Giá thuốc vẫn đang tăng... chóng mặt. Việc đồng loạt tăng giá của các loại thuốc tại thời điểm này đã khiến không ít gia đình điêu đứng, nhất là người nghèo.
Ào ạt “xé rào”...
Không phải là lần đầu tiên giá thuốc tăng, nhưng có thể nói đây là thời điểm “nóng” nhất về giá thuốc. Nếu như trong các lần tăng giá trước, giá thuốc chỉ diễn tiến một cách âm thầm thì hiện nay, chúng ào ạt “phá rào”. Không chỉ một loại thuốc tăng giá mà hàng loạt các loại thuốc đều tăng giá. Thuốc nội tăng, thuốc ngoại cũng hối hả “leo thang”...
Cụ thể, theo Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh dược Việt Nam (SX&KDDVN), hầu như tháng nào cũng có hàng chục mặt hàng thuốc tăng giá, nhiều nhất là thuốc nhập ngoại. Qua đợt kiểm tra mới đây của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, quầy bán hàng của Công ty TNHH một thành viên dược phẩm Trung ương 1 có tới hơn 30 mặt hàng thuốc tăng giá với mức tăng chủ yếu là 5%, cá biệt có thuốc Clorocid 0,25g của Công ty CP TƯ 1 tăng tới 26%, Cerebrolysin 10ml (hộp 5 ống) của Áo cũng tăng 8%, Oxytocin (ống) của Đức tăng 10%...
Cty Sao Thái Dương có 9/11 mặt hàng tăng giá 15 -25%. Công ty CP DP Bến tre có một số mặt hàng tăng giá trên 30%. Hay Công ty CP Trapharco có mặt hàng tăng 17-25%, Công ty Domesco có 14/249 mặt hàng tăng giá với mức 8-21%... Chủng loại thuốc tăng giá vẫn chủ yếu tập trung ở các nhóm: Kháng sinh, vitamin và khoáng chất, giảm đau, chống viêm, đông dược, tim mạch, ung thư, một số vaccin và sinh phẩm y tế. Dự báo thời gian tới, giá một số mặt hàng thuốc tiếp tục có điều chỉnh, chủ yếu là tăng giá với mức tăng phổ biến dưới 10%.
Nhà nhà điêu đứng...
Mắc bệnh nan y, phải điều trị bệnh dài ngày nên bác Thu Bình (Hà Đông, Hà Nội) phải mua thuốc thường xuyên về uống. Thấy những loại thuốc mình thường dùng có sự tăng giá bất thường, liên tục, bác không tin tưởng nên đã bắt xe buýt ra tận chợ bán buôn dược phẩm Ngọc Khánh để mua. Tới đây rồi, bác mới biết, họ đã không lừa mình. “Nếu cứ đà tăng giá thế này, chắc tôi sẽ phải nghỉ chữa bệnh giữa chừng mất” - bác than thở. “Cũng với đơn thuốc này tuần trước tôi mua chỉ khoảng 700.000-800.000 đồng, giờ lên tới gần hai triệu đồng. Thế là toi mất gần hết tháng lương hưu. Gía cả cứ tăng vòn vọt thế này, chịu sao nổi…” - ông Đức Nam (khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội) cũng buồn bã cho hay.
Không chỉ người bệnh khổ sở, mà những người kinh doanh dược phẩm cũng đang méo mặt vì sự gia tăng bất ồ ạt này. “Giá thuốc nhích lên từng ngày. Hầu như tuần nào em cũng đi lấy thuốc về bán mà cũng không tránh khỏi “choáng” vì sự thay đổi giá cả. Hầu hết các loại thuốc đều tăng. Có loại tuần này vừa tăng, tuần sau lại tiếp tục tăng. Bọn em còn không chịu nổi, huống chi người mua...” - một chủ cửa hàng thuốc trong làng Định Công than thở. Rồi chị thừa nhận, cũng có nhiều cửa hàng lợi dụng thời điểm này để găm hàng, tăng giá nhưng với những quầy thuốc nhỏ, lẻ gần khu ngoại ô như bọn chị không thể làm như thế được vì “thượng đế” toàn là người quen biết.
Nói về nguyên nhân của sự tăng giá thuốc, nhiều doanh nghiệp dược phẩm cho rằng: Tất các các loại chi phí đều tăng, giá mua nguyên liệu, chi phí bán hàng, chi phí lương cho nhân viên tăng thì việc tăng giá thuốc là chuyện khó tránh. Ông Nguyễn Tiến Chỉnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm và Thương mại SOHACO thẳng thắn chia sẻ, hiện nay để được công nhận nhà thuốc GPP (thực hành nhà thuốc tốt) rất tốn kém. Chưa kể, để nhà thuốc hoạt động được phải thuê cửa hàng, dược sỹ… “Nếu không khéo, nhiều nhà thuốc sẻ phải đóng cửa vì lỗ vốn” - ông Chỉnh khẳng định.
Vẫn có hướng “gỡ”
Theo nhận định của cơ quan quản lý giá thuốc cũng như đại diện các doanh nghiệp dược, gía thuốc tăng một phần là do tư tưởng “sính ngoại” của người dân. Thực tế, hầu hết những loại thuốc tăng giá nhiều đều là những loại thuốc nhập ngoại, nếu người dân không “sính ngoại”, liệu thuốc ngoại có tăng giá chóng mặt đến vậy? Cụ thể, một doanh nghiệp dược phẩm lớn ở Miền Bắc phân tích cụ thể: Thuốc có nhiều chủng loại, giá cả khác nhau, nhưng chính người dân thích dùng hàng ngoại nên phải mua thuốc đắt. Chẳng hạn thuốc cảm cúm thông thường của Việt Nam sản xuất có giá chỉ 500-1.000 đồng/viên sao không mua, lại đi mua thuốc ngoại giá 10.000 đồng, trong khi hiệu quả điều trị không khác nhau bao xa? Thậm chí, nếu người bệnh đề nghị với dược sĩ mua thuốc tương đương, nhưng giá cả thấp hơn, chắc chắn họ sẽ không từ chối.
Tuy nhiên, không phải là không có hướng tháo gỡ. Bên cạnh một loạt các giải pháp đã được cơ quan chủ quản triển khai thực hiện bấy lâu nay như: Kê khai, niêm yết giá thuốc; thanh, kiểm tra hoạt động quản lý giá thuốc tại các bệnh viện, nhà thuốc... việc khuyến khích người dân sử dụng hàng nội là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán nêu trên. Tại cuộc hội thảo bàn về vấn đề này vừa được Sở Y tế Thủ đô tổ chức, các nhà quản lý giá thuốc cho rằng, trong tình hình giá cả tăng bất thường như hiện nay, người dân có thể tiết kiệm tiền thuốc thông qua việc sử dụng nguồn thuốc nội thay vì phải mua thuốc ngoại nhập với giá cao. Bởi lẽ, tất cả nguyên liệu để sản xuất thuốc nội hiện nay hầu hết đều được nhập từ nước ngoài, do đó, so về chất lượng có thể tương đương nhau, nhưng giá cả thuốc nội thấp hơn rất nhiều, có thể chỉ bằng 1/10 thuốc ngoại do chi phí sản xuất thấp.
Có ý kiến cho rằng: Người dân có thể “sính ngoại”, nhưng nếu bác sĩ chỉ định, kê đơn thuốc nội, chắc chắn bệnh nhân sẽ tin dùng thuốc nội. Vì vậy, bác sĩ có một vai trò quyết định trong việc lựa chọn và sử dụng thuốc của người dân. Trong lúc chờ một động thái tích cực nào đó từ phía các cơ quan chủ quản để kiềm chế sự gia tăng của giá thuốc, xem ra giải pháp trên có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, để làm được, vai trò “nhạc trưởng” vẫn phải nhường cho các nhà quản lý mặt hàng “nhạy cảm” này và những người quản lý việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
Tính đến thời điểm này, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GMP-WHO cho 89 trong số hơn 180 công ty sản xuất thuốc trong nước. Theo các chuyên gia dược học, chưa nói đến việc phát minh sáng chế những loại thuốc mới, chỉ cần công nghệ tốt, sản xuất đúng quy trình quy chuẩn thì chất lượng thuốc nội không thua kém thuốc ngoại. Vì vậy, việc khuyến khích người Việt dùng thuốc Viêt lợi cả đôi đường, người bệnh được dùng thuốc giá rẻ, lại khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước mạnh dạn nghiên cứu, sản xuất thuốc thông thường cũng như các loại thuốc đặc trị. |