Điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước

(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 02/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Trong đó đã quy định về điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước bao gồm: giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước biển.

Công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký giấy phép

Nghị định 02/2023/NĐ-CP nêu rõ các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, bao gồm: hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 - 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm các mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 - 0,5m3/giây. Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 - 0,2 triệu m3 có các mục đích khai thác, sử dụng nước có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện xin phép theo quy định của Nghị định này.

Trường hợp khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất trên đất liền bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 10.000m3/ngày đêm đến 100.000m3/ngày đêm. Và khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định này và các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do UBND cấp tỉnh công bố. Đồng thời, việc sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản cũng cần đăng ký giấy phép tài nguyên nước.

Để được cấp giấy phép tài nguyên nước, các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện cụ thể sau: đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Nghị định này. Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực. Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 của Luật Tài nguyên nước, điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này và các điều kiện sau đây: có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình; có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.

Nghị định 02/2023/NĐ-CP cũng quy định thời hạn của giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển có thời hạn tối đa là 15 năm, tối thiểu là 5 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 3 năm, tối đa là 10 năm; giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn là 2 năm và được xem xét gia hạn 1 lần, thời gian gia hạn không quá 1 năm; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất có thời hạn tối đa là 10 năm, tối thiểu là 3 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 2 năm, tối đa là 5 năm. Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu quy định tại khoản này thì giấy phép được cấp hoặc gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn.

Hồ sơ cấp giấy phép đăng ký tài nguyên nước

Đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất sẽ bao gồm đơn đề nghị cấp giấy phép; đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 200m3/ngày đêm trở lên; thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200m3/ngày đêm.

Trường hợp xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất ngoài đơn đề nghị cấp giấy phép; sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất; tổ chức, cá nhân cần có báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất kèm theo phương án khai thác đối với công trình có quy mô từ 200m3/ngày đêm trở lên hoặc báo cáo kết quả thi công giếng khai thác đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200m3/ngày đêm trong trường hợp chưa có công trình khai thác; báo cáo hiện trạng khai thác đối với trường hợp công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động; và kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

Với hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển cụ thể gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép; đề án khai thác, sử dụng nước đối với trường hợp chưa có công trình khai thác; báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước kèm theo quy trình vận hành đối với trường hợp đã có công trình khai thác (nếu thuộc trường hợp quy định phải có quy trình vận hành); kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá 3 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ (trừ mục đích khai thác, sử dụng nước cho thủy điện) và sơ đồ vị trí công trình khai thác nước. Trường hợp chưa có công trình khai thác nước mặt, nước biển, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải nộp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Đọc thêm