Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, giai đoạn 2010 - 2015, cả nước đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh miền biên Cao Bằng vẫn nỗ lực vươn lên và đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề phát triển trong những năm tiếp theo.
Bí thư có thể cho biết những kết quả nổi bật mà Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015?
- Nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, khá toàn diện. Nếu như năm 2009 thu ngân sách của cả tỉnh chỉ khoảng 390 tỷ đồng thì đến năm 2013 lên tới 1.126 tỷ đồng. Năm 2014 dù có nhiều biến động nhưng cũng đạt 1.177 tỷ đồng, bằng 151,1% so với dự toán Trung ương giao, trong đó thu từ hải quan và phí cửa khẩu gần 400 tỷ đồng. Năm 2015 thu ngân sách toàn tỉnh dự kiến sẽ đạt mốc 1.250 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế toàn tỉnh chuyển dịch hợp lý hơn; một số định hướng phát triển được cụ thể hóa tương đối rõ nét.
Nhiều công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về phát triển giao thông, kinh tế cửa khẩu, du lịch…, được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đã hoàn thành và đi vào khai thác, vận hành, đảm bảo đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, thông thương hàng hóa của nhân dân, thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế đối ngoại dọc tuyến biên giới. Thị xã Cao Bằng được công nhận đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2012, hoàn thành trước 3 năm so với Nghị quyết Đại hội.
Văn hoá - xã hội, thông tin, truyền thông phát triển theo hướng tăng về quy mô và nâng cao về chất lượng. Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, phát triển, chất lượng giáo dục, đào tạo không ngừng được nâng cao. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, chất lượng khám chữa bệnh không ngừng được nâng lên.
Quốc phòng, an ninh được củng cố, công tác đối ngoại được tăng cường, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Công tác xây dựng Đảng chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng cao. Chính quyền các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, công tác quản lý điều hành có nhiều đổi mới và hiệu quả.
Mỗi kỳ Đại hội Đảng đều đưa ra những mục tiêu tổng quát cho một nhiệm kỳ. Vậy mục tiêu tổng quát của Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII là gì, thưa đồng chí?
- Tỉnh Cao Bằng xác định Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII phải là Đại hội của trí tuệ, khoa học; giải quyết những vấn đề của cả trước mắt và về lâu dài, thể hiện ý chí, quyết tâm phấn đấu đưa tỉnh Cao Bằng thoát khỏi tỉnh nghèo, chậm phát triển, từng bước trở thành một trung tâm của vùng về hậu cần, thương mại, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp.
Chính vì vậy, mục tiêu tổng quát của Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII là: phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo; tiếp tục xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, quyết tâm đưa Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển.
|
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Lý Vạn (Hạ Lang) |
- Bước vào thời kỳ mới, cùng với cả nước, Cao Bằng đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội lớn nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức ngày càng gay gắt và phức tạp. Trong nhiệm kỳ tới đây, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thì một trong những vấn đề quan trọng là cần hiểu cho đúng vai trò và có giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo kinh tế của Đảng.
Một mặt cần giữ vững các nguyên tắc, các phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng đối với chính quyền và hệ thống chính trị. Mặt khác, phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo kinh tế của Đảng: Đảng phải làm tốt những vấn đề chiến lược như nâng cao năng lực dự báo và xây dựng tầm nhìn; đổi mới cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn, bổ nhiệm và đánh giá cán bộ quản lý kinh tế. Các tổ chức Đảng từ cơ sở cần tăng cường kiểm tra giám sát, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Người cán bộ, nhất là những cán bộ nắm vị trí quan trọng, phải thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bài học của những thế hệ đi trước. Định hướng từ trên xuống nhưng xây dựng và triển khai cụ thể phải từ dưới lên và cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp với địa chỉ rõ ràng, bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của người dân.
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội, tỉnh Cao Bằng đã thẳng thắn nhận xét cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng có mặt còn hạn chế, vậy nhiệm kỳ tới Cao Bằng cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
- Để theo kịp yêu cầu phát triển, các cấp ủy Đảng phải không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là phát triển tư duy lý luận về kinh tế. Vai trò của cấp ủy Đảng là phải xây dựng được đường lối kinh tế, xác định mục tiêu chiến lược, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển kinh tế, định hướng các chính sách.
Để quyết định đường lối, chính sách và những chủ trương lớn một cách đúng đắn, phải phát huy dân chủ trong toàn xã hội, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy trí tuệ của toàn dân, đấu tranh với mọi biểu hiện chủ quan, duy ý chí, bảo thủ, độc đoán, thậm chí là lợi ích nhóm.
Khi có đường lối, chủ trương đúng, vấn đề có tính quyết định là tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Cấp ủy Đảng không làm thay chính quyền, nhưng cấp ủy Đảng giám sát và thúc đẩy bộ máy chính quyền thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng.
|
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng tặng quà ông Nguyễn Văn Đắc, thương binh 51% ở thôn Sóc Hà, Hà Quảng (Cao Bằng) |
- Theo tôi, yếu tố đổi mới về chất trong tư duy phát triển và cơ cấu kinh tế, trong đó nhấn mạnh các nhân tố bền vững và giá trị gia tăng cao là phạm trù mang tính quyết định diện mạo của tỉnh Cao Bằng trong giai đoạn tới, nhất là với tầm nhìn đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Cao Bằng phải định vị được lợi thế cạnh tranh của mình, từng bước vươn lên trở thành một trung tâm vùng về hậu cần, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp giá trị gia tăng cao và kết nối chặt chẽ, mật thiết với các cực tăng trưởng của đất nước.
Từ những bài học kinh nghiệm quý giá và tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo đi trước, phải quyết liệt lăn xả vào thực tiễn để trả lời câu hỏi: Làm gì, ai làm và làm như thế nào, mối quan hệ giữa chính quyền - thị trường - doanh nghiệp cần giải quyết ra sao để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng giá trị khác biệt?
Vấn đề đặt ra là phải khai thác tốt lợi thế về mặt địa lý là địa phương duy nhất nằm trên lộ trình gần nhất kết nối các tỉnh phía Tây, Tây Nam Trung Quốc với các nước ASEAN, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập cuối năm nay và tỉnh Quảng Tây trở thành trung tâm kết nối giao thương Trung Quốc - ASEAN.
Phải xác định tầm nhìn và chuẩn bị cho tầm nhìn xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm cốt lõi kết nối nội vùng, cùng với các địa phương khác trong vùng Tây Bắc hình thành cực phát triển đối trọng và kết nối hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc.
Xin cảm ơn đồng chí!