Điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Có cần định khung 'doanh nghiệp có lãi'?

(PLO) - Góp ý Dự thảo Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nên xem xét bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có lãi, chỉ cần có báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập là đủ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhà đầu tư sẽ tự quyết mua hay không mua trái phiếu doanh nghiệp

Liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu, điểm c khoản 1 Điều 11 Dự thảo Nghị định yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành phải có lãi.

Theo VCCI, quy định này chưa thực sự hợp lý, bởi quy định có lãi được suy đoán rằng để bảo đảm tín nhiệm tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện nay, yếu tố có lãi trong một năm không có ý nghĩa đáng kể trong việc bảo đảm tín nhiệm tài chính. Trong khi đó, quy định này có thể loại một số lớn các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu, đặc biệt là trong những trường hợp doanh nghiệp  đang trong giai đoạn đầu kinh doanh, cần đầu tư mạnh để mở rộng quy mô.

Bên cạnh đó, Nghị định đã xác định nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, miễn là phải công bố thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời. Do đó, việc đặt điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có lãi không thực sự phản ánh nguyên tắc này.

Hơn nữa, về mặt kế toán, trong một mức độ nhất định, doanh nghiệp có thể biến lỗ thành lãi và ngược lại. Nếu đặt ra điều kiện này thì sẽ tạo áp lực khiến các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu sẽ tìm cách can thiệp vào số liệu kế toán để có thể đáp ứng điều kiện. Việc này lại trái với nguyên tắc công bố thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời, tự chịu trách nhiệm.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có lãi, chỉ cần có báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập là đủ. Nhà đầu tư sẽ nghiên cứu báo cáo tài chính để tự quyết định việc mua hay không mua trái phiếu của doanh nghiệp đó.

Có can thiệp vào quyền tổ chức nội bộ của doanh nghiệp?

Khoản 2 Điều 15 của Dự thảo quy định tương đối chi tiết về thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận phương án phát hành trái phiếu thuộc về Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty. Theo nhận định của VCCI, quy định này đã can thiệp vào quyền tổ chức nội bộ của doanh nghiệp, và có nguy cơ gây rủi ro cho quyền lợi của nhà đầu tư.

Thứ nhất, vấn đề tổ chức nội bộ của doanh nghiệp. Trong một doanh nghiệp, việc phân chia thẩm quyền giữa Hội đồng thành viên, Giám đốc, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc… là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp. Pháp luật của Nhà nước chỉ can thiệp để bảo vệ cổ đông thiểu số hoặc để tránh những tranh chấp trong nội bộ công ty và thường được thể hiện trong Điều lệ.

Ví dụ, Điều 56 của Luật Doanh nghiệp có quy định: “Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền và nghĩa vụ thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của thành viên công ty, đặc biệt là thành viên thiểu số, khi mà Giám đốc có thể giao dịch tài sản có giá trị quá lớn của công ty mà không thông qua Hội đồng thành viên.

Trong trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, được xem là để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu, thì quy định như vậy đã can thiệp quá mức vào việc tổ chức nội bộ của doanh nghiệp.

Thứ hai, về quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu. Quy định trên không những không có tác dụng bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, mà thậm chí còn có thể đặt nhà đầu tư mua trái phiếu vào vị trí rủi ro.

Nếu có quy định này, giả sử một doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà không đúng trình tự, thẩm quyền quy định tại Nghị định này thì được xem là hợp đồng vô hiệu do không đúng thẩm quyền. Theo pháp luật dân sự, khi đó, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, nhà đầu tư trả lại trái phiếu, còn doanh nghiệp trả lại tiền (chỉ là tiền gốc, không có lãi) cho nhà đầu tư. Như vậy, quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo đảm.

Nếu không có quy định này, giả sử một doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng trình tự, thẩm quyền theo Điều lệ công ty thì giao dịch đó vẫn có thể có hiệu lực nếu nhà đầu tư không biết và không thể biết về việc không đúng thẩm quyền đó (Điều 143.1.c Bộ luật Dân sự 2015). Đây là trường hợp đại diện bề mặt mới được bổ sung vào Bộ luật Dân sự.

Như vậy, việc duy trì quy định về thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu tưởng như để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, nhưng vô hình trung lại có tác động ngược lại.

Cần coi doanh nghiệp là một thực thể

Do đó, trong văn bản gửi Bộ Tài chính, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng  bỏ các quy định mang tính xác định trình tự thủ tục, thẩm quyền trong nội bộ doanh nghiệp. Cần coi doanh nghiệp là một thực thể, không tách thành nhiều cấp.

Đồng thời, duy trì các quy định về việc doanh nghiệp phải xin ý kiến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khi phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền theo pháp luật chứng khoán và quy định về việc phân định thẩm quyền huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước theo pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nếu cần, có thể bổ sung quy định về việc nếu cấp quyết định phát hành trái phiếu không phải cấp cao nhất của doanh nghiệp (Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên…) thì phải có thêm văn bản chứng minh cấp dưới đó có thẩm quyền phát hành trái phiếu (như Điều lệ, Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên…).

Đọc thêm