Hơn 4 năm kể từ khi trải qua một cuộc đại phẫu ghép gan, giờ đây, bé H.A (6 tuổi, ở Hà Nội) đã có cuộc sống khỏe mạnh, mọi chức năng gan hoạt động bình thường.
Gia đình cho biết, bé H.A được phát hiện mắc teo mật bẩm sinh khi vừa sinh ra được 1 tháng tuổi. Quá trình xơ gan mật tiến triển sau đó khiến bé nhiều lần xuất huyết tiêu hóa, nguy kịch tính mạng.
Trước tình hình đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã hội chẩn và chỉ định cho H.A ghép gan, đây là cách duy nhất để cứu sống trẻ. May mắn, sau khi tiến hành làm các xét nghiệm, mẹ của bé H.A có các chỉ số phù hợp để hiến gan cho con. Ca phẫu thuật song song lấy gan của mẹ ghép cho H.A được các y bác sĩ tiến hành vào tháng 2/2020 đầy khó khăn đã thành công tốt đẹp, bé H.A được cứu sống.
Một trường hợp khác là cháu Đ (17 tuổi) được 'hồi sinh' từ chính lá gan của mẹ ruột. Sau 14 năm, sức khỏe của 2 mẹ con đều rất ổn định.
Theo PGS.TS Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc Bệnh Viện Nhi Trung ương, trẻ mắc bệnh gan giai đoạn cuối do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với người mắc bệnh lý gan giai đoạn này, các biện pháp điều trị mang lại hiệu quả rất thấp, hầu hết đều có nguy cơ dẫn đến tử vong cao. Việc ghép gan là biện pháp duy nhất để cứu sống trẻ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ ca ghép gan đầu tiên được thực hiện vào năm 2005, bệnh viện đã thực hiện ghép gan thành công cho 66 ca, trong đó có 48 ca ghép bệnh viện tự chủ hoàn toàn về kỹ thuật. Bệnh viện hiện là đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam.
Trong số các ca ghép tại bệnh viện, phần lớn là trẻ nhỏ, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật ghép gan là một bé 9 tháng tuổi, cùng với bệnh nhi có cân nặng thấp nhất (5,6kg) tới nay vẫn giữ kỷ lục là em bé được ghép gan có tuổi đời nhỏ nhất và cân nặng thấp nhất tại Việt Nam.
"Đặc điểm giải phẫu của các bệnh nhi còn chưa trưởng thành và hoàn thiện, cấu trúc mạch máu của trẻ rất nhỏ và dễ sang chấn. Do đó kỹ thuật ghép gan cho trẻ không chỉ đòi hỏi trình độ và tay nghề của các phẫu thuật viên mà còn cần sự kiên trì và quyết tâm. Trước mỗi cuộc ghép là những khâu chuẩn bị rất công phu với hàng loạt các xét nghiệm tầm soát. Các nhóm chuyên môn phải cùng nhau tiến hành hội chẩn và bàn bạc cụ thể giữa các chuyên khoa Ngoại, Gan mật, Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh, Gây mê, Hồi sức, … nhằm tính toán thật kỹ các đặc điểm giải phẫu, cân nhắc về trọng lượng của mảnh ghép,… để tối ưu hóa kết quả ca phẫu thuật", PGS.TS Phạm Duy Hiền thông tin.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, tới thời điểm này hầu hết các ca ghép gan tại bệnh viện đều có kết quả tốt, sau ghép gan tỷ lệ sống sau 5 năm của trẻ là hơn 90%. Sức khỏe của trẻ sau ghép diễn biến tốt, chức năng khối ghép dần ổn định, có trường hợp trẻ sau ghép gan không cần phải dùng thuốc thải ghép.
Còn theo PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, việc thực hiện ghép gan cho trẻ em hiện nay còn nhiều thách thức. Trước hết, đó là tình trạng thiếu tạng ghép và chi phí cho ca ghép gan còn cao. Đồng thời, sau ghép gan người bệnh còn phải dùng thuốc chống thải ghép khá tốn kém, nhiều gia đình không đủ khả năng tài chính để chi trả...