Điều hành giá: Phải thận trọng, tính toán kịch bản cụ thể để kiểm soát lạm phát

(PLO) - Nhận định lạm phát năm 2017 có nhiều khả năng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4%, song Phó Thủ tướng  Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá lưu ý từ nay tới cuối năm vẫn còn một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá. do đó, công tác điều hành giá phải thận trọng, tính toán kịch bản cụ thể, chi tiết kiểm soát lạm..
Điều hành giá: Phải thận trọng, tính toán kịch bản cụ thể để kiểm soát lạm phát

Ban chỉ đạo điều hành giá vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng  Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá hôm 13/10 vừa qua.

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng nhận định: Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm cho thấy về cơ bản lạm phát năm 2017 có nhiều khả năng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm vẫn còn một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá như áp lực tăng giá của một số mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời điểm cuối năm, nhu cầu hàng hóa gia tăng để sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ các dịp lễ, Tết và tình hình phức tạp của thiên tai, thời tiết. 

“Do đó, công tác điều hành giá phải thận trọng, tính toán kịch bản cụ thể, chi tiết kiểm soát lạm phát bình quân ở mức dưới 4%, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục thực hiện đưa giá các mặt hàng thiết yếu (y tế, giáo dục, điện) theo lộ trình giá thị trường...”- Phó Thủ tướng lưu ý.

Liên quan đến điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, Phó thủ tước chỉ đạo, đối với các mặt hàng nông sản, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm, đường, muối nhằm ổn định thị trường nhất là trong thời điểm Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ NN&PTTNT cập nhật, đánh giá tình hình thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tác động đến giá hàng nông sản do thiên tai, lũ lụt trong thời gian vừa qua báo cáo Phó Thủ tướng – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp phục vụ cho việc xây dựng kịch bản điều hành giá.

Về giá điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định và lưu ý, trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể, đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng. 

Bộ Công thương cũng chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, sử dụng Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết hoặc các thời điểm mà giá xăng dầu đã tăng nhiều kỳ liên tục để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát.

Về giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi. Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác quản lý theo quy định tại Nghị định 149/2016/NĐ-CP  và Thông tư 08/2017/TT-BCT về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Hướng dẫn các Sở, ngành tại địa phương tiếp nhận và giám sát việc kê khai giá sữa, không để xảy ra biến động bất thường trên thị trường nhất là dịp lễ, Tết.

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, Phỏ Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc điều chỉnh mức giá ngay trong năm 2017 theo Thông tư  02/2017/TT-BYT, đồng thời cần theo dõi, chỉ đạo quyết liệt, sát sao việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Đối với việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2018:, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH và Bộ Tài chính thực hiện tính toán, báo cáo Chính phủ lộ trình điều chỉnh phù hợp và các giải pháp để bảo đảm khả năng chi trả của quỹ BHYT khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá.  

Liên quan đến giá thuốc chữa bệnh cho người, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc đấu thầu tập trung, đẩy nhanh việc đàm phán giá thuốc đối với các loại thuốc biệt dược, các loại thuốc đã hết hạn hợp đồng; BHXH tiếp tục thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung theo Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 7/7/2016 với mục tiêu kéo giá thuốc giảm từ 10 – 15%.

Về giá dịch vụ đào tạo, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH nắm bắt, đánh giá việc điều chỉnh học phí của các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề trong năm 2017 so với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP để có những định hướng điều chỉnh giá phù hợp cho năm 2018. Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương đánh giá kĩ tình hình thực hiện mức giá hiện hành so với khung, trần học phí được quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP để xây dựng kịch bản điều hành giá trong các năm tiếp theo cũng như để đưa ra kiến nghị, sửa đổi Nghị định này cho phù hợp với thực tế thực hiện. 

Về giá dịch vụ hàng không, giao Bộ GTVT theo dõi đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ hàng không từ ngày 01/10/ 2017, tiếp tục làm tốt công tác công khai thông tin, thông tin tuyên truyền, giải thích về cơ chế chính sách giá để người dân hiểu và đồng thuận.

Bộ GTVT cũng phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá dịch vụ cảng biển theo quy định của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn; hướng dẫn các doanh nghiệp cảng biển thực hiện việc kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá, hướng dẫn tiếp nhận kê khai giá dịch vụ tại cảng biển theo thẩm quyền quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn.

Đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tải sớm tính toán, phối hợp với Bộ Tài chính để đàm phán, điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc và chủ trương ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu với mục tiêu giảm giá dịch vụ BOT đối với ít nhất 50% số trạm đã quyết toán trong năm 2017; 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng vào thời điểm cuối năm để có biện pháp quản lý phù hợp. Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ổn định cung cầu cát hiện nay tại thị trường phía Nam; sớm xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật cho việc sử dụng các vật liệu thay thế cát xây dựng nhằm đáp ứng cân bằng cung cầu trên thị trường cả nước.

Đọc thêm