh Hùng, PVN đang nỗ lực phát huy tất cả các lợi thế sẵn có để tham gia chuỗi cung ứng và phát triển các dự án ĐGNK tại Việt Nam, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành sản xuất điện nhằm tạo tiền đề phát triển năng lượng hydro trong tương lai.

Hợp tác xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang Singapore

Ngày 28/8/2024, PTSC và đối tác Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) của Singapore đã tổ chức Lễ trao thầu gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất, dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore. Đây là một phần quan trọng trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore.

Đọc thêm