Điện Vĩnh Tân 1 cam kết: “Chỉ chuyển cát, không đổ chất thải độc hại”

(PLO) - Liên quan đến phần nhận chìm ở biển do nạo vét xây cảng, chủ đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1  khẳng định vật chất nhận chìm không phải là chất thải, không có thành phần kim loại nặng gây độc hại ô nhiễm. Việc nhận chìm không gây tác động đến hệ sinh thái đảo  Hòn Cau và các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và giao thông đường thủy tại khu vực.
Cảng than đã sẵn sàng để lắp dựng, hiện đang chờ nạo vét
Cảng than đã sẵn sàng để lắp dựng, hiện đang chờ nạo vét

Những gì sẽ được nhận chìm dưới biển?

Sau khoảng 2 năm xây dựng, Dự án Nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 (đặt tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã triển khai được 68% tiến độ. Dự án có công suất 2x620MW với tổng mức đầu tư 1,755 tỷ USD. Theo chủ đầu tư, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Cty Điện Vĩnh Tân 1), dự án dự kiến sẽ phát điện thương mại vào cuối năm 2018, nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện tại miền Nam Việt Nam giai đoạn sau 2018.

Trong các hạng mục, cảng than của Nhà máy điện BOT Vĩnh Tân 1 là hạ tầng rất quan trọng để cấp nhiên liệu trong vận hành Nhà máy. Thiết kế của cảng than bao gồm công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị bốc đỡ than và nạo vét khu nước trước bến, vũng quay tàu và luồng hàng hải cho các tàu than ra vào cảng. 

Thực hiện quy định của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 26/8/2016, Cty Điện Vĩnh Tân 1 đã trình Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển để Bộ Tài nguyên và  Môi trường (TN&MT) xem xét, cấp phép. Hồ sơ nhận chìm này được lập theo nội dung của Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án cảng than Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã được duyệt bởi Bộ TN&MT tại Quyết định số 1571/QĐ-BTNMT ngày 24/7/2014. 

Với phạm vi nạo vét tại khu nước trước bến và vũng quay tàu để tiếp nhận tàu 30,000DWT theo thiết kế, tổng khối lượng vật liệu nạo vét là 918.513m3. Thành phần chủ yếu được nạo vét bao gồm cát, vỏ sò, đá phong hóa, sét, bùn trầm tích... trong đó khối lượng cát chiếm khoảng 80%. Kết quả thử nghiệm các mẫu trầm tích đáy biển cho thấy đều đạt QCVN: 43-2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích, đặc biệt không phát hiện thấy dioxin và PCB, phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo về các loại vật liệu được phép nhận chìm.

Cam kết tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường

Khu vực dự kiến nhận chìm đã được nêu trong Báo cáo ĐTM được duyệt và được chấp thuận bằng văn bản bởi UBND tỉnh Bình Thuận vào năm 2010. Khu vực này cách đảo Hòn Cau 8km về phía Bắc, có độ sâu tự nhiên từ -31,6 đến -36,1m, không chịu tác động của dòng hải lưu và chịu ảnh hưởng nhỏ do hoạt động bán nhật triều.

Qua khảo sát năm 2012, khu vực nhận chìm không phát hiện có hệ sinh thái san hô, thành phần các loài sinh vật biển khác và số lượng cũng không phong phú. Để giảm thiểu tác động đến môi trường biển, đặc biệt là tại khu vực đảo Hòn Cau, trong hồ sơ này cũng đề xuất thời điểm thi công từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm là thời gian phù hợp nhất về điều kiện khí tượng thủy văn để thi công nạo vét và nhận chìm mà không gây tác động bất lợi đến môi trường. 

Ông Phan Ngọc Cẩm Thành- Phó Tổng giám đốc Cty Điện Vĩnh Tân 1- cho biết,  trong quá trình triển khai, Cty sẽ nghiêm túc tuân thủ các biện pháp về bảo vệ môi trường và giám sát chặt chẽ hoạt động của nhà thầu trong quá trình thi công, bao gồm giám sát hành trình, giám sát qua camera, quan trắc môi trường biển... Cty cũng cam kết luôn phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành quan trắc, giám sát chặt chẽ quá trình nhận chìm ở biển, dừng ngay mọi hoạt động nhận chìm, áp dụng ngay các biện pháp khắc phục và thông báo cho các cơ quan chức năng nếu phát hiện có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái tại Khu bảo tồn Hòn Cau và các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và giao thông đường thủy tại khu vực.

“Phương án nhận chìm chỉ tác động mang tính cục bộ, tạm thời trong thời gian thi công 153 ngay tại khu vực nhận chìm. Môi trường nước biển sẽ trở lại trạng thái ban đầu sau khi quá trình đổ vật liệu nạo vét kết thúc. Công ty sẽ hỗ trợ cung cấp bộ lọc chất rắn lơ lửng cho các hộ nuôi tôm trên bờ trong trường hợp gây ảnh hưởng tới hoạt động nuôi tôm do tăng độ đục trong quá trình nạo vét. Dự án sẽ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi gây tác động tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau do các sự cố trong quá trình nạo vét gây ra theo quy định tại Điều 75 Luật Đa dạng sinh học năm 2008”- ông Phan Ngọc Cẩm Thành khẳng định

Dự án Nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 là một trong số các dự án trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Việc Hồ sơ nhận chìm nhanh chóng được Bộ TN&MT phê duyệt sẽ góp phần đảm bảo tiến độ xây dựng và vận hành dự án như đã cam kết với Chính phủ Việt Nam. 

Đọc thêm