Điêu đứng vì thuốc sốt rét giả - Sự sống đang chết mỗi ngày

(PLO) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, có đến hơn 120.000 người ở châu Phi chết mỗi năm vì sử dụng thuốc chống sốt trẻ giả, các loại thuốc này không hề đạt tiêu chuẩn, kém chất lượng và thậm chí là chẳng có thành phần nào liên quan đến chữa bệnh sốt rét... 
Thuốc giả được bán tràn lan và công khai trên đường phố
Thuốc giả được bán tràn lan và công khai trên đường phố

Tác hại đáng sợ 

Hãy thử tưởng tượng, khi con cái bạn mắc phải chứng bệnh quái ác là sốt rét (một trong những kẻ giết người tàn độc nhất đối với trẻ em trên toàn thế giới), khiến cho con bạn bị sốt cao, ra mồ hôi trộm, nôn mửa, co giật và thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng.

Đối với những người nghèo thì việc chạy chữa bằng thuốc có lẽ là niềm hi vọng lớn nhất, bởi thuốc phần nào đó sẽ làm thuyên giảm bệnh tật cho con em họ. Nhưng thật là đau lòng, khi đến thuốc cũng chẳng làm được gì, bởi vì mua phải thuốc giả. 

Theo hãng tin CNN, đây là thực trạng tàn khốc hiện nay, khi mà nạn buôn bán thuốc giả trên thế giới vẫn đã và đang phát triển, thu về lợi nhuận lên tới hàng tỷ đô la Mỹ. Theo ước tính, khoảng 1/3  các loại thuốc chống sốt rét ở châu Phi và vùng cận Sahara là thuốc giả. Hàng giả có thể tìm thấy ở các nhà thuốc, phòng khám, quầy thuốc bán lẻ, bán rong hoặc được bán tràn lan trên hàng ngàn những trang web trực tuyến mà không hề được kiểm soát. 

Tác hại khác của thuốc giả là hiện tượng kháng thuốc. Khi dùng thuốc giả không có hoạt tính chống sốt rét, bệnh nhân có thể tử vong do thuốc không có tác dụng chữa bệnh; trường hợp sử dụng thuốc có chứa hoạt tính chống sốt rét, nhưng thành phần hoạt tính không đủ để diệt toàn bộ ký sinh trùng sốt rét, thì không những thuốc không tiêu diệt vi khuẩn hay virus mà ngược lại còn tạo cơ hội cho chúng biến đổi thành dạng dễ gây chết người hơn.

Được biết, tại  châu Phi, 35% trong số 2297 mẫu thu thập được từ 21 nước có số lượng hoạt chất sai; 36 % trong số 77 mẫu đóng gói sai, và 20% trong số 389 mẫu là giả thực sự. Tại Đông Nam Á, nhiều loại thuốc sốt rét khác nhau từ 7 nước được phân tích, trong số 1437 mẫu, 35% có thành phần hóa học sai, gần nửa trong số 919 mẫu đóng gói sai, 36% trong số 1260 mẫu là giả thực sự.

Những giải pháp an ninh chống hàng giả

Hiện nay, một số ít người nhận ra những tai hại của việc mua và sử dụng phải thuốc giả, do đó công nghệ cũng được ứng dụng để kiểm tra thuốc. Gần đây điện thoại di động được sử dụng như một công cụ xác nhận. Công ty Sproxil của Mỹ thiết kế mooột hệ thống cho phép các nhà sản xuất thuốc đóng các thẻ cào vào bên trong mỗi hộp thuốc. Mỗi thẻ cào có một số ID duy nhất, người mua hàng có thể quét mã vạch hoặc đánh số ID trong hộp thuốc rồi gửi cho công ty duy trì hệ thống này.

Thậm chí đơn giản hơn nữa là gọi hoặc nhắn tin thẳng đến trung tâm, lập tức khách hàng sẽ nhận được câu trả lời phản hồi nói rằng thuốc đó là giả hay thật, các tin nhắn này hoàn toàn miễn phí. Công ty Sproxil rất khích lệ người tiêu dùng sử dụng loại hình dịch vụ này, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

Theo phát ngôn viên của Công ty Sproxil Tolulope Gbamolayun, hiện nay đã có tới 70 công ty sản xuất thuốc đăng ký dịch vụ thẻ cào này, trong đó có các công ty đa quốc gia như GlaxoSmitKline và Novartis... và đã có khoảng 28 triệu lượt người tiêu dùng xác minh thuốc giả trên toàn cầu kể từ khi đề án này được đưa ra hồi năm 2009. 

Công nghệ này được sử dụng rộng rãi ở Nigeria. Chính phủ công bố thông tin và cách kiểm tra thuốc bằng điện thoại trên các quảng cáo TV và áp phích ở các cửa hàng thuốc. Hiện nay, Nigeria là nước được yêu cầu kiểm tra tất cả các loại thuốc sốt rét, loại thuốc bị làm giả nhiều nhất, khiến cho thuốc thật trở nên dần mất hiệu lực. Công ty Sproxil đã bán được hơn năm triệu thẻ cào như vậy ở đất nước này và đang bắt tay vào dự án ở Ấn Độ và Kenya.

Những cách sáng tạo khác để thử chất lượng của thuốc như tấm thẻ thử bằng giấy dễ mang và có thể phát hiện thuốc sốt rét chất lượng kém. Nhưng công nghệ mới không thôi cũng không đủ để đối phó với vấn nạn này mà cần tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về thuốc giả cũng như hợp tác quốc tế nhiều hơn và hiệu quả hơn. Giới lãnh đạo cần tập trung vào vấn đề này, có chế tài đủ mạnh để răn đe những kẻ phạm tội thu lợi bất chính từ sản xuất và buôn bán thuốc giả.

Tiến sĩ Ashifi Gogo, Giám đốc của công ty Sproxil cho biết, “Dịch vụ thẻ cào này của chúng tôi có thể nói là một biện pháp an ninh đơn giản và mất ít chi phí. Tại châu Phi, dịch vụ này đã hoạt động ở các nước như: Kenya, Ghana, Nigeria, Nam Phi, Tanzania, và gần đây nhất là Mali. Tuy nhiên, mục đích của chúng tôi không chỉ dừng tại đây, mà chúng tôi muốn dịch vụ này sẽ lan truyền và được sử dụng ở tất cả các nước châu Phi”. 

Không chỉ Công ty Sproxil, một nhà kinh doanh có triển vọng Bright Simons ở Ghana cũng đã đưa ra một ý tưởng tuyệt vời trong việc chống thuốc giả. Công ty của ông có tên “mPedigree” được thành lập năm 2007 với sự trợ giúp về công nghệ của Tập đoàn Công nghệ thông tin Hewlett Packard. Tổ chức này thiết lập quan hệ đối tác với các công ty viễn thông và nhà thuốc để bất cứ khi nào một loại thuốc mới được đưa ra thị trường, trên bao bì của loại thuốc đó đều có mã cào nhận diện.  

Hệ thống này cung cấp mã số cho tất cả các loại thuốc sốt rét thật, được đóng dấu trên mặt sau vỏ bọc ngoài viên thuốc. Người nhận có thể nhắn số mã này bằng điện thoại di động cá nhân, sau đó sẽ nhận được tin nhắn xác nhận là thuốc thật hay thuốc giả. MPedigree nhận sự hỗ trợ thông qua quan hệ đối tác với nhiều tổ chức, bao gồm chương trình người tiên phong công nghệ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ashoka, và Nokia... Điều này giải quyết một vấn đề lớn về nạn thuốc giả tràn lan. 

Các chuyên gia y tế cũng nhận định, sáng kiến này có thể ngăn chặn làn sóng thuốc giả lan tràn tại châu Phi, cứu sống hàng trăm ngàn người mỗi năm. Họ ước tính có khoảng 700.000 người mắc bệnh sốt rét và bệnh lao chết mỗi năm vì dùng thuốc giả.

Khi hãng tin BBC phỏng vấn, ông Simons cho biết, “ứng dụng này có thể giúp người mua thuốc theo dõi các sản phẩm ở từng giai đoạn, trong từng quá trình sản suất từ nhà máy đến tay người tiêu dùng. Ứng dụng sẽ cho phép người tiêu dùng nhận diện dễ dàng các sản phẩm thật giả”. Ông cho biết, ứng dụng cũng giúp cho các nhà sản xuất và nhà quản lý theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng. Thậm chí, ứng dụng này ở Nigeria còn giúp cho các nhà quản lý xác định được những nơi sản xuất hàng giả và bắt giữ những kẻ lừa đảo. 

Ông Simons ước tính, có khoảng 75 triệu người đã được hưởng lợi từ việc tra cứu hàng giả và đã đem lại một dấu hiệu tốt trong việc ngăn chặn các loại thuốc giả tràn lan ở châu Phi, và hiện nay Công ty mPedigree cũng đang hoạt động tại 12 quốc gia trên khắp châu Á và châu Phi.

Con người đang hấp hối

Mặc dù các giải pháp công nghệ trên đang hoạt động và hoạt động rất hiệu quả, nhưng tại sao rất nhiều người vẫn phải chịu đau khổ, thậm chí là chết vì thuốc giả? Những nguyên nhân nhỏ dẫn tới vấn đề trên như bệnh nhân mua thuốc không có đơn thuốc, việc tự điều trị cùng với việc dùng thuốc quá hạn sử dụng hoặc thuốc kém phẩm chất do bảo quản thuốc không đúng cách.

Ngoài ra, theo ông Simons cho biết, “Hầu hết các loại thuốc sốt rét đều sản xuất ở châu Á và chủ yếu là ở Trung Quốc, Ấn Độ và sau đó được nhập khẩu vào châu  Phi. Quy mô thương mại về thuốc giả là rất lớn mà những gì chúng ta đang làm chỉ là hạt cát trong sa mạc vô cùng. Không chỉ thế, vì khoảng 1/3 dân số thế giới sống tại hai nước này và đây có thể là nguồn gốc của nhiều loại thuốc giả”. Minh chứng là hồi năm 2006, cảnh sát đã bắt giữ một nghi can sản xuất và tiêu thụ thuốc trị sốt rét dỏm ở Vân Nam. Nghi can này đang vận chuyển 2.880.000 viên thuốc trị sốt rét dỏm, đủ để điều trị cho 250.000 người.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Gbamolayun  thuộc Công ty Sproxil cũng nói thêm rằng, “Thuốc giả vẫn là một vấn nạn lớn, nó là nguyên nhân khiến cho những cái chết thương tâm vẫn diễn ra hàng ngày. Chúng tôi đang cố gắng hết sức mình để nâng cao nhận thức và truyền bá mọi thông tin liên quan đến thuốc giả tới các nhà sản xuất, nhà quản lý, người tiêu dùng trên toàn thế giới, nhưng đồng thời mọi người tiêu dùng cũng phải tự cảnh tỉnh bản thân, tìm hiểu kỹ mọi thông tin trước khi mua thuốc”. 

Một nguyên nhân nữa khiến cho nạn thuốc giả vẫn tràn lan khắp nơi, đó là tham nhũng. Các quan chức Chính phủ dường như vì lợi ích cá nhân là ăn cắp thuốc men viện trợ, sau đó bán cho người dân với giá cao; thanh tra viên, cảnh sát thì ăn hối lộ rồi làm ngơ trước không biết bao nhiêu container thuốc giả. 

Ông Simons cho rằng, “Đây được cho là hố đen của trách nhiệm, chúng ta cần phải làm gì đó để minh bạch tất cả mọi thứ. Hiện nay, cơ quan quản lý vấn đề thuốc giả ở các nước hoạt động rất yếu kém, nhân viên không có năng lực, nhưng nơi được cho là hoạt động chống thuốc giả như hải quan, các cơ quan chính sách cũng yếu kém... Chính điều này cũng khiến cho thuốc giả tiếp tục hoạt động và phát triển”. 

Đọc thêm