Điện lực Hà Tĩnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác hiện trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Điện lực Hà Tĩnh đã tích cực triển khai số hóa dữ liệu, số hóa quy trình nghiệp vụ, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác hiện trường nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại đơn vị, hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
Công nhân Điện lực thị xã Hồng Lĩnh thực hiện treo tháo công tơ bằng ứng dụng hiện trường. Ảnh: PV
Công nhân Điện lực thị xã Hồng Lĩnh thực hiện treo tháo công tơ bằng ứng dụng hiện trường. Ảnh: PV

Trước đây, công tác kiểm tra giám sát mua bán điện (KTGSMBĐ) và treo tháo thiết bị đo đếm tại hiện trường của Điện lực Hà Tĩnh đều được thực hiện bằng hình thức thủ công. Việc làm này tốn nhiều thời gian thực hiện, công tác lưu trữ hồ sơ, giấy tờ không được đảm bảo an toàn, quá trình ghi chép biên bản, cập nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý khách hàng (CMIS 3.0) cũng dễ gây ra tình trạng sai sót.

Nhằm hạn chế sơ suất trong quá trình cập nhập dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và tăng năng suất lao động, Điện lực Hà Tĩnh đã triển khai sâu rộng đến các đơn vị trực thuộc ứng dụng phần mềm CmisMobile, áp dụng đối với công tác KTGSMBĐ, thay công tơ định kỳ và phát triển khách hàng mới. Đây là bộ giải pháp cung cấp các ứng dụng trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android có kết nối với máy in bluetooth nhằm hỗ trợ cho nhân viên tác nghiệp ngay tại hiện trường.

Là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả ứng dụng hiện trường CmisMobile, thời gian qua, Điện lực Kỳ Anh đã tích cực khai thác các chức năng trên ứng dụng này. Ông Đặng Đôn Sơn - Giám đốc Điện lực Kỳ Anh cho biết: Trong quá trình triển khai, bước đầu nhân viên hiện trường tiếp xúc với công nghệ nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên sau khi được tập huấn và hướng dẫn từ các bộ phận chức năng Công ty, lực lượng kiểm tra viên điện lực và nhân viên treo tháo công tơ đã thao tác nhuần nhuyễn, khai thác triệt để các chức năng trên ứng dụng, nhờ đó công việc được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn. Kết quả, trong năm 2023 và 02 tháng đầu năm 2024, Điện lực Kỳ Anh đã thực hiện hơn 6 ngàn lượt kiểm tra áp dụng App hiện trường.

Nhân viên điện lực Hà Tĩnh sử dụng súng bắn nhiệt để kiểm tra hiện trường vào ban đêm. Ảnh: PV

Nhân viên điện lực Hà Tĩnh sử dụng súng bắn nhiệt để kiểm tra hiện trường vào ban đêm. Ảnh: PV

Nói về hiệu quả của ứng dụng CmisMobile đối với công tác KTGSMBĐ, ông Trần Xuân Sâm - Trưởng phòng KTGSMBĐ Điện lực Hà Tĩnh cho biết: “Trước đây, việc thực hiện các loại biên bản, hồ sơ kiểm tra sử dụng điện tại hiện trường được lập theo biểu mẫu in trên giấy, sau khi hoàn thiện xong sẽ chuyển về nhập vào phần mềm quản lý.

Từ khi triển khai ứng dụng này, lực lượng kiểm tra viên điện lực chỉ cần sử dụng thiết bị di động có cài App CmisMobile để thao tác các bước kiểm tra; biên bản, thông tin khách hàng và trình tự kiểm tra đều được thao tác ngay trên App.

Việc đưa phần mềm CmisMobile vào ứng dụng tại hiện trường đã góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ điện, giảm thời gian thực hiện, tạo trải nghiệm số hóa cho khách hàng qua hình thức ký số OTP (mã được gửi về số điện thoại của khách hàng), đảm bảo sự liên kết chặt chẽ của các chu trình công việc so với trước kia, tạo bước tiến mới trên hành trình chuyển đổi số của ngành điện.

Đặc biệt, tháng 6/2023, App CmisMobile được cập nhật phiên bản mới, ngoài các chức năng cũ như KTGSMBĐ, kiểm tra thiết bị đo đếm… App được xây dựng thêm các chức năng mới như cấp điện - dịch vụ điện, treo tháo thiết bị đo đếm,… đây cũng là bước đệm trong công tác triển khai chương trình CMIS 4.0.

Đánh giá cao hiệu quả của ứng dụng này đối với công tác treo, tháo công tơ tại hiện trường, anh Trịnh Anh Sơn - Phó phòng kinh doanh Điện lực Đức Thọ cho biết: “Trước đây, khi chưa triển khai ứng dụng phần mềm CmisMobile, để hoàn thành công tác treo tháo công tơ định kỳ hoặc phát triển khách hàng mới chúng tôi phải tiến hành qua nhiều bước thủ công.

Giờ đây, khi triển khai ứng dụng này, mọi thủ tục lập biên bản treo, tháo công tơ được thực hiện qua máy tính bảng, các thông tin về chỉ số treo, chỉ số tháo hay chữ ký của các bên đều được số hóa, hình ảnh thực tế của công tơ cũng được lưu giữ… nhờ đó đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh nhầm lẫn trong quá trình tác nghiệp”.

Có thể thấy, trong bối cảnh thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển đổi số như hiện nay, việc ứng dụng và khai thác các ứng dụng CNTT trong công tác hiện trường là hết sức cần thiết. Vì vậy, trong thời gian tới, Điện lực Hà Tĩnh sẽ tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả các phần mềm, ứng dụng hiện có; tăng cường nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo và đúc rút kinh nghiệm từ thực tế để áp dụng vào các công tác khác, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ điện năng, nâng cao sự tin cậy và độ hài lòng của khách hàng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn đổi mới và hội nhập.

Đọc thêm