Môi trường xã hội thiếu lành mạnh là nguy cơ làm mất lòng tin của dân với Đảng

(PLO) - TS. Sử học Trần Văn Miều - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Trung ương nhấn mạnh khi góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12.
Theo TS Miều: Đào tạo ngoại ngữ cần được đề cập trong giáo dục toàn diện.
Theo TS Miều: Đào tạo ngoại ngữ cần được đề cập trong giáo dục toàn diện.
Để người dân thỏa hiệp với tham nhũng thì không chống được tham nhũng
Theo ông, Dự thảo cần chú trọng đến vấn đề phát triển toàn diện của con người. TS. Trần Văn Miều cho rằng, sự phát triển toàn diện của con người phụ thuộc 6 yếu tố (di truyền, chăm sóc về dinh dưỡng, chăm sóc y tế, môi trường xã hội, môi trường tự nhiên, chế độ luyện tập thể dục thể thao). Trong đó, trừ yếu tố di truyền, 5 yếu tố kia có thể tác động để phát triển. 
Trong môi trường xã hội có nhiều vấn đề đáng quan ngại hiện nay như nhiều biểu hiện đạo đức xã hội, lối sống truyền thống của người Việt Nam xuống cấp, bị xói mòn, tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, chặn đứng…, không xây dựng môi trường xã hội lành mạnh cũng là một trong những nguy cơ làm mất lòng tin của dân với Đảng.
Nhiều phần trong Dự thảo đề cập đến các mục tiêu của giáo dục nhưng mỗi đoạn lại nói một cách khác nhau. Trong khi đó, tiêu chí “giáo dục toàn diện” là gì thì chưa chỉ ra được. “Giáo dục toàn diện chính là giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống. Giáo dục trí tuệ gồm kiến thức, trình độ chuyên môn, tay nghề, trình độ ngoại ngữ nhưng trong Dự thảo chưa chỗ nào nói đến giáo dục “trình độ ngoại ngữ”. Thời đại hội nhập mà không có ngoại ngữ thì sao mở ra thế giới?” – TS.Miều băn khoăn.
Do đó, ông cho rằng để thống nhất được các mục tiêu về giáo dục trong Dự thảo, ngoài việc xác định rõ tiêu chí “giáo dục toàn diện” thì cần có sự thống nhất từ mục tiêu của giáo dục và đào tạo, mục tiêu của văn hóa và mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 
Bên cạnh đó, cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí ngày càng phức tạp, không chỉ tham nhũng đơn lẻ mà đã rất nhiều vụ việc tham nhũng theo nhóm khiến người dân hoài nghi vào quyết tâm và hiệu quả của công cuộc chống giặc nội xâm này. Đáng lo ngại là có những thời điểm, giai đoạn người dân buộc phải thỏa hiệp với tham nhũng, tiêu cực khi vào bất kỳ chỗ nào, giải quyết bất kỳ vấn đề gì cũng phải ứng xử tiêu cực, phải “lót tay” mới xong. Đây là vấn đề rất đau. Để người dân thỏa hiệp với tham nhũng thì chống tham nhũng sẽ cực kỳ nan giải.
Vì vậy, muốn chống tiêu cực thì Dự thảo văn kiện phải nhấn mạnh đến các yếu tố để củng cố việc lãnh đạo xã hội bằng pháp luật; phải người dân tham gia xây dựng pháp luật từ ý tưởng để người dân có thể tham gia vào quá trình ban hành ra những quy định có lợi cho người dân. Khi có pháp luật thì phải tuyên truyền, phổ biến để dân hiểu như khẩu hiệu của Đảng: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Tiến sĩ Sử học Trần Văn Miều
Tiến sĩ Sử học Trần Văn Miều
Quan tâm đúng mức với vấn đề an sinh xã hội
Nghiên cứu Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII, TS. Miều nhận thấy, đánh giá công tác của Đảng là đánh giá hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Nhà nước, các tổ chức như Mặt trận, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội... Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chủ trương, giải pháp. Trên cơ sở đó, Nhà nước thể chế hóa ra thành chính sách, pháp luật; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tham gia vận động nhân dân thực hiện, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân nhưng trong Dự thảo chưa thấy đánh giá rõ ràng về vấn đề này, chưa làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Đảng. 
Vì vậy, nên gộp bài học kinh nghiệm trong 5 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) 11 và 30 năm đổi mới làm một vì mỗi bên đều thiếu những vấn đề cần được đề cập, nhưng nếu viết riêng ra thì lại trùng nhau. Ví dụ, trong những bài học kinh nghiệm của 5 năm thực hiện NQ 11 không thấy nói đến “lấy dân làm gốc”. “Dân làm gốc” là vấn đề quan trọng, không có kinh nghiệm ấy, không có dân thì bất kể đảng nào, nhà nước nào cũng không làm được gì. 
Bên cạnh đó, trong những bài học kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện NQ 11 chưa nói rõ dân được gì từ những thành tựu đã đạt được qua việc thực hiện NQ 11. Nhưng trong bài học kinh nghiệm từ 30 năm đổi mới lại không có những bài học kinh nghiệm của việc hội nhập quốc tế, mà đây là bài học cực kỳ quan trọng. Không hội nhập, “một mình một sân” thì không làm được gì. 
Đi vào những vấn đề mang tính cụ thể, ông thấy trong nhiệm vụ tổng quát 5 năm tới, Dự thảo xác định “tiếp tục hoàn thiện thể chế cơ chế thị trường XHCN”, điều này không khác gì trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11 nhưng lại không giải thích thế nào là định hướng XHCH. Đây là vấn đề căn bản. Định hướng XHCN tức cùng với phát triển kinh tế, Nhà nước quản lý kinh tế bằng pháp luật thì cần những vấn đề về an sinh xã hội.
Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11 có đề cập về an sinh xã hội nhưng Dự thảo văn kiện Đại hội 12 lại không đặt vấn đề này. An sinh xã hội là tính ưu việt của CNXH, chính là chăm lo đời sống của người dân, kinh tế, học tập, bảo hiểm xã hội… Tất cả các mối quan hệ của an sinh xã hội là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, làm được thì chính là định hướng XHCN. Vì vậy nên đưa vấn đề an sinh xã hội vào.

Đọc thêm