Điều khác biệt giữa hai chiến dịch #Metoo và Time’s Up

(PLO) - Ngày 8/3 được chính thức biết đến là ngày Quốc tế Phụ nữ nhưng thực sự hai năm 2017 và 2018 đang trở thành Năm của Phụ nữ. 
Nhà thiết kế phục trang Ane Crabtree tham dự lễ trao giải Costume Designers Guild Awards, tổ chức ngày 20/2/2018, tại Beverly Hills, California. (Nguồn: Christopher Polk – JumpLine)
Nhà thiết kế phục trang Ane Crabtree tham dự lễ trao giải Costume Designers Guild Awards, tổ chức ngày 20/2/2018, tại Beverly Hills, California. (Nguồn: Christopher Polk – JumpLine)

Chiến dịch chống lại nạn lạm dụng tình dục #Metoo và Time's Up đã thúc đẩy những cuộc đàm thoại công khai về các vấn đề của phụ nữ trên khắp thế giới, đồng thời nâng cao ý thức toàn cầu xung quanh những trở ngại mà phái yếu đang gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, từ chuyện cá nhân đến công việc.

Phong trào #Metoo đang trở thành một hiện tượng toàn cầu, hashtag này đã được tìm kiếm trên thanh công cụ Google ở 196 quốc gia trong năm vừa qua. Qua đó chúng ta thấy được sự chuyển mình rõ rệt trong các chuẩn mực văn hóa, lần đầu tiên thế giới bày tỏ sự quan tâm đúng mức đối với những vấn đề xung quanh phụ nữ.

Tạp chí TIME danh tiếng của Mỹ đã gây bất ngờ khi công bố Nhân vật của năm 2017 là “Những người phá vỡ im lặng”, không chỉ tôn vinh một cá nhân, mà cả một tập thể bao gồm những nạn nhân đã dũng cảm tố cáo hành vi quấy rối tình dục. 

Chiến dịch #Metoo là gì?

Chiến dịch #Metoo đã được phát động trong nhiều năm, nhưng chỉ thu hút sự quan tâm của thế giới sau khi các cáo buộc về hành vi tấn công và quấy rối tình dục của “ông trùm” Hollywood Harvey Weinstein bắt đầu chiếm ưu thế trên các mặt báo lớn. Nhà hoạt động xã hội Tarana Burke, người khởi xướng phong trào này, mô tả #Metoo không chỉ là một thẻ bắt đầu bằng ký tự “#” mà nó còn cho thấy đây là “điểm bắt đầu một cuộc đối thoại lớn hơn" và một không gian cho "chữa bệnh cộng đồng" cho tất cả mọi người.

#Metoo là cơ hội để mọi người cất lên tiếng nói của chính mình. Mục đích của phong trào này là thay đổi các chuẩn mực xã hội bằng cách “khuyến khích hàng triệu người đứng lên để nói về bạo lực và quấy rối tình dục". Một trong những khẩu hiệu của chiến dịch #Metoo là "trao quyền thông qua sự đồng cảm", bởi vì theo các nhà sáng lập: “Điều quan trọng là những người đã trải qua việc bị ngược đãi tình dục hiểu rằng họ không hề đơn độc”.

Tạo ra một cộng đồng tập hợp những nạn nhân bị lạm dụng tình dục là thành công đầu tiên của #Metoo, trước khi tiến tới mục tiêu cuối cùng của chiến dịch, đó là "phá vỡ tất cả các hệ thống đã và đang cho phép bạo lực tình dục hiện hữu”.

Ai đã khởi xướng chiến dịch #Metoo?

#Metoo được khởi xướng bởi nhà hoạt động xã hội Tarana Burke, sau khi cô nghe tâm sự về việc bị xâm hại tình dục từ một cô bé 13 tuổi. Năm 2006, Burke sáng lập ra Just Be Inc., một tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ nạn nhân của hành vi bạo lực tình dục, tập trung vào các cô gái trẻ.

Vào ngày 15/10/2017, #Metoo đã trở thành hiện tượng toàn cầu thông qua một tweet của nữ diễn viên Alyssa Milano: “Nếu bạn bị quấy rối hoặc bị tấn công tình dục, hãy viết “Me too” như một câu trả lời cho tweet này”. Ngay khi dòng tweet được đăng tải, hơn 66.000 lời phản hồi và hashtag #Metoo nhanh chóng trở thành một làn sóng được lan truyền dữ dội trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khi mọi người bắt đầu chia sẻ những câu chuyện quấy rối tình dục của chính họ.

Bản thân Alyssa Milano ban đầu cũng không hề biết rằng Burke là người đã khởi xướng phong trào #Metoo, nhưng trong vài ngày sau đó, Milano nhận ra ý nghĩa lớn lao của phong trào này, cô đã tham dự chương trình Good Morning America để công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Burke.

 

Các nhà báo như Ronan Farrow của New Yorker và Jodi Kantor của New York Times cũng đã góp phần thúc đẩy các cuộc đàm thoại về #Metoo tiến gần hơn với báo chí thông qua các cuộc điều tra chuyên sâu, phơi bày nhiều hành vi lạm dụng tình dục ra trước ánh sáng. 

Thế giới đã tiếp nhận chiến dịch #Metoo từ đó.

Chiến dịch Time's Up là gì?

Time's Up có tầm nhìn tương tự là trao quyền được nói cho phụ nữ giống như #MeToo, nhưng nó cũng có một số mục tiêu cụ thể khác. Time's Up có thể được coi là một bước tiếp theo dựa trên giải pháp, hành động của phong trào #Metoo. Mục đích của chiến dịch này là tạo ra sự thay đổi cụ thể về môi trường làm việc cho nữ giới an toàn và công bằng hơn. Hơn 300 nữ diễn viên, đạo diễn, biên kịch, quản lý, nhà sản xuất, giám đốc công ty giải trí... tham gia vào chiến dịch Time's Up với những cái tên đáng chú ý như Reese Witherspoon, Natalie Portman và Shonda Rimes...

Trọng tâm của chiến dịch là thông qua luật và các chính sách thay đổi. Những người đứng đầu của Time’s Up muốn xem xét việc thông qua các luật về bình đẳng giới như trả lương và môi trường làm việc, cũng như tăng cơ hội làm việc, đặc biệt đối với phụ nữ trong các ngành công nghiệp có mức lương thấp và phụ nữ da màu. Để đạt được mục tiêu này, họ đã thành lập Quỹ Time’s Up, đây nguồn trợ giúp pháp lý và tài chính cho phụ nữ và nam giới muốn chống lại hành vi sai trái tình dục thông qua hệ thống pháp luật.

Hoạt động bảo vệ pháp lý của Time's Up được quản lý bởi Mạng lưới pháp lý của Trung tâm Luật Phụ nữ Quốc gia về Bình đẳng giới. Đây cũng là chiến dịch thành công nhất mà tổ chức GoFundMe đã từng gặp, khi đã thu được 21 triệu đô la chỉ trong vòng hai tháng.

Trong buổi lễ Quả Cầu Vàng được tổ chức vào tháng 1/2018, hầu hết các ngôi sao đều mặc trang phục màu đen và đeo huy hiệu Time's Up khi đến tham dự. Và trong chính buổi trao giải đó, họ đã quyên góp để gây quỹ Time’s Up, thể hiện sự sát cánh, đồng lòng với phái nữ trong chiến dịch cao cả này. Phần lớn các khoản đóng góp lớn nhất là đến từ những người phụ nữ có sức ảnh hưởng ở Hollywood.

Đọc thêm