Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, sẽ xử phạt thích đáng những binh lính Pháp bị kết tội, và những người này phải đối mặt với bản án hình sự.
Quyết định điều tra được tiến hành ngay sau khi Văn phòng Công tố Pháp nhận được báo cáo do LHQ gửi tới Bộ Quốc phòng Pháp, đề cập đến cáo buộc một số binh lính Pháp có hành vi lạm dụng tình dục tại thị trấn Dekoa của CH Trung Phi, trong thời gian từ 2013-2015.
Sự vào cuộc của Pháp
Vì trong báo cáo không nêu rõ bao nhiêu người là nạn nhân, tuổi của họ, cũng như có bao nhiêu lính Pháp liên quan tới các vụ tai tiếng, nên cơ quan chức năng Pháp phải làm rõ vấn đề này. Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tuyên bố, sẽ nghiêm khắc trừng phạt các binh sỹ Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ (còn gọi là lính mũ nồi xanh) dính líu tới lạm dụng tình dục ở CH Trung Phi. Tổng thư ký Ban Ki-moon từng gọi đây là “khối ung thư trong hệ thống của chúng ta”.
Trong báo cáo công bố hôm 5/1, LHQ chính thức ghi nhận có ít nhất 4 trường hợp các bé gái vị thành niên ở CH Trung Phi từng bị lính mũ nồi xanh xâm hại tình dục. Và các hành vi xâm hại tình dục liên tiếp diễn ra (một số nạn nhân đã bị lạm dụng nhiều lần) kể từ khi lực lượng này được điều đến đây hồi tháng 9/2014. Thế giới cũng từng bị sốc sau khi vụ bê bối “đổi tình dục lấy lương thực” của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Haiti bị tiết lộ. Hơn 200 phụ nữ vì thiếu ăn đã chấp nhận quan hệ tình dục với lính mũ nồi xanh.
Theo thống kê, hiện LHQ có hơn 100.000 binh lính tham gia gìn giữ hòa bình tại 16 điểm nóng trên thế giới; trong đó, Pháp gửi binh sỹ tới CH Trung Phi từ tháng 12/2013. Những binh sỹ này tuy không thuộc biên chế lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, nhưng họ vẫn thực thi nhiệm vụ của HĐBA LHQ nhằm tái thiết hòa bình tại CH Trung Phi.
Gần 1 năm trước, tờ The Guardian từng trích dẫn một báo cáo bị rò rỉ của nhóm vận động Aids-Free World (AFW) cho biết, từ cuối năm 2013 đến giữa năm 2014, binh sỹ Pháp được triển khai tại trung tâm lánh nạn trong khu vực sân bay quốc tế Mpoko ở Bangui đã ép buộc các em nhỏ quan hệ tình dục để đổi lấy thực phẩm và tiền bạc.
Một tài liệu của Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc cũng trích dẫn 10 trẻ em ở Cộng hòa Trung Phi tố cáo các hành vi tương tự của lính Pháp trong khu vực trại tị nạn ở thủ đô Bangui cùng thời điểm kể trên.
Binh sỹ Pháp tham gia chiến dịch quân sự tại CH Trung Phi |
Hơn 4 tháng trước, một tòa án tại Pháp cho biết, 4 binh sỹ của nước này đã bị thẩm vấn vì liên quan đến cuộc điều tra về lạm dụng tình dục trẻ em ở CH Trung Phi. Và có tới 14 lính Pháp nằm trong diện bị điều tra sau khi một nhóm trẻ em tại CH Trung Phi tố cáo từng bị họ lạm dụng tình dục tại một trung tâm cho người sơ tán ở thủ đô Bangui từ tháng 12/2013 và tháng 6/2014. Và trong số những em gái bị lạm dụng có bé mới 9 tuổi - các nạn nhân bị các binh sỹ Pháp lợi dụng, mua chuộc để đổi lấy thực phẩm.
Paris thông báo mở cuộc điều tra đối với cáo buộc các binh sỹ gìn giữ hòa bình của Pháp lạm dụng tình dục trẻ em ở CH Trung Phi sau khi một báo cáo của LHQ cho biết nhiều nạn nhân là các bé gái bị ép buộc quan hệ tình dục để đổi lấy thực phẩm và tiền bạc. Mặc dù Pháp đã cử cảnh sát tới CH Trung Phi để điều tra vụ này nhưng hiện vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Điều đáng nói là tuy cả Pháp và LHQ đều nói không che giấu vụ việc, nhưng một quan chức của LHQ đã bị đình chỉ công tác sau khi để lộ thông tin về vấn đề này. Giới truyền thông cho biết, tuy cáo buộc về việc lính mũ nồi xanh có nhiều, nhưng mới có 13 vụ việc chính thức bị tố cáo, trong đó có 9 vụ liên quan đến trẻ vị thành niên.
Quyết tâm của Liên hợp quốc
Theo giới truyền thông, nhân viên LHQ sẽ phỏng vấn 108 phụ nữ và trẻ em gái tại quận Kemo nằm ở phía Đông thủ đô Bangui của CH Trung Phi để kiểm tra thông tin binh sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại đây đã lạm dụng và bóc lột tình dục phụ nữ, trẻ em gái.
Theo báo cáo công bố hôm 31/3 của tổ chức AIDS-Free World, trong thời gian từ 2013-2015, có 98 trường hợp bé gái tại CH Trung Phi tố cáo bị một số lính thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc lạm dụng tình dục. Và những binh sỹ kể trên đều đã rời khỏi quốc gia châu Phi này. LHQ cho biết, có hơn 100 người tại CH Trung Phi là nạn nhân trong các vụ bê bối lạm dụng tình dục khi bị binh lính Pháp và LHQ ép phải giao cấu với động vật.
LHQ cũng xác nhận, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2016, đã có 25 trường hợp tố cáo lên Liên hợp quốc về hành vi xâm hại tình dục của binh lính gìn giữ hòa bình tại CH Trung Phi và 6 trường hợp khác tại các điểm gìn giữ hòa bình trên thế giới. Riêng trong năm 2015, có tổng cộng 69 vụ việc liên quan tới các hành vi lạm dụng tình dục của nhân viên làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ ở các quốc gia trên thế giới.
Binh sỹ Pháp làm nhiệm vụ tại CH Trung Phi |
Đài RT của Nga từng cho biết, Ủy ban cao cấp gồm 16 thành viên của LHQ đã trình lên Tổng thư ký Ban Ki-moon một báo cáo, trong đó nhấn mạnh tới một số vụ bê bối điển hình của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ lạm dụng tình dục phải bị xét xử, và những quốc gia có binh sĩ bị cáo buộc cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Vì báo cáo này do ông Jose Ramos-Horta, Chủ tịch Ủy ban cao cấp của LHQ, cựu Tổng thống Đông Timor trình bày nên tính thuyết phục cao. Ông Jose Ramos-Horta gọi những vụ bê bối tình dục này là “chương đen tối” của LHQ.
Theo thống kê của LHQ, trong giai đoạn 2008-2013, có trên 480 vụ lạm dụng tình dục liên quan đến lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ và 1/3 trong số nạn nhân là trẻ em và trẻ vị thành niên. Và lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ ở Congo, Liberia, Haiti, Sudan và Nam Sudan, đã trao đổi bất kỳ thứ gì họ có để lấy tình dục.
1 tháng trước (11/3), HĐBA LHQ gồm 15 thành viên đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết số 2272, bao gồm những biện pháp đặc biệt do Tổng thư ký Ban Ki-moon kiến nghị để ngăn chặn và đấu tranh với hiện tượng binh sỹ gìn giữ hòa bình có những hành vi lạm dụng tình dục tại các quốc gia mà lực lượng này đóng quân. Nghị quyết kể trên cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phải bảo vệ dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trước bất kỳ hành vi xâm hại tình dục nào. Ông Ban Ki-moon tuyên bố, sẽ triệu hồi cả đơn vị nếu có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy họ có hành vi lạm dụng tình dục.
Gần 1 năm trước, ông Ban Ki-moon đã quyết định thành lập một hội đồng điều tra độc lập nhằm làm sáng tỏ những cáo buộc về công tác điều tra thiếu trách nhiệm liên quan tới việc binh sỹ của Pháp và châu Phi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại CH Trung Phi có hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Hội đồng điều tra độc lập sẽ xem xét lại việc xử lý các báo cáo trước đây về tình trạng lạm dụng tình dục tại CH Trung Phi, cũng như một loạt vấn đề liên quan tới cách thức giải quyết của Liên hợp quốc đối với các thông tin nghiêm trọng như trên. Khi đó, Văn phòng Tổng thư ký LHQ đã nhấn mạnh, việc thành lập một hội đồng độc lập là cần thiết và người đứng đầu cơ quan này sẽ được công bố trong những ngày tới.
Tờ Washington Post từng đưa tin khiến cho những cáo buộc lạm dụng tình dục của một số binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ càng trở thành chủ đề chỉ trích của dư luận tại CH Trung Phi và một vài quốc gia khác. Theo lời quan chức LHQ, cơ quan chức năng đang điều tra 4 binh sĩ người Gabon, Morocco, Burundi và Pháp từng mua dâm, trong đó có trường hợp mua dâm bé gái mới 13 tuổi, với giá từ 50 xu đến 3 USD. Vụ việc xảy ra tại trại M’poko dành cho những người bị mất nhà cửa ở sát sân bay quốc tế ở Bangui, thủ đô CH Trung Phi. Nhưng vì LHQ không có văn phòng thường trực ở M’poko, nên công tác điều tra đang gặp nhiều khó khăn.
Quĩ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho biết, đại diện của họ tại CH Trung Phi đã 4 lần tiếp xúc với 4 nạn nhân nữ từ 28/12/2015 tới 5/1/2016 và họ đều đến từ trại tị nạn M’poko gần thủ đô Bangui. “Trong lúc điều tra, UNICEF cũng nghe được những cáo buộc xâm hại khác và đang cố gắng kiểm chứng những cáo buộc này”, John Budd, phát ngôn viên của UNICEF tại Mỹ cho biết./.