Những vườn rau xanh giữa biển
Mâm cơm ở Trường Sa không có nhiều món đặc sản nhưng cũng rất đầy đủ chất dinh dưỡng từ thịt, trứng đặc biệt là rau xanh các loại. Những món ăn đó có những loại đồ hộp gửi từ đất liền ra nhưng đa phần nguyên liệu chế biến là sản phẩm do các chiến sĩ tăng gia sản xuất mà có.
Trong chuyến công tác ở Trường Sa, phóng viên ghi nhận tại các đảo đều có vườn rau do các chiến sĩ trồng. Từ các đảo chìm cho đến các đảo nổi, rau xanh dưới bàn tay chăm sóc của lính đảo đều rất tươi tốt. Nhưng để có được thành quả ấy đằng sau là nỗi khó khăn, vất vả của người lính.
Khác với đất liền, điều kiện thời tiết ngoài đảo vô cùng khắc nghiệt, hơi nước biển rất nhiều nên nếu chăm sóc không kỹ thì rau không thể phát triển được thậm chí là chết khi chưa kịp lớn.
Đầu tiên các chiến sĩ phải xác định được khu vực để trồng sao cho ít bị ảnh hưởng của gió biển. Tiếp đến là làm đất, trộn phân hữu cơ… để bổ sung dinh dưỡng cho đất nuôi cây.
Và không phải thích trồng cây nào vào thời gian nào cũng được, phải tùy theo mùa vụ mà lựa chọn loại rau thích hợp để trồng để cây phù hợp với thời tiết thì mới phát triển được và cho năng suất cao.
Trên các đảo nổi, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu thì công tác tăng gia sản xuất, trồng rau xanh để phục vụ bữa ăn hằng ngày là nhiệm vụ của mỗi cán bộ chiến sỹ.
Giá đỗ được ủ phục vụ cho bữa ăn |
Ở đảo hoàn toàn không có đất tự nhiên để trồng rau như trong đất liền. Từ những bao đất hiếm hoi và bột xơ dừa được chuyển ra từ đất liền, cán bộ, chiến sỹ đã cải tạo, tận dụng để trồng rau xanh.
Sau khi có đất, nước ngọt để duy trì sự sống của rau và tránh những tác nhân từ thời tiết mới là vấn đề lớn để có những vườn rau xanh tốt...
Trồng rau trên đảo nổi đã khó, ở đảo chìm để trồng được rau còn khó hơn gấp bội. Bởi lẽ, ở đảo chìm chỉ có một ngôi nhà trên thềm san hô 4 bề là nước biển.
Tất cả mọi sinh hoạt, hoạt động thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ cũng như nhu yếu phẩm đều chỉ được gói gọn trong không gian hẹp ấy.
Vì thế, những khoảng trống trên đảo đều được các chiến sỹ tận dụng để đặt các thùng xốp hoặc những chiếc xoong nồi, khay, chậu hỏng để trồng rau.
Để trồng được rau ở đảo chìm không hề đơn giản, các chiến sĩ phải chắt chiu từng nắm đất, ca nước, từng chút phân vi sinh gửi từ đất liền ra để cho rau sinh trưởng, phát triển bình thường.
Những mảnh bạt, những tấm gỗ từ các kiện hàng chuyển ra đảo được tận dụng làm bờ rào che chắn cho rau tránh được gió, sóng biển mang hơi mặn. Nước ngọt cũng được tận dụng tối đa từ nước tắm, rửa rau, nấu cơm… Nhiều đảo, các chiến sỹ phải dùng những tấm màn cũ bảo vệ rau khỏi ánh nắng chói chang của mùa hè.
Vườn rau ở các đảo chìm còn được gọi là vườn rau di động. Vì diện tích trồng rau và vật tư che chắn cho rau không đầy đủ nên các khay, chậu trồng rau phải di chuyển theo mùa gió. Cứ đợt gió mùa Tây Nam, lính đảo lại chuyển “vườn về phía Đông Bắc. Khi tới mùa gió Đông Bắc thổi, “vườn” rau lại được chuyển về vị trí cũ.
Hoặc có những tháng biển động, gió to, che bề nào cũng không lại với trời, lính đảo đành phải mang “vườn” rau để xuống gầm giường. Nhiều khi thời tiết thay đổi bất thường, chỉ cần trúng một trận gió, một đợt sóng là rau héo quắt.
Những lúc như thế phương án ủ giá đỗ là giải pháp tạm thời trong lúc các chiến sĩ khôi phục lại vườn rau. Ở các đảo chìm, cách làm giá đỗ để giải quyết bài toán rau ăn cho chiến sĩ rất phổ biến.
Ghé thăm đảo chìm Đá Lớn B, chúng tôi thấy khá nhiều loại rau được trồng. Từ rau xanh ăn hàng ngày như rau cải, rau muống, rau dền... cho tới các loại rau thơm.
Phát hiện nhiều chậu rau đã lớn mà chưa hề có vết cắt đem hỏi các chiến sĩ, các anh trả lời vui: “Lính đảo coi rau như là hoa trong đất liền vậy, có khi trồng chỉ để ngắm...”. Ấy thế nhưng bữa ăn chiều hôm đó đã thấy món rau xanh tôi vừa hỏi trên mâm cơm. Ra là chậu rau ấy được “đặt hàng” để dành đãi đoàn ra thăm.
Binh nhất Nguyễn Thanh Sơn trên đảo Đá Lớn B chia sẻ: “Ở đảo rau như là món ăn đặc sản vậy, nó quý hơn cả cơm, thịt hay hải sản. Việc tăng gia sản xuất, không chỉ giúp cho anh em cải thiện bữa ăn hằng ngày, mà còn đem đến màu xanh, sự sống trên đảo chìm.
Đàn vịt ở đảo chìm Cô Lin |
Mỗi lúc trồng, chăm sóc rau xanh cũng giúp các anh cảm thấy được gần gũi hơn với đất liền, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Từ đó quyết tâm chắc tay súng gìn giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”
Vật nuôi ở đảo chìm, đảo nổi
Trong nhiệm vụ tăng gia sản xuất, ngoài trồng rau, các chiến sĩ còn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm để cung cấp nguồn thịt tươi cho bữa ăn. Ở các đảo nổi, khu vực chăn nuôi được bố trí riêng, những chuồng trại được dựng tại một khu thông thoáng.
Theo tìm hiểu, trước kia vật nuôi trên đảo đều được mang giống từ đất liền ra. Tuy nhiên hiện nay nhiều cặp gia súc bố mẹ đã được nuôi và sinh sản thành công trên đảo. Các loại gia cầm như gà vịt ngoài nuôi lấy trứng còn có lò ấp trứng nên lượng con giống cũng được bảo đảm.
Các đảo chìm thì ít có điều kiện chăn nuôi hơn đảo nổi, tuy nhiên nhiều đảo vẫn xuất hiện những chú lợn, những đàn gà, đàn vịt. Thú nuôi không thể thiếu và chiếm số lượng đông nhất ở các đảo chìm là chó. Chó vừa là vật nuôi, vừa là bạn của lính đảo xa.
Trên đảo chìm Cô Lin hình ảnh đàn vịt gần chục con tung tăng bơi giữa biển khiến đoàn khách không khỏi ngạc nhiên. Bởi trước đây họ chỉ thấy những chú vịt bơi lặn ở ao hồ, đồng ruộng nước ngọt trong đất liền. Theo lời “quảng cáo” của lính đảo, vịt ở đây bơi giỏi, bắt cá tài nên lớn rất nhanh. Đây là nguồn thực phẩm dự trữ và cải thiện rất tốt của lính đảo.
Trên đảo nổi Sinh Tồn Đông, khách thăm đảo ngoài việc thấy những chuồng chăn nuôi gà, vịt được quy hoạch vào một góc, trên đường đi dạo còn thấy những chú bò, chú lợn nằm nghỉ dưới những tán cây mù u.
Trên đảo không có cỏ nên bò với lợn đều ăn cơm, ăn cám. Mỗi lần có đoàn ra đảo, các chú bò được cải thiện thêm món... thùng các tông từ số hàng hóa vận chuyển ra. Vậy mà lợn bò trên đảo vẫn múp máp.
Nhìn vào đời sống ở các đảo chìm, đảo nổi hiện tại, có thể thấy, mặc dù sống trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt, nhưng bằng nhiệt huyết của sức trẻ, các chiến sĩ đã vượt lên mọi trở ngại.
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, các chiến sĩ luôn chấp hành tốt nhiệm vụ được giao. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển trời tổ quốc, các chiến sĩ nơi đây còn tự đảm bảo cho cuộc sống, sức khỏe của chính bản thân mình.
Những mầm xanh ở Trường Sa có sức sống thật kỳ diệu, cứ vươn lên không ngừng giữa mưa gió bão bùng, như một sự thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt.
Đằng sau sức sống mãnh liệt ấy là biết bao tâm huyết, mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ nơi đây nhằm khắc phục khó khăn, thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên.
Đàn chó sống hòa bình với chú lợn trên đảo chìm |
Việc tăng gia rau xanh ở đảo không chỉ là công việc giúp chiến sĩ thảnh thơi đầu óc sau những giờ làm việc, mà đó còn là công tác thi đua quyết liệt giữa các đơn vị nhằm bảo đảm bữa ăn cho bộ đội ở Trường Sa, cùng nhau kiên cường bám đảo, gìn giữ chủ quyền Tổ quốc.