Điện Quang có thêm bước ngoặt

(PLO) - Thị trường ghi nhận những bước ngoặt và tạo nên đột biến của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (Điện Quang).
Điện Quang có thêm bước ngoặt

Câu hỏi cho công nghệ LED

Kết thúc quý I/2017, doanh thu của Điện Quang chỉ đạt 195,3 tỉ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 29,3 tỉ đồng, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2016. Từ kế hoạch kinh doanh và kết quả đạt được từ quý I/2017, Công ty Chứng khoán VDSC nhận định năm 2017 sẽ là năm khó khăn đối với doanh nghiệp này. Đặc biệt, trong 2-3 năm gần đây, nguồn cung đèn LED lớn với giá rẻ từ Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của Điện Quang.

Vì thế, nhiều câu hỏi về việc Điện Quang đầu tư nhà máy mới ở Khu Công nghệ cao TP.HCM với mục tiêu giải ngân một phần nhu cầu chip LED đầu vào của Công ty. Hiện nay, công suất của Điện Quang là 20 triệu sản phẩm LED/năm, nếu đi vào hoạt động sẽ tăng lên 40 triệu sản phẩm. Khi đầu tư nhà máy mới quy mô như vậy, công nghệ đó có dễ dàng nâng cấp khi nếu công nghệ thế giới thay đổi?

Các chuyên gia đánh giá, công nghệ đèn LED mới chỉ ra đời 9-10 năm nay và có vòng đời khoảng 40 năm, ít nhất DQC cũng đủ khai thác 10 năm nữa. Đã có một số công nghệ mới về đèn như đèn sinh học nhưng chỉ mới là đèn mẫu và giá rất cao, chưa phù hợp với thị trường phổ thông. 

Điện Quang tung ra thị trường 200-300 sản phẩm đèn mới mỗi năm. Trong đó, hơn phân nửa là tập trung vào dòng sản phẩm đèn LED. Mảng này mang về doanh thu đáng kể cho Điện Quang ở thị trường nội địa, ngay như năm 2015, trong 871 tỷ đồng doanh thu hợp nhất thì mảng đèn LED có đóng góp rất lớn. Vì thế, các công ty chứng khoán đánh giá, tại thị trường nội địa, Điện Quang vẫn duy trì vị trí số một với quy mô và ưu thế công nghệ.

Hiện nay, Điện Quang đã triển khai dự án Nghiên cứu và sản xuất các thiết bị chiếu sáng, chip LED siêu sáng và thiết bị điện tử công nghệ cao với tổng số vốn đầu tư gần 600 tỉ đồng. Sản phẩm được biết đến rộng rãi của Điện Quang là đèn compact chống ẩm, đèn compact tiết kiệm điện, bộ đèn Doubewing, đèn LED... Các dòng sản phẩm mới đã góp phần quan trọng trong tăng trưởng của Điện Quang, với tăng trưởng thời gian qua đạt mức 50-100%/năm.

Giữ chắc thị trường nội địa

Có thể thấy, những bước chuyển chắc chắn trước khó khăn như vậy đã từng giúp Điện Quang từ một nhà máy sản xuất bóng đèn nhỏ với vốn điều lệ ban đầu 23,5 tỉ đồng, sau 44 năm đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, đến nay đạt vốn điều lệ 343,6 tỉ đồng, tăng hơn 14 lần. Vốn hóa thị trường của Điện Quang cũng đã tăng lên mạnh mẽ, hiện đạt xấp xỉ 2.000 tỉ đồng. 

Năm 1979, thương hiệu Điện Quang ra đời với tên gọi Nhà máy Bóng đèn Điện Quang. Năm 2005, Điện Quang chuyển sang hình thức hoạt động theo công ty cổ phần với vốn điều lệ đăng ký lần đầu là 23,5 tỷ đồng. Khi tiến hành cổ phần hoá năm 2005, lãnh đạo, người lao động tại Công ty cổ phần Điện Quang cũng được quyền mua cổ phần ưu đãi theo cơ chế thỏa thuận quy định tại Nghị định 64/2002 về chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần, việc cán bộ mua cổ phần khi doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi được khuyến khích.

Năm 2006, một năm sau cổ phần hóa, Điện Quang ghi dấu ấn với việc tăng trưởng đột biến ở tất cả các mặt kết quả kinh doanh và quy mô tài sản khi tổng tài sản tăng 161%, doanh thu tăng 177%, lợi nhuận trước thuế tăng gần 13 lần. Hiệu quả cổ phần hóa của Điện Quang thể hiện qua việc từ khi cổ phần đến nay, Nhà nước đã thu về hơn 1.000 tỉ đồng từ Điện Quang, bao gồm 250 tỉ đồng tiền thoái vốn và 800 tỉ đồng tiền nộp ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, hiện Điện Quang đang gặp rất nhiều khó khăn ở thị trường nước ngoài do vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Ngay tại thị trường trong nước, Điện Quang cũng chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Đơn cử, thuế suất nhập khẩu đèn LED hiện đang là 0%, nhiều doanh nghiệp có thể mua trực tiếp nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc vế lắp ráp để giảm giá thành, đã khiến sản phẩm của Điện Quang gặp bất lợi về giá. 

Theo ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc, Điện Quang có lợi thế nhất ở thị trường nội địa nên chắc chắn sẽ tập trung nguồn lực để tiếp tục mở rộng thị trường nội địa. Điện Quang hiện là công ty có thị phần lớn nhất, ước chiếm 40%. Thế mạnh của Điện Quang là làm chủ công nghệ, thị trường nội địa truyền thống, thị trường xuất khẩu rộng khắp; phòng nghiên cứu và phát triển được đầu tư bài bản và có chất lượng. 

Ngành chiếu sáng dân dụng và công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Nếu nhìn vào tỉ lệ GDP bình quân đầu người trên giá đèn LED Việt Nam hiện nay ở mức tương đương của thế giới giai đoạn 2010 - 2011, với tỉ lệ sử dụng khoảng 10%. Trong 5 năm, tỉ lệ sử dụng đèn LED là 35%. Vì thế, cơ hội ở thị trường trong nước sẽ đến với doanh nghiệp có sự chuẩn bị bài bản về công nghệ, nhân lực.

Với tiềm lực hiện tại, Điện Quang có thể đẩy mạnh xuất khẩu cũng như có thể tăng trưởng đáng kể ở thị trường trong nước. Đây là cơ sở đển trong Kế hoạch năm 2017, Bóng đèn Điện Quang vẫn đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.050 tỷ đồng, xấp xỉ bằng doanh thu đạt được năm 2016; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 150, bằng 59% lợi nhuận đạt được năm 2016; phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 30%.

Đọc thêm